Lý Tống và Trần Mạnh Quỳnh Là Hai Tù Nhân Chính Trị LS Nguyễn Hữu Thống Năm 1991 Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế khiếu tố chính phủ Hà Nội trước Uỷ Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vì đã bắt giữ trái phép Nguyễn Đan Quế. Bác sĩ Quế bị bắt và bị truy tố ra tòa năm 1990 về tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (phản nghịch) mà hình phạt có thể đến tử hình. Trong bài biện minh trạng đệ trình LHQ, chính phủ Hà Nội khẳng định rằng: "Nguyễn Đan Quế không bị bắt giữ trái phép mà cũng không phải là tù nhân chính trị." Chính phủ Hà Nội chủ trương rằng, vì bị cáo đã bị truy tố và kết án bởi một tòa án hình sự thường tụng nên đã trở thành tù nhân thường phạm (hình sự). Lý luận như vậy là lầm lẫn thủ tục với tội danh. Về mặt tội trạng học, chúng ta phân biệt các loại phạm nhân thường phạm với các phạm nhân chính trị. Trong khi các phạm nhân thường phạm xâm phạm đến tài sản, danh dự hay sinh mạng của người khác vì lý do tư lợi hay tư thù (vì tình, tiền hay thù) thì các phạm nhân chính trị (political offenders) đã phạm pháp, như xâm phạm an ninh quốc gia, vì lý do cao thượng hơn mà họ cho là phù hợp với công ích hay công nghĩa. Nếu một phạm nhân giết người vì tình, tiền hay thù thì khi bị tòa án xác nhận tội trạng cố sát, ông ta sẽ là một tù nhân thường phạm. Trái lại, nếu vì mục đích cao cả hơn, như muốn cảnh tỉnh lương tâm nhân loại về chế độ đô hộ nhân đạo tại các thuộc địa, mà bị can đặt bom để toan ám sát viên toàn quyền mẫu quốc (như trường hợp liệt sĩ Phạm Hồng Thái) thì ông ta vẫn có thể bị kết án về tội toan cố sát, nhưng vẫn giữ tư cách là một tù nhân chính trị. Do đó, cùng một tội danh (cố sát) có thể phát sinh ra hai loại phạm nhân khác nhau. Tuy nhiên, một số tội trạng dường như được dành riêng cho các phạm nhân chính trị như tội hoạt động nhằm lật đổ chế độ chính trị của một quốc gia, thường được mệnh danh là phản nghịch hay phá rối cuộc trị an. Các trường hợp của Đoàn Viết Hoạt, Lý Tống và Trần Mạnh Quỳnh cũng tương tự như vậy. Các bị cáo đã bị truy tố và kết án không phải do những hành động vì mục đích riêng tư, mà nhằm những mục tiêu cao cả hơn, vì độc lập, tự do, dân chủ, công lý, nhân quyền v.v... Nguyễn Đan Quế thành lập Cao Trào Nhân Bản đòi giải thể chế độ độc tài đảng trị. Đoàn Viết Hoạt phổ biến các số báo Diễn Đàn Tự Do, đòi tôn trọng các quyền tự do căn bản để thực thi quyền Dân Tộc Tự Quyết. Đây là những mục tiêu chính trị của các tù nhân chính trị, đấu tranh cho tự do dân chủ. Trần Mạnh Quỳnh chủ trương đặt chất nổ để phá hủy tượng đài Hồ Chí Minh tại bến sông Sài Gòn. Sau này vì sợ chết oan các lương dân vô tội, anh nhắm phá hoại Viện Bảo Tàng Chiến Tranh tại Sài Gòn mà anh cho là một công sự điển hình của chiến tranh xâm lược Miền Nam. Hành động này có tính cách chính trị, lên án chiến tranh xâm lược ngụy trang dưới chiêu bài giải phóng dân tộc. Và như vậy anh vẫn có tư cách là tù nhân chính trị. Trường hợp của Lý Tống khác thường hơn và ly kỳ hơn. Ba bước bách hại Lý Tống Tháng Chín năm 1992 Lý Tống đơn thương độc mã nhẩy dù xuống không phận Sài Gòn, rải 50 ngàn truyền đơn hô hào dân chúng tổng nổi dậy lật đổ chế độ độc tài cộng sản. Anh bị bắt giữ và truy tố về tội không tặc và phản nghịch. Trong những ngày đầu tiên, công an cộng sản giấu nhẹm tin bắt giữ Lý Tống. Họ loan truyền rằng, Lý Tống là Tổng Tư Lệnh các lực lượng nổi dậy nên không bao giờ lại dại dột nhẩy dù để bị bắt giữ (anh không có một tấc sắt trong tay). Và người nhảy dù không phải là Lý Tống mà là Trung tá "X", một chiến hữu của Lý Tống (Trung tá "X" là một tù binh VNCH). Kế hoạch này có tác dụng thanh toán Lý Tống. Họ sẽ dùng Trung tá "X" (hay một người mạo danh) đứng ra nhận là kẻ nhẩy dù, để ngầm thủ tiêu Lý Tống. Tuy nhiên, thân nhân và đồng bào hải ngoại cũng như tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangkok có đủ bằng chứng cho biết người nhẩy dù xuống Sài Gòn đích thực là Lý Tống. Và âm mưu của cộng sản muốn thanh toán vật chất không thành. Sau này công an lại loan truyền rằng, một vị Tổng tư lệnh các lực lượng nổi dậy mà dám nhẩy dù xuống Sài Gòn (để tự sát) đã hành động như kẻ mất trí. Do đó cần phải điều trị đương sự tại Dưỡng Trí Viện Biên Hòa (để chích cho đương sự mất trí luôn). Hay tin này, đồng bào ta tại Pháp la hoảng và tố giác âm mưu thanh toán tâm thần Lý Tống. Âm mưu không thành, cộng sản lại loan tin đã bắt giữ một số chiến hữu của Lý Tống chực sẵn tại ngoại ở Sài Gòn để chờ Lý Tống phân phối truyền đơn đi xách động đồng bào nổi dậy. Nhưng điều này vô lý, vì không ai dại dột hẹn hò tại địa điểm nhẩy dù với hàng trăm công an quân đội vây chung quanh. Muốn truy tố Lý Tống về tội âm mưu lật đổ chính quyền, cộng sản phải ngụy tạo một số đồng lõa (như Điều 73 Hình Luật qui định). Kế hoạch này có thể mệnh danh là thanh toán pháp lý. Không đủ bằng chứng buộc tội phản nghịch, sau cùng cộng sản phải truy tố Lý Tống về tội "không tặc." Trên nguyên tắc những tội thường phạm liên hệ đến những hành vi chính trị (như vượt ngục, làm thông hành giả v.v...) không làm mất tính cách chính trị của các hành động phạm pháp. Vả lại về mặt thủ tục, từ ngày bị bắt (tháng 9/92) tới ngày được phóng thích tháng 9 năm 1998, thời gian giam giữ mới được sáu năm. Vì Lý Tống cũng như Trần Mạnh Quỳnh đã bị tuyên phạt 20 năm tù, nếu là tù nhân thường phạm thì họ sẽ không đủ điều kiện để được ân xá hay ân giảm hình phạt. Vì theo Luật Tố Tụng Hình Sự các tù nhân chỉ có thể được giảm án hay phóng thích trước thời hạn nếu đã thụ hình được 1/3 hình phạt. Chưa thụ hình đủ 1/3 thời gian phạt tù mà đã được ân giảm hay ân xá, nhất quyết Lý Tống và Trần Mạnh Quỳnh không phải là các tù nhân thường phạm. Và cũng như Nguyễn Đan Quế và Đoàn Viết Hoạt, Lý Tống và Trần Mạnh Quỳnh là những tù nhân chính trị. Về đầu bài |
Trong Bản Tin Số 4:
Đại Hội Nhất Quyết
Tuyên Cáo Thành Lập MLNQ [English] Nhận Định của MLNQ Đặc xá? Một thủ đoạn của CS Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lý Tống và Trần Mạnh Quỳnh MLNQ ra mắt Nam Cali Đại Hội Liên Tôn Nam Cali BS Nguyễn Đan Quế ra tù GS Đoàn Viết Hoạt tự do GS Đồng Tuy tới Hòa Lan Thi sĩ Nguyễn V. Thuận về nhà TT Tuệ Sỹ và Nhật Ban Cao Ủy Nhân Quyền và TQ Thái Thủy-Free Expression |