Quốc tế lên án chính quyền Việt Nam vì giữ nguyên bản án đối với bà Phạm Đoan Trang

 

RFA | 2022.08.26

Liên minh Châu Âu (EU), Chính phủ Hoa Kỳ, Đặc ủy Nhân quyền Đức và tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đồng loạt lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam ngay sau khi Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bác bỏ kháng cáo của nhà báo Phạm Đoan Trang và giữ nguyên bản án chín năm tù giam trong phiên phúc thẩm ngày 25/8.

"Kêu gọi Việt Nam chăm sóc y tế đầy đủ cho bà Trang"

Chỉ vài giờ sau khi phiên toà phúc thẩm xử nhà báo nổi tiếng kết thúc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc y án tù đối với bà.

Phát ngôn nhân Ned Price của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói bà Trang, người được Ngoại trưởng Anthony Bliken trao giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022, là một nhà hoạt động nhân quyền được quốc tế ghi nhận.

Ông Ned Price nhắc lại việc Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện của Liên Hiệp quốc công bố việc bắt giữ bà Trang là tùy tiện và đi ngược lại những cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh tình trạng sức khoẻ tồi tệ của bà Trang và thúc giục Việt Nam cung cấp dịch vụ chữa trị y tế, thuốc men và cho phép tiếp cận để đánh giá tình trạng của nhà báo này. 

Cho rằng việc tiếp tục cầm tù bà Trang là hành động mới nhất của chiến dịch đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Hà Nội phóng thích bà và cho phép mọi người ở Việt Nam được thực hành quyền tự do biểu đạt như được quy định trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội nói với phóng viên RFA cho rằng, bản án của tòa phúc thẩm đối với những nhà bất đồng chính kiến thường giữ nguyên mức án là xu hướng chung hiện nay. Ông nói: 

“Cô Phạm Đoan Trang có việc làm và ảnh hưởng không chỉ lên người dân trong nước mà còn ảnh hưởng tầm quốc tế, cô được rất nhiều giải thưởng quốc tế. Chính vì thế mà nhà cầm quyền Việt Nam rất mạnh tay trong việc xử án và giữ nguyên mức án đối với Phạm Đoan Trang.”

Ông JB Nguyễn Hữu Vinh, quyền Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam khẳng định:

“Việc nhà cầm quyền Hà Nội y án đối với nhà báo Phạm Đoan Trang là điều không ai lạ. Là sự trả thù đối với công dân, sự trả thù sự hằn học đối với một người viết báo người phụ nữ bị tàn tật vì sự tấn công của lực lượng an ninh.

Cả hệ thống bây giờ không buông tha một người phụ nữ và theo tôi đó là sự trả thù hèn hạ bỉ ổi của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với một người cầm bút có lương tâm đối với đất nước và dân tộc.”

Bản án đi ngược lại với luật nhân quyền quốc tế

Trong khi đó, bà Nabila Massrali - Người phát ngôn về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) gọi tội danh mà bà Trang bị tòa án tuyên là "mơ hồ."

Dẫn lại các bản án phúc thẩm trong tháng 8 đối với các nhà lãnh đạo xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước như ông Đặng Đình Bách và ông Mai Phan Lợi, EU cho rằng các vụ "bắt giữ và kết án tùy tiện đối với các nhà hoạt động ôn hòa và các nhà báo là trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế."

EU tiếp tục kêu gọi nhà chức trách Việt Nam trả tự do cho tất cả người hoạt động nhân quyền bị bắt giữ một cách tùy tiện, đồng thời yêu cầu Hà Nội cho phép việc theo dõi phiên tòa và đảm bảo quyền được xét xử công bằng cho tất cả các cá nhân.

Trong phiên tòa xử bà Trang vào sáng 25/8, đại diện các Đại sứ quán của nhiều nước tự do và cả Liên minh Châu Âu đề nghị được dự khán phiên xử nhưng bị từ chối, với lý do là "Bộ Ngoại giao mới là bên cấp phép" cho dù họ đã gửi đơn đề nghị từ trước.

Liên minh Châu Âu khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam và tích cực hướng tới việc cải thiện tình hình nhân quyền. 

Trong cùng ngày, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp ra thông cáo kêu gọi các đối tác thương mại của Việt Nam, trong đó có Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ, sử dụng các hiệp định thương mại với Hà Nội để gây sức ép, buộc Việt Nam phải trả tự do cho bà Trang, người được tổ chức này trao giải Tự do Báo chí năm 2019.

“Cuộc chiến đấu của cô ấy cho một nền báo chí tự do cho tất cả vượt qua biên giới của Việt Nam và là cuộc chiến cho quyền phổ quát,” Daniel Bastard, Trưởng ban Châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói trong thông cáo.

“Đây là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi các đối tác kinh tế của Hà Nội, đặc biệt là EU và Hoa Kỳ, áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các quan chức Việt Nam chịu trách nhiệm về hiện trạng không thể chấp nhận được của nhà báo này,” ông nói.

Bản án phúc thẩm là "bước thụt lùi nghiêm trọng về nhân quyền"

Đặc ủy về Chính sách nhân quyền và Hỗ trợ nhân đạo của Chính phủ Liên bang Đức, bà Luise Amtsberg, trong ngày 25/8 bày tỏ sự phẫn nộ đối với bản án phúc thẩm nhà báo nổi tiếng:

"Bản án phúc thẩm đối với bà Phạm Thị Đoan Trang tiếp tục là một bước thụt lùi nghiêm trọng về nhân quyền và xã hội dân sự tại Việt Nam. Trong vai trò là nhà báo, tác giả và nhà hoạt động, bà Phạm Thị Đoan Trang đã nỗ lực vì các quyền công dân, nhà nước pháp quyền và bảo vệ môi trường trong nhiều năm. Vì sự dấn thân quả cảm của mình mà bà Trang bị kết án 9 năm tù. Điều này thật gây phẫn nộ."

Đặc ủy của Đức cho rằng, việc y án với bà Trang là tiếp nối hàng loạt các bản án đối với các nhà hoạt động môi trường và đại diện xã hội dân sự Việt Nam trong năm nay, bằng cách đó "Chính phủ Việt Nam ngày càng hạn chế phạm vi tham gia của người dân– và do đó hạn chế một nguồn sáng tạo, đổi mới và hội nhập quốc tế có giá trị."

Bà Luise Amtsberg đề nghị đề nghị Chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang và các nhà bảo vệ nhân quyền khác cũng như chấm dứt các biện pháp đàn áp của mình.

Đặc ủy Nhân quyền Đức giữ chức vụ từ đầu năm 2022, kêu gọi Chính phủ Việt Nam bảo đảm các nguyên tắc nhà nước pháp quyền trong các vụ án hình sự và cho phép đại diện quốc tế quan sát các phiên tòa.

Ngoài ra, nhiều tờ báo quốc tế lớn đưa tin về phiên phúc thẩm và việc y án đối với nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, trong đó có hãng tin Reuters, The Washington Post, AP, và ABC News.

Trong bài báo "Toà án Việt Nam y án chín năm tù giam đối với một nhà hoạt động dân chủ," trang Aljazeera ngợi ca các hoạt động của bà Phạm Đoan Trang. Trong đó cho biết bà viết về nhiều chủ đề bao gồm quyền của người đồng tính, chuyển giới, quyền của phụ nữ, môi trường và hoạt động dân chủ.

Hầu hết các tác phẩm của bà Trang được xuất bản một cách bí mật, bao gồm cả cuốn Chính trị bình dân- một cuốn sách hướng dẫn cho người mới hoạt động.

Theo Aljazeera, nhà báo người Hà Nội cũng được biết đến với hoạt động tích cực, tham gia nhiều cuộc tuần hành ủng hộ những người bất đồng chính kiến bị cầm tù và về môi trường.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]