Hai nhà hoạt động nổi tiếng khảng khái bào chữa, toà y án sơ thẩm

 

RFA | 2022.08.17

Ngày 17/8, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm đối với hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm trong khi cả hai đều có thái độ khảng khái, sẵn sàng đón nhận bản án mà toà đưa ra.

Ông Trịnh Bá Phương bị tuyên 10 năm tù giam và năm năm quản chế, bà Nguyễn Thị Tâm chịu mức án sáu năm tù giam cộng ba năm quản chế trong phiên tòa sơ thẩm hồitháng 12 năm 2021 đối với tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.

Ngay sau phiên toà, luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong ba luật sư bảo vệ cho ông Phương, cho Đài Á Châu Tự Do biết chỉ trong buổi sáng đã xét xử xong, và sau thời gian trưa là đến thời gian nghị án “như một kế hoạch từ trước.”

“Vấn đề tranh luận không được thoải mái bởi vì họ có ý hạn chế thời gian để nghị án. Án chính trị thường là giữ nguyên mức án.”

Nói về hai nhà hoạt động trong phiên toà, luật sư Miếng cho biết:

“Thái độ của họ rất là khảng khái. Ông Phương với bà Tâm có những bài bào chữa rất xuất sắc về các công việc mà họ đã làm. Cả hai đều tỏ thái độ chính trị rất mãnh liệt.”

Luật sư Miếng trong một dòng trạng thái trên Facebook dẫn lời Viện Kiểm sát nói trong phiên tòa thừa nhận: “Vi phạm thời hạn xét xử 8 tháng thay vì 90 ngày không làm thay đổi bản chất của vụ án.” 

Tại Điều 346 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đối với Tòa án nhân dân cấp cao là 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, trong khi đó cả hai nhà hoạt động bị xử sơ thẩm từ giữa tháng 12 năm ngoái nhưng đến 8 tháng sau mới mở ra phiên phúc thẩm.

Luật sư Đặng Đình Mạnh trong một bình luận trên Facebook cho biết: “Ông Trịnh Bá Phương ngồi vắt gối dự phiên tòa như không liên quan. Bà Nguyễn Thị Tâm mở lời ‘mắng’ suốt, cho đến tận khi bị đưa lên xe bít bùng.”

Công an xua đuổi thô bạo gia đình và bạn bè của hai nhà hoạt động  

Một số lượng lớn công an, trong đó có cả an ninh mặc thường phục được điều động đến phong toả khu vực xử án, ngăn cản người thân và bạn bè của hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm đến gần.

Người thân của họ không được vào tham dự phiên toà công khai, không những thế, họ còn bị xua đuổi khỏi khu vực xử án một cách rất thô bạo.

Trước phiên toà, hai gia đình đã làm đơn xin tham dự nhưng không nhận được phản hồi. 

Bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Trịnh Bá Phương cho RFA biết khi gia đình bà đến gần cổng của Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội thì bị lực lượng an ninh xua đuổi, buộc họ phải rời xa khu vực xử án.

Thậm chí, khi đã ngồi ở một quán nước xa phòng xử án, bà còn bị một nhân viên an ninh mặc thường phục đến túm cổ buộc bà phải đi xa hơn nữa.

“Khi mà họ đuổi thì tôi đi ra quán nước, họ đến quán nước và lôi cổ tôi đi nơi khác. Trong khi lôi cổ tôi, họ chửi tôi rất là thô bạo, không những thế, họ còn tát tôi,” bà Thu thuật lại.

Nhiều người dân Dương Nội và một số nhà hoạt động có đến khu vực toà để đồng hành cùng gia đình của hai nhà hoạt động nhưng họ cũng bị lực lượng an ninh buộc phải rời xa khu vực toà án.

Bà Thu cho biết gia đình bà đã dự đoán trước việc y án vì “từ khi bị bắt cho đến nay, chồng tôi vẫn giữ vững tinh thần rằng chồng tôi không có tội, do vậy họ sẽ không giảm án cho chồng tôi.”

Ông Trịnh Bá Phương, sinh năm 1985, và bà Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1972, cùng ở xã Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, cùng bị bắt trong ngày 24/6/2020.

Mẹ của ông Phương là bà Cấn Thị Thêu và em trai Trịnh Bá Tư cũng bị bắt trong cùng một ngày sau khi lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội phản đối việc cảnh sát cơ động tấn công vào làng Hoành, xã Đồng Tâm trong đêm 9/1/2020, giết chết ông Lê Đình Kình và bắt giữ hàng chục người khác.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam phóng thích hai nhà hoạt động

Một ngày trước phiên phúc thẩm, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí thúc giục Việt Nam xoá bỏ cáo buộc và trả tự do cho ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm vì họ không có tội mà chỉ thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình.

Ông Phil Robertson- Phó giám đốc phân ban Châu Á-Thái Bình Dương của HRW kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế, các cơ quan Liên Hiệp quốc và các nhà ngoại giao tại Hà Nội lên tiếng phản đối việc kết án Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, đồng thời yêu cầu tòa phúc thẩm bác bỏ những bản án bất công đối với họ, những người vận động đòi công lý cho hàng nghìn người dân oan mất đất ở Việt Nam.

"Hai nông dân này đã bị buộc phải hoạt động chính trị vì chính quyền cưỡng chế tịch thu đất của họ, khiến họ phải hành động để đòi lại đất để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình của họ.

 Cuộc đấu tranh của hai nhà hoạt động này kéo dài nhiều năm để vận động đòi công lý cho những người nông dân đã mất đất đai và sinh kế vào tay các quan chức chính phủ hung hãn, cán bộ Đảng Cộng sản cầm quyền và các đối tác kinh doanh thân thiết của họ, những người không nghĩ gì ngoài việc giành đất cho các dự án của riêng họ.

Chỉ vì mục tiêu duy nhất là theo đuổi quyền lực và lợi nhuận, các quan chức chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quên rằng nông dân là một trong những người ủng hộ cách mạng ban đầu, và bây giờ họ đang ném quyền lợi của nông dân ra ngoài cửa sổ," ông Phil Robertson nói trong thông cáo.

 

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]