Các hỗ trợ quốc tế về môi trường cho Việt Nam phải gắn liền với việc trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh

 

RFA | 2022.06.17

Các nhà vận động về môi trường quốc tế hôm 17/6 lên tiếng phản đối án tù mà Hà Nội dành cho nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, nghi ngờ cam kết của Việt Nam về việc đạt mục tiêu đưa phát thải khí carbon về không vào năm 2050, đồng thời kêu gọi các nước G7 gây sức ép về tài chính lên Chính phủ Việt Nam.

Bà Nguỵ Thị Khanh (46 tuổi) bị một toà án ở Hà Nội tuyên án 24 tháng tù vào sáng ngày 17/6 với tội danh trốn thuế sau khoảng bốn tháng bị giam giữ để điều tra.

Bà Khanh là Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh - GreenID - một tổ chức xã hội dân sự hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên vào năm 2018 nhận Giải thưởng Môi trường Goldman vì các hoạt động thúc đẩy năng lượng bền vững và giảm việc lệ thuộc vào nhiệt điện than ở Việt Nam.

Vào năm 2019, bà Nguỵ Thị Khanh được trao giải Đột phá về Môi trường (Climate Breakthrough Award). Với giải này, tổ chức GreenID của bà sẽ được nhận khoản tiền là hai triệu đô la trong ba năm.

Ông Michael Sutton, Giám đốc điều hành của Goldman Environmental Prize - cơ quan trao giải thưởng cho bà Khanh - trong tuyên bố vào ngày 17/6 viết rằng:

Qua các công việc với GreenID và sự hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong các thập niên qua, bà Khanh đã giúp mang đến sự chú ý tích cực đối với các nỗ lực của Việt Nam trong việc cải cách chính sách năng lượng và chống biến đổi khí hậu.”

Ông Sutton bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng việc giam giữ bà Khanh “sẽ gây hại cho danh tiếng của Việt Nam ở quốc tế”, đồng thời ông kêu gọi: “bất cứ hỗ trợ chuyển đổi về năng lượng nào dành cho Việt Nam trong tương lai cũng phải gắn liền với việc trả tự do cho bà Khanh”.

Vào tháng 10 năm ngoái, tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc - COP 26 tại Anh, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ đưa việc thải khí carbon ròng về không vào năm 2050. Các nước phát triển G7 hiện đang thảo luận để tiến tới một loạt các thoả thuận về năng lượng và trợ giúp tài chính.

Hiện chính phủ một số nước như Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản đang đàm phán một Gói Chuyển đổi Năng lượng (JET-P) với Chính phủ Việt Nam với dự định sẽ có thông báo tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP 27 của LHQ tiếp theo tại Ai Cập vào tháng 11 năm nay.

Tiến sĩ Kimiko Hirata - người nhận Giải Goldman vào năm 2021 và là Giám đốc tổ chức Climate Integrate của Nhật Bản nhận xét: “Các nước G7 đang mon muốn làm đối tác với Việt Nam trong một loạt các nỗ lực quan trọng (về môi trường), đây là điều khó khăn khi các lãnh đạo về khí hậu của Việt Nam bị cầm tù”.

Trước phiên toà xử bà Nguỵ Thị Khanh, cũng trong năm nay, các toà án của Việt Nam đã kết án tù ba nhà hoạt động môi trường khác với cùng cáo buộc trốn thuế.

Ông Michael Sutton, Giám đốc Goldman Environmental Prize nhận định: “Các cáo buộc pháp lý nhắm vào bà Nguỵ Thị Khanh là một phần trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bịt miệng các nhà lãnh đạo môi trường ở Việt Nam.”

Jake Schmidt - Giám đốc Chiến lược Cấp cao thuộc Chương trình Quốc tế về Khí hậu thuộc Natural Resources Defense Council (NRDC) cho rằng:

Các nước và các công ty phương Tây rất mong muốn được đầu tư vào việc chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam, nhưng họ không nên làm vậy nếu không có sự đảm bảo từ Chính phủ Việt Nam rằng xã hội dân sự có thể hoạt động một cách xây dựng, tự do và không sợ bị trả thù, bị tội phạm hoá. Khi các nước G7 tiến đến việc tài trợ quốc tế cho chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, họ nên đòi trả tự do cho bốn nhà lãnh đạo môi trường quan trọng là những người tham gia cần thiết trong việc đảm bảo việc chuyển đổi năng lượng của Việt Nam được thực hiện và có lợi cho người dân.”

Shruti Suresh, người đứng đầu Chiến dịch Các nhà bảo vệ môi trường và đất đai thuộc Global Witness nói:

Sự tham gia của xã hội dân sự là then chốt trong sự thành công trong chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam. Việc bỏ tù bà Khanh, một trong các nhà hoạt động tích cực lên tiếng nhất, người đã mang sự chú ý của quốc tế đến các nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, là một nỗ lực rõ ràng để bịt miệng những nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Các nước đầu tư vào Việt Nam và cung cấp các hỗ trợ cho Việt Nam cần đảm bảo rằng Chính phủ Việt Nam tôn trọng các quyền của những người bảo vệ môi trường để họ có thể tiếp tục các công việc quan trọng của họ mà không gặp nguy hiểm về an toàn và tự do.”

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]