Trung tướng công an yêu cầu thu hẹp phạm vi ghi âm, ghi hình khi hỏi cung

 

RFA | 2022.05.31

Hội thảo “Nhận diện những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguy cơ về pháp lý trong thực tiễn triển khai công tác ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự” được Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26 tháng 5 năm 2022. 

Phát biểu kết luận hội thảo, Trung tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn Phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an yêu cầu các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an báo cáo với Chính phủ, Quốc hội để đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng thu hẹp phạm vi thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can. 

Quy định về trình tự, thủ tục trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành tại Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21 tháng 7 năm 2020. Quyết định nêu rõ, việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Cơ quan có thẩm quyền điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trong trường hợp đang hỏi cung bị can, lấy lời khai mà xảy ra sự cố kỹ thuật không ghi âm hoặc ghi hình được thì dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai; phải ghi rõ trong biên bản lý do dừng, có xác nhận của cán bộ chuyên môn. 

Việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung được cho là để kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai; bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra. 

Với yêu cầu thu hẹp phạm vi thực hiện việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung của tung tướng công an Đỗ Văn Hoành, một số người quan tâm cho rằng, điều này thiệt thòi cho phía người dân. 

Ông Võ Minh Đức, một sĩ quan chính trị từng làm công tác tuyên truyền trong quân đội khẳng định với RFA: 

“Ở góc độ một công dân thì tôi thấy việc đó trước tiên là bất lợi cho người dân. Cụ thể hơn là bất lợi cho những nghi phạm. Bây giờ người ta nắm quyền hành trong tay, điều hành xã hội trên tất cả các lĩnh vực thì nếu họ cảm thấy luật mà bất lợi cho họ thì họ phải suy nghĩ để thay đổi luật thôi chứ làm sao bây giờ. Nhiều khi mớm cung, ép cung bắt người ta nhận tội mà không có chứng cứ để lại, không ghi âm ghi hình thì làm sao biết được.

Bình thường, theo luật thì người dân được tham gia phản biện xã hội, được giám sát các cơ quan hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bây giờ họ không cho ghi âm, ghi hình lại thì lấy gì làm bằng chứng là có một công bộc nào đó làm sai. Huống chi đã là nghi phạm, là can phạm ngồi ở trong trại giam, ngồi ở trong phòng hỏi cung mà không ghi âm ghi hình lại thì coi như họ thua toàn tập.” 

Theo ông Đức, trên nguyên tắc thì người dân được quyền giám sát đối với hoạt động của công an nhân dân nhưng rất nhiều nơi vẫn để tấm bảng cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình. Nếu dân thắc mắc thì họ nói đó là quy định của cơ quan. Chẳng ai làm gì được họ! 

“Chẳng ai làm gì được họ” cũng là câu nói của luật gia HL (không muốn nêu rõ tên) ở Hà Nội, khi trao đổi với RFA về yêu cầu thu hẹp việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can. Ông nói:

“Cái xu hướng hỏi cung có ghi âm ghi hình là xu hướng cả thế giới đang làm. Đó là một tiêu chuẩn để khẳng định là bị can không bị ép cung, không bị mớm cung. Việt Nam đã có rất nhiều vụ án oan mà nguyên nhân từ việc bị dùng nhục hình khi hỏi cung, cho nên bước mà Quốc Hội ra luật quy định trong quá trình hỏi cung phải có ghi hình, ghi âm là một bước tiến bộ và hội nhập quốc tế. Thế nhưng trên thực tế thì luật mới ra đời được vài năm, chưa áp dụng một cách thường xuyên vì có những nơi có điều kiện, có nơi không thì đã xuất hiện đề suất của một ông trung tướng là thu hẹp phạm vi áp dụng.

Rõ ràng, cơ quan thi hành pháp luật - cụ thể là Bộ Công an, là cảnh sát điều tra - họ không có thiện chí áp dụng luật này và luôn nghĩ cách vô hiệu hóa luật đã được Quốc Hội thông qua. 

Tóm lại, họ không muốn áp dụng tiêu chuẩn văn minh trong vấn đề hỏi cung, xét xử. Đây là vấn nạn. Ở Việt Nam có nhiều cái họ nói nhưng không làm. Ví dụ có những phiên tòa nói rằng cho vào tự do nhưng thực tế thì thân nhân cũng không được vào. Họ làm theo luật riêng của họ. Nguyên nhân là không có ai giám sát nên chẳng ai làm gì được họ!” 

Rất nhiều vụ án oan trước đây đều bắt đầu từ việc nhận tội của bị can, bị cáo do bị ép cung trong quá trình điều tra. Một vụ án oan mà nạn nhân từng ở tù 10 năm do nhận tội giết người và diễn lại hành vi giết người một cách thuần thục, khớp với hồ sơ của cơ quan điều tra là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn. Truyền thông trong nước dẫn lời ông Chấn về việc ‘tập giết người’ như sau: “Gần hai tuần tôi tập tành giết người. Hàng ngày họ đưa tới một phòng, trong phòng có một hình nộm, một con dao giả. Cứ 8 giờ sáng bắt đầu tập đến 11 giờ 30 nghỉ, chiều 2 giờ tập tới 4 giờ 30. Mấy ngày đầu còn người đứng trông, sau đó tự tập, tập đến khi thành thục, thì thực hiện, tức biểu diễn, rồi họ chụp ảnh…” 

Nói đến án oan thì không thể không nhắc đến vụ một gia đình tám người ở Tây Ninh bị bắt trong hai đêm cuối tháng 7 năm 1979 vì bị cho là hung thủ trong một vụ cướp. Tất cả họ bị tù oan hơn 3 năm 9 tháng chỉ vì những lời nhận tội sau khi bị nhục hình. Cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh xin lỗi họ hôm 31 tháng 10 năm 2019, tức sau hơn 40 năm. 

Trong tám người bị bắt lúc đó có một người vừa tròn 18 tuổi là anh Nguyễn Văn Dũng. Tối 16 tháng 6 năm 2020, tức gần 41 năm sau, anh Dũng kể lại với RFA nguyên nhân anh phải nhận tội: 

“Bị nó đánh quá rồi nó bắt nhận tội thì cũng phải nhận chứ không nhận thì tôi sợ là không có ngày về. Khi bị đưa lên phòng làm việc thì (cả nhà) vận động nhau là không có tội cũng nhận còn có cơ hội về, chứ không nhận thì nó đánh đến chết.

Nó đánh dữ lắm. Mấy tháng đầu vô không ngày nào không ăn đòn. Nó nói là người ta đã khai vậy mà không nhận tội thì nó đánh cho phải nhận tội chứ không nhận là không được.” 

Vấn nạn án oan được cho sẽ giảm thiểu với quy định ghi âm, ghi hình khi hỏi cung. Tia hy vọng mới lóe lên của nhiều người lại bị ‘dập tắt’ với yêu cầu thu hẹp phạm vi thực hiện mà Trung tướng công an Đỗ Văn Hoành đưa ra hôm 26 tháng 5 năm 2022.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]