Khóa họp thường niên lần thứ 55 của Ủy ban
Nhân quyền LHQ năm nay khai mạc tại Genève ngày 22.3 và kéo dài cho
đến 30.4.99. Sự kiện bản Phúc trình chuyến đi điều tra tình trạng
đàn áp tôn giáo tại Việt Nam trung tuần tháng 10 năm ngoái (1998)
của ông Abdelfattah Amor chưa được chính thức đọc trước Điện
Quốc Liên mà đã thất thoát loan qua ba hãng thông tấn Reuters, AP, AFP,
là điều hy hữu, chưa hề xẩy ra.
Dù các bản tin ấy viết ngắn chưa đầy một trang, lại
quá sơ lược, nhưng vẫn làm nhà cầm quyền Hà Nội vô cùng giận
dữ. Ông Lê Sỹ Vương Hà, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao, đã lên
tiếng hôm 18.3 phủ nhận bản phúc trình và tố cáo ông Amor
"không khách quan và thiếu thiện chí". Hà Nội còn dọa rằng
"Những cá nhân hay tổ chức nào đến Việt Nam hoạt động cho
nhân quyền hay tôn giáo, làm phương hại nội bộ của đất nước
sẽ không còn được chấp nhận". Một lời hăm dọa bất chấp
luật pháp. Là quốc gia thành viên của LHQ, CHXHCNVN phải thi hành phán
quyết của Ủy ban Nhân quyền LHQ, phải đón tiếp các phái đoàn LHQ
đi điều tra. Chứ không thể tự quyền cấm cản.
Bản Phúc trình của ông Abdelfattah Amor, Báo cáo viên
LHQ đặc nhiệm vấn đề đàn áp tôn giáo trong thế giới, dài 66
trang : 35 trang về tình hình vi phạm tự do tôn giáo trong thế giới và
31 trang về chuyến đi điều tra Việt Nam từ 19 đến 28.10.98. Ủy ban Bảo
vệ Quyền làm Người Việt Nam xin hân hạnh chia xẻ với các cơ quan
truyền thông người Việt và cộng đồng các tôn giáo trong và
ngoài nước các thông tin quan trọng ghi trong bản Phúc trình của ông
Amor, trước ngày bản này được chính thức công bố.
Phúc trình mang tên "Quyền dân sự và chính trị,
đặc biệt việc Bất bao dung tôn giáo - Chuyến viếng thăm Việt Nam (phần
bổ sung)". Gọi là phúc trình nhưng đích thị là bản Cáo
trạng nghiêm khắc tố cáo Nhà nước cộng sản Việt Nam đàn áp
các tôn giáo. Sau phần Dẫn nhập, bản Phúc trình chia làm 4 phần.
Phần một, nói về Pháp chế Việt Nam trong lĩnh vực bao dung và không
phân biệt đối xử đối với tôn giáo và tín ngưỡng ; Phần hai
nói về Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực bao dung và không
phân biệt đối xử đối với tôn giáo và tín ngưỡng ; Phần ba
trình bày hiện trạng các cộng đồng tôn giáo (Phật giáo, Công
giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Hồi giáo) ; Phần bốn đưa ra
những Kết luận và Khuyến thỉnh.
Ở phần Dẫn nhập, ông Amor cho biết lý do đến Việt
Nam, lộ trình các cuộc gặp gỡ và những khó khăn, ngăn cấm Báo
cáo viên LHQ thi hành công tác. Phái đoàn ông Amor đến làm việc
tại Hà Nội từ ngày 19 đến 21.10.98, ở Huế hai ngày 22-23.10, ở
Saigon 24-27.10, ở Tây Ninh ngày 27.10, ngày 28.10 trở lại Hà Nội. Phía
chính quyền thừa tiếp ông Amor gồm có : thứ trưởng ngoại giao,
thứ trưởng bộ Công an, thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo,
Trưởng ban tôn giáo chính phủ, Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu Tôn
giáo, cũng như các vị đại diện Hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội
Công giáo, và Hội đồng Chưởng quản Tòa thánh Tây Ninh.
Ông Amor trách cứ nhà cầm quyền Hà Nội đã gây
«Những cản trở nghiêm khắc và trầm trọng trong các cuộc tiếp
xúc riêng tư và dọc những lần di chuyển (...) ; không được giúp
đỡ đến quận Nghĩa Hành ở Quảng Ngãi gặp gỡ Hòa thượng lãnh
đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) Thích Huyền
Quang. Còn bị động chạm đến cơ thể bởi nhiều cá nhân mặc
thường phục tự nhận đại diện chính quyền địa phương, nhưng lại
không chịu xuất trình chứng minh thư của họ, ngăn cản không cho Báo
cáo viên đặc nhiệm gặp Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí
Siêu, các thành viên thuộc GHPGVNTN vừa được trả tự do trong
khuôn khổ ân xá của nhà cầm quyền Việt Nam".
«Do yêu cầu, Báo cáo viên đặc nhiệm đã được
đến trại cải tạo Z 30A ở Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai tiếp xúc với ba
thành viên thuộc GHPGVNTN, Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban và Thích
Thiện Minh. Đến nơi mới biết Thích Nhật Ban đã được trả tự do
một hôm trước (...) Cuộc tiếp xúc với Thích Không Tánh và Thích
Nhật Ban chỉ thực hiện theo quy ước LHQ sau một thời gian dài thương
thảo tại chỗ với quản giáo trại ; tuy nhiên Báo cáo viên đặc
nhiệm đã tự ý rút ngắn cuộc tiếp xúc vì quản giáo trại liên
tục xuất hiện và sau cùng ngồi cạnh bên, làm mất tính cách riêng
tư của cuộc tiếp xúc. Mặt khác, sau khi kiểm soát, người quản
giáo này tuyên bố là thành viên của GHPGVNTN Thích Huệ Đăng và ba
tu sĩ Công giáo John Bosco Phạm Minh Trí, Bernard Nguyễn Viết Huân, Michael
Nguyễn Văn Tính không có mặt ở trại này. Mặc dù nhiều nguồn tin
phù hợp và đáng tin cậy xác nhận sự hiện diện của họ.
«Dù Báo cáo viên đặc nhiệm thỉnh cầu, nhưng các vị
đại diện bộ Ngoại giao không chịu cung cấp danh sách các tù nhân
tôn giáo được trả tự do, thác cớ rằng bộ không được các
cơ quan liên hệ thông tin. Tại TP Hồ Chí Minh, Báo cáo viên đặc
nhiệm gặp gỡ riêng với người đại diện Tin Lành, Mục sư Paul
Ái. Người ta sẽ hiểu rằng, hoàn cảnh và điều kiện của cuộc
viếng thăm này hạn chế nguồn thông tin mà lẽ ra Báo cáo viên
đặc nhiệm có thể thu tập và nay trình bày qua bản phúc trình».
Kết thúc phần Dẫn nhập, ông Amor, Báo cáo viên đặc
nhiệm, «nhắc nhở Chính phủ Việt Nam về tính tất yếu phải tôn
trọng những quy ước và bảo đảm liên quan đến nhiệm kỳ của
ông, đặc biệt là quyền tự do đi lại và tự do tiếp xúc bất
cứ ai có khả năng soi sáng cho ông, mà không bị câu thúc và bị
buộc vào các hậu quả xấu».
Chúng tôi xin đi ngay vào phần Kết luận và Khuyến
thỉnh của ông Amor mà chúng tôi cho là thực tế và quan trọng nhất,
vừa nói lên rõ ràng thực cảnh tôn giáo tại Việt Nam vừa đưa
ra các giải pháp cụ thể. Từ trước tới nay, chưa có văn kiện
nào của LHQ xác đáng như thế.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN THỈNH CỦA LHQ (PHẦN BỐN) :
Tám trang Kết luận và Khuyến thỉnh dày đặc những
sự kiện và yêu sách. Chúng tôi xin tóm gọn những điểm quan
trọng nhất :
«1. Trong khi điều 18 của Công ước quốc tế về các
Quyền Dân sự và Chính trị cũng như điều 1 trong Tuyên ngôn loại
trừ mọi hình thức Bất bao dung và Phân biệt đối xử đối với
tôn giáo hay tín ngưỡng, quy định mọi hạn chế phải thông qua luật
pháp (...) khi các hạn chế này cần thiết để bảo vệ an ninh, trật
tự và sự lành mạnh công cộng, đạo đức hay những tự do căn
bản của người khác, thì điều 70 trên Hiến pháp Việt Nam lại dựa
vào các «chính sách của Nhà nước» rất mơ hồ và co giản (...)
đưa tới các hạn chế không được luật quốc tế dự liệu.
«2. Điều 4 của Hiến pháp đặt ra nguyên tắc «lực
lượng lãnh đạo» của Đảng cộng sản Việt Nam (...) Thế thì các
chính sách của Nhà nước là chính sách của Đảng với một bản
thân ý thức hệ xem tôn giáo như thuốc phiện, nghĩa là phải đánh
đổ. Dù sau này có diễn biến sang công nhận tôn giáo, như Chỉ thị
ngày 2.7.98 công nhận tôn giáo là nhu cầu tâm linh, tuy vẫn cố công
chỉ huy tôn giáo, dùng tôn giáo như công cụ chính trịï.
«3. Ý thức hệ cộng sản là «tôn giáo của Nhà
nước hay Quốc giáo», luận cứ này luật quốc tế không đặt thành
vấn đề, mà chỉ xem xét ở mức độ biểu dương của ý thức hệ
ấy. (...) Điều cần yếu là các chính sách của Nhà nước không
nên giám hộ tôn giáo trong việc định nghĩa nội dung, khái niệm hay
các giới hạn của tôn giáo, vượt khỏi các điều quan yếu dự
liệu trong Tuyên ngôn năm 1981 loại trừ mọi hình thức Bất bao dung
và Phân biệt đối xử đối với tôn giáo hay tín ngưỡng và Công
ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị.
«4. Nhiều điều khoản trong Nghị định 69, các Hướng
dẫn số 500 và 379, Chỉ thị ngày 2.7.98, Nghị định Quy chế quản chế
hành chính 31/CP cũng như bộ luật Hình sự đặt ra nhiều vấn đề
nghiêm trọng so với luật quốc tế (...) khiến vi phạm tự do tổ
chức của các cộng đồng tôn giáo (...) ; kiểm soát quá chặt chẽ
những sinh hoạt tôn giáo (...) ; ngăn cấm quan hệ của giới tu sĩ
Việt Nam với người đồng đạo ở nước ngoài (...) ; sự tự do in
ấn các sách tôn giáo bị ngăn cấm vì chỉ do nhà xuất bản của Nhà
nước kiểm soát (...), chẳng khác gì một hình thức kiểm duyệt.
«5. Rất nhiều điều khoản trong các Chỉ thị, Nghị định,
Hướng dẫn... thuộc lĩnh vực tôn giáo rất mơ hồ, không chính xác,
hổ lốn (fourre-tout)... đưa tới sự bắt bớ, giam cầm, tù đày, dù
các sinh hoạt tôn giáo hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế.
«6. Những điều khoản mơ hồ cho phép trừng phạt các
biểu hiện xuất phát từ tự do tôn giáo hay tín ngưỡng phù hợp
theo luật quốc tế. Như Nghị định 31/CP cho phép quản chế hành chính
bất cứ ai xâm phạm «an ninh quốc gia» mà không cần thông qua tòa
án. Ông Amor nhắc lại và đồng tình với lời kết luận và khuyến
thỉnh của Tổ Hành động chống bắt bớ trái phép phúc trình ngày
18.1.95 tại diễn đàn LHQ như sau : «Liên quan đến bộ Luật Hình sự
về những tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, đặc biệt điều 73, Tổ
Hành động gợi ý nên thay đổi để cho việc trừng phạt được
minh bạch , làm sao cho ai cũng biết rõ không lập lờ nước đôi
điều cấm kỵ.
«7. Chỉ thị ngày 2.7.98 của Bộ Chính trị rõ ràng là
đã xem tôn giáo như một công cụ tuyên truyền cho Ban Dân vận,
Đảng và nhà cầm quyền, phục vụ cho các chính sách nhà nước trong
việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng (...).
Tôn giáo như là vật thể chính trị, chứ không còn là tác nhân
của xã hội, tự do quyết định lấy vận mệnh mình. Cuối cùng một
chủ trương như thế phản chống với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng
như luật quốc tế quy định».
Sau mấy kết luận quan trọng ấy, ông Amor khuyến thỉnh
Nhà nước Việt Nam các điều sau đây :
«1. Bảo đảm sự tương hợp giữa các văn bản pháp
quy Việt Nam với luật quốc tế, như Tuyên ngôn loại trừ mọi hình
thức Bất bao dung và Phân biệt đối xử đối với tôn giáo hay tín
ngưỡng năm 1981 và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và
chính trị.
«2. Hòa dịu và hủy bỏ mọi hạn chế đối với tự
do tôn giáo, mặt khác loại trừ các thành ngữ hay khái niệm mơ
hồ, không chính xác và hổ lốn (fourre-tout) để mọi người hiểu rõ
điều cấm kỵ.
«3. Công nhận vai trò tích cực của các tôn giáo,
bằng cách ly khai chính sách chống tôn giáo, cho phép các tôn giáo
sinh hoạt mà không bị nhà cầm quyền giới hạn hay kiểm soát, và cho
phép tôn tạo các nơi thờ phượng.
«4. Những hiện trạng trên đây, nền pháp chế với
quyền lực tối cao của nhà cầm quyền kiểm soát chặt chẽ, nhưng
cũng bằng chính sách của Nhà nước và Đảng vốn ưu tư chuyện
ngăn ngừa mọi tổ chức dám đặt lại vấn đề quyền lực và ảnh
hưởng của nhà nước, qua một hệ thống kiểm soát nghiêm khắc, như
bộ máy hành chính của Ban tôn giáo, ba cơ chế kiểm soát xã hội
và các tổ chức tôn giáo, là công an khu vực, hộ khẩu và lý
lịch.
«5. Các không gian kiểm soát tự do tôn giáo phân
tích trên đây xen kẽ vào hoàn cảnh hạn chế chung, đến cả cấm
đoán trong phạm vi tôn giáo. Cho nên điều chủ yếu là những không
gian tự do cần được dàn trải dần dần đến toàn thể phạm vi tôn
giáo song song với việc hủy bỏ các hạn chế bất hợp pháp so với
luật quốc tế».
Các hạn chế quan trọng mà ông Amor nhấn mạnh trong
phần Kết luận và Khuyến thỉnh là :
«a) Các cộng đồng tôn giáo (Phật giáo, Cao Đài,
Hòa hảo, Hồi giáo) không được tự do thiết lập và duy trì một
cách độc lập, ngoại trừ Giáo hội Công giáo và đa số các Hội
thánh Tin Lành ; tuy ở đây phải nhấn mạnh sự kiện Ủy ban Đoàn
kết Công giáo và Giáo hội Tin Lành Việt Nam ở Hà Nội coi như
hoạt động bên lề và xem như những ví dụ phản diện của các tổ
chức tự do. Trong khi Giáo hội Công giáo được độc lập nội tại,
thì các Hội thánh Tin Lành mong manh hơn. Sự độc lập của họ nhờ
đã chống trả dữ dội với áp lực công khai muốn quy về một tổ
chức hợp nhất, và họ chỉ được nhà cầm quyền công nhận trên
thực tế chứ không chính thức. Về mặt đó, tình trạng các Hội
thánh Tin Lành thuộc dân tộc ít người sẽ là đối tượng khảo
sát đặc thù hơn.
«Trường hợp các cộng đồng Phật giáo, Hòa Hảo,
Cao Đài và Hồi giáo, quy tắc chung là hình thành những tổ chức do
chính quyền kiểm soát hoặc phải chịu sáp nhập vào các tổ chức
này. (...) Đặc biệt như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất, Hội Phật giáo Khmers Krom, cựu Hội đồng Tòa thánh Cao
Đài, và cựu Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Hoàn cảnh của các tổ
chức không được công nhận này, còn bị nhà cầm quyền cấm hoạt
động, sẽ là đối tượng khảo sát dưới đây.
«b) Các cộng đồng tôn giáo không được tự do
quản lý các sinh hoạt của mình, chương trình hoạt động tôn giáo
phải đệ trình cho nhà cầm quyền và phải được chấp thuận ; c)
việc đào tạo tu sĩ của các cộng đồng tôn giáo bị hạn chế số
lượng và phải được nhà cầm quyền cho phép ; d) sự bổ nhiệm
và phong chức hàng giáo phẩm cao cấp phải được nhà cầm quyền
chấp thuận ; e) sự di chuyển và thuyên chuyển các nhà tu hành phải
được nhà cầm quyền cho phép ; f) sự xây dựng và tôn tạo các
nơi thừa tự phải được nhà cầm quyền chấp thuận, các cơ sở
tôn gíao bị chiếm dụng sau năm 75 không được hoàn trả mặc dù hai
Hướng dẫn 379 và 500 quy định ; g) các sách tôn giáo, văn hóa tôn
giáo và tạp chí tôn giáo do nhà nước ấn hành, vì các cộng
đồng tôn giáo không được quyền có nhà xuất bản riêng. Việc
kiểm soát này là hình thức kiểm duyệt ; h) các cộng đồng tôn
giáo không được phép hoạt động qua lĩnh vực xã hội, y tế, giáo
dục, v.v... Những cơ sở văn hóa, giáo dục, xã hội và bệnh xá
tịch thu sau năm 75 không được nhà cầm quyền hoàn trả». Trong bản
Phúc trình, ông Amor cũng nhắc đến việc «phong trào giáo dục tuổi
trẻ Gia Đình Phật tử Việt Nam bị phá vỡ để biến thành một Chi
hội Liên hiệp Thanh niên của Đảng cộng sản».
«Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tổ chức
Phật giáo Khmer Krom, Cao Đài và Hòa Hảo bị cấm hoạt động (...)
Bởi vậy, các tổ chức này không được quyền sinh hoạt tôn giáo
bình thường, nếu không muốn bị nhà cầm quyền trừng phạt gián
tiếp qua các biện pháp theo dõi, quấy nhiễu, quản thúc, bắt bớ,
giam cầm, quản chế, tù đày, cải tạo, tịch biên giáo sản, v.v...
Do các hạn chế và đàn áp nói trên, ông Amor chào
đón các cuộc ân xá năm ngoái, trong số này có các nhà lãnh
đạo tôn giáo. Tuy nhiên ông cất lời kêu gọi nhà cầm quyền Hà
Nội, ông viết : «Sau khi trao trả tự do cho các tu sĩ và tín đồ,
thật cần thiết cho họ hưởng mọi quyền tự do của người công
dân (như phục hồi hộ khẩu, hoàn trả tài sản, v.v...). Báo cáo
viên đặc nhiệm cũng khuyến khích Chính phủ Việt Nam mở rộng thêm
các biện pháp ân xá cho mọi tù nhân còn bị giam giữ vì lý do
sử dụng ôn hòa và chính đáng quyền tự do ngôn luận, tín
ngưỡng, tư tưởng và tôn giáo. (...) Mặt khác, Báo cáo viên đặc
nhiệm cho rằng không nên có những kiểm soát gây vi phạm quyền tự
do tôn giáo và tín ngưỡng, thể hiện qua những hạn chế, cưỡng
bức, cấm đoán và trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo tôn
giáo, các tín đồ, các tổ chức tôn giáo, các nơi thờ tự, với
sở hữu tài sản tôn giáo, việc in ấn xuất bản, cùng mọi sinh
hoạt».
«Bằng cách đó, Việt Nam mới có thể củng cố vai
trò của mình trong cộng đồng nhân loại».
ĐỂ HIỀU RÕ CÁC ỨC CHẾ VÀ ĐÀN ÁP TÔN GIÁO TẠI
VIỆT NAM CẦN TRỞ LẠI 3 PHẦN ĐẦU CỦA BẢN PHÚC TRÌNH:
Phần một của bản Phúc trình phân tích chi ly và chỉ
trích sự đàn áp tôn giáo dựa trên nền tảng luật pháp của
Đảng cộng sản và Nhà nước. Khởi đầu với nghịch lý trên Hiến
pháp, một đằng điều 70 công nhận tự do tôn giáo và tín ngưỡng,
một đằng điều 4 quy định «Đảng cộng sản Việt Nam, ... theo chủ
nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo
Nhà nước và xã hội». Ông Amor nhận định : «Theo công thức và
sự kết hợp như thế, bản chất hai điều này đã làm cản trở
tự do tôn giáo».
Bằng sự quan tâm, bằng phân tích các điều luật và
đối chiếu với thực tại thấy được qua chuyến điều tra 10 ngày,
bản Phúc trình của ông Amor đã làm nổi bật : «2 Nghị định 69/HĐBT
năm 91 về hoạt động tôn gíao và 31/CP năm 97 về Quy chế quản chế
hành chính ; 2 Hướng dẫn hoạt động tôn giáo 379/TTg năm 93 và 500
HD/TGCP năm 93 ; cũng như Chỉ thị 2.7.98 của Bộ Chính trị về công tác
tôn giáo trong tình hình mới».
Ông Amor đả kích «các tội xâm phạm «an ninh quốc
gia» trong chương một của bộ luật Hình sự (đưa tới các án tù,
chung thân hay tử hình) mà ông cho là quá «mơ hồ» và «co giản»
nhằm ngăn cản tự do tôn giáo, như các điều 73, 74, 81, 82, 205A, 199,
198 và 215». Ông nhắc lại lời phán quyết trước đây của Tổ
Hành động chống Bắt bớ trái phép đi điều tra chế độ nhà tù
tại Việt Nam tháng 10 năm 94 và phúc trình trước Đại hội đồng
Nhân quyền LHQ ngày 18.1.95 : «Bản viết hiện nay trong điều 73 mơ hồ
đến nỗi có thể dẫn đến sự trừng phạt những kẻ dùng bạo
động cho những mục tiêu chính trị, mà còn trừng phạt cả những
người chỉ hành xử chính đáng quyền tự do ngôn luận và tự do
tư tưởng của họ».
Phần hai của bản Phúc trình nói đến chính sách của
Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực bao dung và không phân biệt đối
xử đối với tôn giáo và tín ngưỡng. Ở phần này, ông Amor
trình bày hai nguồn thông tin. Một nguồn ngoài chính quyền và một
nguồn do chính quyền cung cấp. Nguồn ngoài chính quyền đến từ các
tổ chức phi chính phủ, cho biết có sự thay đổi trong chính sách tôn
giáo sau năm 1990. Do các biến động trong thế giới, như bức tường
Bá Linh sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt, xu thế toàn cầu hóa
khiến nhà cầm quyền phải mở cửa để bảo vệ quyền bính, đặc
biệt để phát triển kinh tế. Đảng cộng sản phải thừa nhận «giá
trị thực dụng» của tôn giáo và quyết định sáp nhập vào chính
sách của Nhà nước. Chính sách mới đối với tôn giáo trên mặt
công khai đành bỏ rơi mục tiêu hủy diệt tôn giáo ; bao dung tôn
giáo thể hiện qua việc cho tự do cúng kiến, nhưng vẫn duy trì những
hạn chế để bảo đảm sự can thiệp vào các vấn đề tôn giáo.
Những công cụ dùng kiểm soát tôn giáo gồm có :
«a) Pháp luật, đặc biệt bộ Luật Hình sự, Nghị định
quản lý hành chính 31/CP ;
«b) Bộ máy hành chính xử lý vấn đề tôn giáo gồm
có : Ban tôn giáo chính phủ, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và Bộ
Công an ;
«c) Phát triển các cơ cấu tôn giáo nhà nước để
dùng các tôn giáo làm hậu thuẫn chính trị ;
«d) Ba cơ cấu kiểm soát : Công an khu vực, Hộ khẩu
và chế độ Lý lịch. Công an khu vực theo dõi mọi hoạt động của
người dân, ngăn cấm những cuộc hội họp 3 người trở lên, có
quyền cung cấp hay tịch thu hộ khẩu. Hộ khẩu, văn kiện hành chính ghi
rõ quá trình sinh hoạt của người dân do công an khu vực thiết lập,
là lá bùa hộ mệnh cho mọi sinh hoạt xã hội. Công an khu vực nắm
độc quyền ban phát hay thu hồi hộ khẩu. Lý lịch là văn kiện ghi
đủ thông tin về quá khứ của người tu sĩ đối với cách mạng,
chính kiến họ trước và sau thời Cách mạng, ngay cả thân nhân hay
bạn bè của người tu sĩ cũng phải kê khai trình lên Ban Tôn giáo
chính phủ trước khi được chấp nhận vào hàng ngũ tu sĩ»
Phần chính quyền thông tin, thì «các tu sĩ bị bắt
không vì lý do tôn giáo mà vì phạm pháp ; giới tu sĩ được tự
do đi lại theo khả năng cho phép của nhà cầm quyền địa phương».
Phần ba của bản Phúc trình nói đến hiện trạng các
cộng đồng tôn giáo. Ở đây ông Amor ghi lại «số liệu các tôn
giáo tại Việt Nam tính đến năm 1996 do nhà cầm quyền Hà Nội cung
cấp. Tính đổ đồng là 7 triệu 3 Phật giáo, 4 triệu 9 Công gíao, 4
trăm nghìn Tin Lành, 93 nghìn Hồi giáo, 1 triệu mốt Cao Đài và 1
triệu 2 Hòa Hảo. Toàn quốc có 14 nghìn chùa, 6 nghìn nhà thờ công
giáo, 437 nhà nguyện Tin Lành, 71 đền thờ Hồi giáo, 896 Thánh thất
Cao Đài, 115 Thánh thất Hòa Hảo».
Ông Amor cũng cung cấp nguồn tin phi chính phủ, theo đó
thì «Phật giáo có mặt tại Việt Nam từ 20 thế kỷ, 80% quần chúng
theo Phật giáo ; Công gíao du nhập Việt Nam từ 1615 với 6 triệu tín
đồ ; Cao Đài thành lập năm 1926 với 3 triệu tín đồ ; Hòa Hảo
thành lập năm 1939 với 2 triệu tín đồ, Tin Lành du nhập năm 1911
với 700 nghìn tín đồ, và Hồi giáo 50 nghìn tín đồ».
Ở phần thứ ba này, ông Amor tuần tự cho biết tình
trạng đi điều tra qua các cộng đồng Phật giáo, Công giáo, Cao Đài,
Hòa Hảo, Tin Lành, Hồi giáo. Ở mỗi cộng đồng, ông đều nêu rõ
3 nguồn tin. Một là nguồn giải thích của nhà cầm quyền Hà Nội. Hai
là lời giải thích của giới tôn giáo theo Nhà nước. Và ba do các
tổ chức phi chính phủ cung cấp.
CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO - Nguồn thông tin
của ông Amor
Trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất,
ông đi vào chi tiết việc Nhà nước cấm đoán không cho ông gặp
các Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, các Thượng tọa
Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu, Thích Nhật Ban, Thích Huệ Đăng. Ông cho
biết chi tiết Công an đã áp lực với vị trụ trì Thanh Minh Thiền
viện để tự ý giới Phật giáo không mở cửa đón ông vào gặp
Hòa thượng Thích Quảng Độ. Nhưng vị này phản đối đòi tự
thiêu, nên công an mới ra tay ngăn chận ông Amor và phái đoàn LHQ
vào chùa. Không gặp được TT. Thích Nhật Ban, nhưng ông cũng thông
tin sự trạng thượng tọa bị quản thúc sau khi được trả tự do và
ghi lời tuyên bố của thượng tọa nói rằng : «Tôi rời nhà tù
nhỏ để vào nhà tù lớn».
Ông ghi nguyên văn lời phát biểu của hai Thượng
tọa Thích Không Tánh và Thích Thiện Minh tại trại Cải tạo Xuân
Lộc, tỉnh Đồng Nai. Thượng tọa Thích Không Tánh tuyên bố : «Tôi
bị bắt vì lý do tôn giáo và vì trao tài liệu cho (ông Louis Joinet,
cầm đầu phái đoàn LHQ thuộc) Tổ Hành động chống bắt bớ trái
phép đến Việt Nam năm 1994». Đoạn này ông Amor ghi chú và xác
nhận rằng ông đã kiểm tra chi tiết và quả thật đó là tài liệu
của Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi Tổng bí thư Đỗ Mười (Nhận
định về những sai lầm tai hại của đảng Cộng sản Việt Nam đối
với Dân tộc và Phật giáo). Thượng tọa Thích Thiện Minh, (bị
kết án 2 lần chung thân), thì tuyên bố : «Tôi bị giam giữ vì trong
quá khứ đã chống đối việc (nhà nước) sử dụng tùy tiện một
ngôi chùa làm văn phòng và vì tôi đã tố cáo những vi phạm
nhân quyền tại Việt Nam (...) Tôi yêu cầu Ủy ban Nhân quyền LHQ
yêu sách (với nhà cầm quyền cộng sản) trả tự do vô điều kiện
cho mọi tù nhân tôn giáo và chính trị, hoàn trả tất cả tài sản
tư hữu của tôn giáo, tôn trọng nhân quyền và đa đảng, đặc
biệt bỏ điều 4 trên Hiến pháp về tối thượng quyền của Đảng
cộng sản để cho mỗi người có thể tham gia vào công cuộc phát
triển cho Việt Nam».
Hai vị cũng «xác nhận các tù nhân tôn giáo bị giam
chung với tù hình sự ; mọi sinh hoạt tôn giáo bị cấm, họ không
được quyền dùng tên tu sĩ, họ bắt buộc phải lao động (...). Họ
than phiền về điều kiện giam giữ tồi tệ, đặc biệt chế độ biệt
giam phạm nhân, còng cùm, cấm dùng giấy, bút, nguy cơ mắc bệnh Sida
vì phải dùng chung một lưỡi dao cạo râu, lao động cưỡng bức
những tù nhân trên 70 tuổi, và giam cầm những bệnh nhân, nhất là
những người mắc bệnh tâm thần. Hai tù nhân yêu sách sự độc
lập (khỏi chính trị) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất».
Nguồn thông tin của Chính quyền :
Về phía chính quyền, thì Ban tôn giáo chính phủ giải
thích rằng «năm 1981, một thiểu số trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất khước từ gia nhập vào Hội Phật giáo Việt Nam (...)
Những thành viên thuộc GHPGVNTN bị bắt vì không tôn trọng luật
pháp».
Điều mới mẻ thấy qua bản Phúc trình, là Đảng và
Nhà nước vẫn tiếp tục xem Phật giáo như một Hội đoàn thông tục
theo Dụ số 10 dưới thời Pháp thuộc, chứ không công nhận như một
giáo hội tôn giáo. Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã
điện thoại hỏi ông Amor và được xác nhận rằng, trong các tài
liệu do Ban tôn giáo chính phủ cung cấp bằng ngoại ngữ, cái gọi là
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Phật giáo Nhà nước hay Quốc
doanh) được dịch sang tiếng Pháp là «Association Bouddhiste du Viet Nam».
Dịch ngược lại sẽ là «Hội Phật giáo Việt Nam», chứ không là
Giáo hội dịch bằng từ ø Église (Church) hoặc Congrégation.
«Thứ trưởng bộ Công an phủ nhận việc công an đội
lốt nhà Sư trà trộn vào các chùa, nhưng xác định mọi công dân
cần được kiểm soát (...) Viện nghiên cứu Tôn giáo thì bảo không
đủ tài liệu để xác nhận các hoạt động của GHPGVNTN hợp pháp
hay không (...) Đáp câu hỏi về cuộc biểu tình Phật giáo tại Huế
ngày 24.5.93 đòi hỏi tự do và nhân quyền, Phó chủ tịch thành phố
Huế tuyên bố rằng không nên lợi dụng tôn giáo làm những việc
xấu (...) ; nhưng vụ này đã giải quyết và những kẻ trách nhiệm
đã ra khỏi tù. Còn ông Trưởng ban Tôn giáo thành phố Huế giải
thích rằng nếu cuộc biểu tình này mang màu sắc tôn giáo thực sự,
toàn dân sẽ nổi loạn».
«Về người Khmers krom, đại diện Ban Tôn gíao cho biết
họ là thành viên của Hội Phật giáo Việt Nam với số lượng trên
10.000 Tăng sĩ trên tổng số 28.000 dù dân số thấp. Thứ trưởng
Công an cho rằng người Khmers krom được tự do tôn giáo».
Nguồn thông tin của Hội Phật giáo Việt Nam (Nhà
nước) :
«Đại diện của Hội Phật giáo Việt Nam tuyên bố
Phật tử hưởng quyền tự do tôn giáo, được xây dựng và tôn
tạo chùa chiền, được xuất bản kinh sách, đào tạo Tăng Ni qua các
Viện Phật học hay gửi đi du học. Họ cũng xác nhận rằng sự di
chuyển của Tăng Ni phải được Hội cho phép. Đại diện Hội tại TP
Hồ Chí Minh cho biết giáo lý đạo Phật được độc lập nhưng nhấn
mạnh danh sách Tăng sinh phải đệ trình cho nhà cầm quyền. Đáp lời
hỏi (của ông Amor) về các nhà sư giả (công an) trà trộn trong các
chùa, thì được trả lời đây chỉ là «chuyện thứ yếu».
«Về trường hợp GHPGVNTN, đại diện Hội Phật giáo
Việt Nam giải thích rằng các vị trách nhiệm của tổ chức này
khước từ thống nhất với Hội, vì lý do quan điểm khác biệt của
họ trong vấn đề phát triển Phật giáo và đối với các thiết chế
Nhà nước. (...) Các vị đại diện Hội ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
tuyên bố rằng các vụ bắt bớ hàng giáo phẩm GHPGVNTN liên hệ
với việc không chấp nhận Hội Phật giáo Việt Nam của họ, cũng như
việc sinh hoạt ngoài khuôn khổ của Hội duy nhất được công nhận.
(...) Một đại diện Hội ở Huế tuyên bố rằng Hội Phật giáo Việt
Nam không đánh giá các cuộc bắt bớ và kết án này, đó là
chuyện của Nhà nước. (...) Đáp lời hỏi của ông Amor về cuộc
biểu tình 40.000 người tại Huế ngày 24.5.93, vị đại diện ở Huế
giải thích con số này không thực tế so với dân số Huế khoảng
100.000 người, đây chỉ là số người qua đường được cộng lại,
nhưng cũng nói cuộc biểu tình này do các Tăng sĩ trẻ gây rối
chống Hội Phật giáo Việt Nam».
«Về giới Khmers krom bị cho là sống bên lề, đặc
biệt trong lĩnh vực tôn giáo, các đại diện Hội Phật giáo Việt Nam
ở Hà Nội giải thích có vài vấn đề nhỏ tồn tại nhưng tình
trạng chung của họ khá tốt đẹp ; Hội Phật giáo Việt Nam hậu thuẫn
họ cho họ xuất dương du học».
Nguồn thông tin của giới phi chính phủ:
(...) «Đa số các nguồn tin phi chính phủ chấp nhận sự
kiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) từ khước gia
nhập Hội Phật giáo Việt Nam, mà họ xem là hội của Nhà nước,
để ngăn chận mưu toan của nhà cầm quyền nhằm vô hiệu hóa Phật
giáo ; sự thành lập Hội Phật giáo Việt Nam đặt GHPGVNTN ra ngoài
vòng luật pháp ; sự tranh chấp của Phật giáo nổi cộm sau đám tang
của vị lãnh đạo GHPGVNTN, Thích Đôn Hậu, năm 1992, với sự kế tục
lãnh đạo của Hòa thượng Thích Huyền Quang bị giam giữ không xét
xử từ năm 1982. Theo các nguồn tin này, nhà cầm quyền đã đàn
áp cuộc biểu tình của các Tăng sĩ ở Huế tháng 5.1993, nhất là
việc bắt giữ Thích Trí Tựu, Thích Hải Tạng, Thích Hải Thịnh, Thích
Hải Chánh ; Phái đoàn cứu trợ nạn nhân lũ lụt đồng bằng sông
Cửu long tháng 10 năm 1994, bắt giữ Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban,
Thích Trí Lực, Nhật Thường và Đồng Ngọc, qua tháng giêng 95 bắt
Thích Quảng Độ, Tổng thư ký GHPGVNTN, và duy trì áp lực lên khối
Phật tử thuộc GHPGVNTN (quấy nhiễu, theo dõi, tịch thu tài sản, v.v...).
Phong trào Gia Đình Phật tử Việt Nam, nằm trong hệ thống giáo dục
Phật giáo, bị phá vỡ để biến thành một «Chi hội Liên hiệp Thanh
niên» thuộc đảng Cộng sản». (...)
«Về giới Khmers krom, theo các nguồn tin phi chính phủ
và kể cả người Khmers krom, tập trung ở vùng châu thổ Cửu Long
thì họ đang yêu sách sự tôn trọng bản sắc chủng tộc và tôn
giáo. Tuy gần đây việc thực hành tôn giáo và các nơi thờ tự
được cải thiện, người Khmers krom vẫn tranh cãi sự xâm phạm của
nhà cầm quyền vào nội bộ tôn giáo và cộng đồng của họ. Các
yêu sách của họ là : a) Thành lập hội Phật giáo Kmer krom độc lập
với Hội Phật giáo Việt Nam ; b) Tự do tuyết đối về nghi lễ, nhất
là quyết định bắt các chùa Khmers krom phải cử hành lễ hội
Kathinatean cùng một ngày, trái với truyền thống Phật giáo cử hành
trong tháng 10 nhưng để cho tín đồ tự ý lựa chọn thời điểm ; c)
Hoàn trả các chùa và tài sản bị tịch thu sau năm 1975 ; d) Các Tăng
sĩ cựu tù lấy lại quy chế tu sĩ và được trở về chùa của họ.
CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO - Nguồn thông tin của
chính quyền :
(...) «Đáp lời hỏi của ông Amor về việc đào tạo
tu sĩ Công giáo, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ tuyên bố
rằng Giáo hội Công giáo có 6 Chủng viện đào tạo linh mục ;
nhưng nhấn mạnh rằng mọi chủng sinh phải là «công dân tốt».
Nguồn thông tin của Giáo hội Công giáo :
«Các vị đại diện Giáo hội Công giáo nhận định
rằng, từ thời mở cửa 1990, tình hình của cộng đồng Công giáo
tiến triển từ từ, vừa phát triển vừa duy trì các hạn chế (so
với thời gian trước bị đàn áp và phân biệt đối xử vì lý do
xem Giáo hội Công giáo như công cụ của Tây phương và chủ nghĩa
thực dân). Sự thực hành tôn giáo manh nha mạnh mẽ và phát triển
trong giới trẻ. Sự phát triển này có thể giải thích qua các điều
kiện thuận lợi đối với tôn giáo cùng với sự tìm kiếm đức
tin để cân bằng với đời sống câu thúc của xã hội bên
ngoài».
Dù thế, «các vị đại diện Công giáo vẫn nhắc nhở
sự duy trì các hạn chế giúp nhà cầm quyền xâm phạm vào nội bộ
tôn giáo, tác động đến hoàn cảnh tôn giáo của người Công
giáo : a) Chương trình hoạt động tôn giáo phải được chính quyền
chấp thuận. Những hoạt động phụ chưa ấn định phải làm đơn xin,
như xem lễ hoặc tập họp giới trẻ ; b) Số lượng Linh mục thiếu
hụt vì gặp khó khăn trong việc đào tạo (hạn chế số lượng (numerus
clausus) và thời hạn 2 năm mới cho tuyển sinh), thụ phong linh mục
phải được nhà cầm quyền chấp thuận, và nhu cầu (mở thêm) Chủng
viện (xin phép mở hai Chủng viện ở Thái Bình và Xuân Lộc để
tiếp tay với 2 Chủng viện hiện hành ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh)
và đòi trả lại Chủng viện đại học ở Đà Lạt là tài sản
của tòa thánh Vatican ; c) Sự phong chức Giám mục và Tổng giám mục
của Vatican phải được nhà cầm quyền chuẩn y. Tình cảnh mới
được khai thông gần đây nhờ cuộc thương thảo giữa Hà Nội và
Tòa Thánh (tham khảo các giám mục Việt Nam thiết lập danh sách để
cho Hà Nội chọn lựa) ; d) Những khó khăn chính trị và hành chính
vẫn tồn tại trong việc thụ phong hay thuyên chuyển các linh mục ; e)
sự di chuyển mục vụ của các linh mục từ xứ đạo này đến xứ
đạo khác phải được nhà cầm quyền cho phép ; f) Xây dựng và
tôn tạo các nơi thờ phượng phải được nhà cầm quyền chấp
thuận ; g) Thiếu Kinh Thánh, Giáo hội Công giáo xin phép lập nhà
xuất bản tách lìa Nhà nước để bảo đảm quyền tự do in ấn sách
đạo và ngăn ngừa kiểm duyệt ; h) Giáo hội Công giáo xin được
tham gia công tác giáo dục và tổ chức cơ quan xã hội và bệnh xá
; i) Mong muốn Đức Giáo hoàng viếng thăm».
(...) «Những thuận lợi vừa thấy chỉ do nhà cầm
quyền để ngơ cho làm hơn là những bảo đảm của một chính sách
và pháp chế thuận hảo với tự do tôn gíao cùng các biểu hiện
của tự do này. (...) Nên chú ý việc lập thành Ủy ban Đoàn kết
Công giáo năm 1983 do chính quyền chỉ đạo không có tính cách đại
diện bao nhiêu và cũng không gây thành vấn đề cho Giáo hội Công
giáo.
«Về các tu sĩ bị tù, các vị đại diện Giáo hội
Công giáo cho biết có 3 vị còn giam giữ ở trại Z 30A ở Xuân Lộc,
một ở trại T.5, đội 25 ở Thiệu Yên, Thanh hóa. Trong cuộc viếng
thăm, Báo cáo viên đặc nhiệm được giới Công gíao cho biết ngày
24.10.98 Nguyễn Viết Hiên và Nguyễn Châu Đạt được trả tự do, hai
linh mục ở trại Z 30A.
Nguồn thông tin của giới phi chính quyền :
Những nguồn tin đáng tin cậy của giới phi chính quyền
cho biết sự hiện hữu tại trại Z 30A ba tu sĩ Công giáo, John Bosco
Phạm Minh Trí, Bernard Nguyễn Viết Huân và Michael Nguyễn Văn Tính ;
nguồn tin cũng cho biết tu sĩ John Bosco Phạm Minh Trí mắc bệnh tâm
thần.
CỘNG ĐỒNG CAO ĐÀI - Nguồn thông tin của ông
Amor :
«Báo cáo viên đặc nhiệm nhắc nhở rằng ông không
được gặp gỡ các Chức sắc thuộc Hội đồng Tòa Thánh (bị giải
thể năm 1979). Sau chuyến đi trở về, mới được biết Thừa sử
Lê Quang Tấn (ở TP Hồ Chí Minh) và Phối sư Thái Thế Thanh (ở Tây
Ninh) đã bị Công an ngăn cấm không cho gặp Báo cáo viên đặc
nhiệm, ông Phạm Công Hiển và bà Lê Kim Biên (ở Kiên giang) đã
bị bắt».
Nguồn thông tin của Hội đồng Chưởng quản ở Tòa
Thánh Cao Đài :
«Báo cáo viên đặc nhiệm được khoảng 30 Chức sắc
cao cấp tiếp đón tại Tòa Thánh Tây Ninh. Tuy nhiên, chỉ một người,
tự giới thiệu như thành viên thuộc Hội đồng Chưởng quản của
Tòa Thánh, thay mặt lên tiếng ; không một người nào khác -- ngay
cả vị Chức sắc tối cao -- được tham luận. Có nhiều người ghi
chép cuộc gặp gỡ, dù rằng cuộc tiếp xúc được thu băng và
quây hình. Khi Báo cáo viên đặc nhiệm tìm cách thảo luận với một
số Chức sắc, thì thành viên Hội đồng Chưởng quản, nhân danh tập
thể tiếp đón, lưu ý rằng không có gì để nói thêm và lễ phép
chấm dứt cuộc gặp gỡ. Vị đại diện này cho biết hiện tình cộng
đồng Cao Đài rất tốt đẹp, hoàn toàn được tự do tôn giáo.
Đáp câu hỏi của Báo cáo viên đặc nhiệm về việc nhà cầm quyền
xâm phạm nội bộ Cao Đài và bắt bớ hàng Chức sắc, vị đại
diện này tuyên bố Hội Cao Đài đại diện cho 99% tín đồ, mặt khác,
chỉ có một nhúm tín đồ không đáng kể bất mãn. Ông ta nói thêm
rằng một số người Cao Đài vi phạm giáo lý Cao Đài khiến họ
«bỏ đạo» ; những kẻ bị kết án chẳng liên quan gì đến các sinh
hoạt tôn giáo».
Nguồn thông tin của giới phi chính quyền :
«Nhiều nguồn tin của giới phi chính phủ, kể cả nguồn
Cao Đài, cho biết nhà cầm quyền đã thi hành chính sách xâm phạm
nội bộ đạo Cao Đài : a) Từ 1975 đến 79 : Nghị định 297 ngày 11.11.77
đặt Giáo hội Cao Đài dưới sự kiểm soát của Mặt trận Tổ quốc
; tịch thu giáo sản ; hoạt động tôn giáo phải xin phép ; bắt bớ
các Chức sắc ; ngày 20.9.78, Mặt trận Tổ quốc kết án các hoạt
động tôn giáo của Cao Đài là phản cách mạng ; b) Tữ 1079 đến
1996 : Nghị định 01/HTDL ngày 1.3.79 giải thể tất cả hệ thống Chức
sắc và thiết lập một Hội đồng Điều hành do nhà cầm quyền kiểm
soát, vi phạm nội quy Cao Đài giáo quy định từ năm 1926 ; c) Từ 1996
: Chỉ thị 01-HK/TV ngày 27.5.96 của Thành ủy Đảng bộ Tây Ninh ra lệnh
việc phá vỡ cơ cấu Đạo trong thời gian tháng 6 cho đến tháng 9.96
để thay thế bằng Giáo hội Cao Đài Nhà nước. Ngày 5.5.97 công bố
Hiến chương đối nghịch với Hiến chương của đạo Cao Đài».
CỘNG ĐỒNG HÒA HẢO - Nguồn thông tin của
Chính quyền :
«Báo cáo viên đặc nhiệm không được gặp gỡ
giới đại diện cộng đồng Hòa Hảo, chính thức hay riêng tư. Ban
Tôn giáo Chính phủ cho biết đạo Hòa Hảo là một trong 6 tôn giáo
chính thức. Tuy nhiên, một đại diện bộ Ngoại giao biểu thị rằng tổ
chức Hòa Hảo không hiện hữu».
Nguồn thông tin của giới phi chính quyền :
«Theo những nguồn tin phi chính phủ, kể cả nguồn Hòa
Hảo, từ năm 1975 nhà cầm quyền quyết định đóng cửa mọi cơ sở
hành chính trung ương, địa phương và làng xã của Giáo hội Hòa Hảo
(3589 cơ sở), cũng như các nơi thờ tự, các cơ sở xã hội, văn
hóa (trên 5000 cơ sở ở tỉnh An Giang), một đại học, một bệnh viện
và một trung tâm hoằng đạo ; cấm phổ biến sách Sấm truyền, cấm
cử hành lễ đạo công cộng, ngay cả ngày Thánh lễ kỷ niệm Khai
sáng đạo. (...) Từ năm 1993, ông Lê Quang Liêm, Chủ tịch Ủy ban Trung
ương Giáo hội Hòa Hảo (bị giải thể) đã gửi nhiều Kiến nghị yêu
cầu phục hồi Giáo hội và tố cáo các sách của Nhà nước bôi
bác vị Giáo chủ của đạo Hòa Hảo».
CỘNG ĐỒNG TIN LÀNH - Nguốn thông tin của Chính
quyền :
«Đáp lời hỏi của Báo cáo viên đặc nhiệm về
việc không tôn trọng quyền tự do của tín hữu Tin Lành, đặc biệt
với dân tộc ít người, Thứ trưởng Công an trả lời, luận cứ
của Hoa Kỳ trước đây về việc phá hủy các nơi thờ tự là sai
lạc ; ông xác nhận việc tôn trọng các nơi thờ tự cũng như các
dân tộc ít người».
Nguồn thông tin của giới phi chính quyền :
(...) Nhà cầm quyền không công nhận chính thức các
Hội Thánh Tin Lành ngoài Giáo hội Tin Lành Việt Nam (đặt cơ sở ở
Hà Nội quy tụ 20 giáo hội nhỏ), được xem là Giáo hội của Nhà
nước. Để không bị chính quyền lũng đoạn, đa số các Hội Thánh
chống lại áp lực của chính quyền nhắm hợp nhất vào một tổ
chức ; các Hội Thánh này được bao dung, nghĩa là được công
nhận trong thực tế, dù hoạt động bí mật (...) hoặc nơi nhà nguyện,
hoặc nơi nhà tư, đến cả trong rừng sâu cho những dân tộc ít
người trên vùng cao.
(...) «Chính quyền đã can thiệp vào các họat động
bất hợp pháp bằng các hành động sau đây : a) Công an xuất hiện
giữa thánh lễ, tịch thu Thánh kinh, phạt tiền các người phụ trách
; b) Tịch thu, đến cả phá hủy nhà thờ (ví dụ tháng 12.97 dùng xe
ủi đất phá nhà thờ Thanh Mỹ ở Lâm Đồng) ; c) Sách nhiễu và
bắt giam các Mục sư (trường hợp các Mục sư Lô Van Hoa, Lô Ven Hen,
Nguyễn Văn Vượng bị bắt ngày 14.3.96 và 13.3.96 ở Điện Biên, tỉnh
Lai Châu, và kết án 36 tháng tù giam tháng 9.96) ; d) Các dân tộc ít
người Hmong, Hre, Jeh và Jera còn gặp khó khăn hơn, vì lẽ có phong
trào xin vào đạo rầm rộ (theo một vài nguồn tin có 120.000 người
Hmong vào đạo Tin Lành trong 8 năm qua) ; e) (...) Bắt những tín hữu Tin
Lành thuộc dân tộc ít người bỏ đạo và ngưng các thánh lễ (ví
dụ ở tỉnh Hà Giang, 300 người Hmong xã Thượng Tân, huyện Bạch
Sơn, viết kiến nghị ngày 3.10.97 tố cáo bị bắt và ngược đãi vì
lý do tôn giáo) ; f) Sở hữu sản Tin Lành (nơi thờ phượng, chủng
viện, trường học, bệnh xá) tịch thu sau năm 75 không được hoàn
trả. Ví dụ như Viện Nghiên cứu Thần học ở Nhatrang bị Ủy ban Nhân
dân Khánh Hòa chiếm dụng đem cho các nhà thầu Úc xây cất một
phức hợp khách sạn, dù có nhiều văn thư khiếu nại vẫn không
được hoàn trả ; g) Từ năm 1975 chính quyền chỉ cho phép mở một
lớp học độc nhất cho 13 chủng sinh Tin Lành. Việc phong chức Mục sư
hầu như không được chấp thuận».
CỘNG ĐỒNG HỒI GIÁO
«Các vị đại diện Hội Người Hồi giáo Việt Nam cho
biết đa số tín hữu tập trung ở miền Nam gồm những người Việt
gốc Mã Lai, Ấn độ, Nam Dương, đều được tự do hành đạo. Sinh
hoạt tôn giáo của họ là cầu nguyện, lễ hội tôn giáo kể cả
mùa chay Ramadan, học đạo ở nước goài, in ấn các sách đạo như
kinh Coran, hành hương La Mecque, trao đổi tôn giáo với người Hồi
giáo nước ngoài. Họ cũng nhấn mạnh rằng Hội bị cấm sau 1975, nhưng
được quyền hoạt động trở lại từ năm 1992 và họ thỏa mãn
với nơi thờ tự và các vị Pháp sư (Inams). Họ chỉ tiếc thiếu tài
chánh để phát triển đạo, dù đánh giá cao các nguồn tài trợ
nước ngoài (đến từ Arabie Saoudite, Koweit, Nam Dương, Mã Lai) và mong
muốn các nguồn tài trợ này gia tăng.
Làm tại Paris, ngày 22.3.1999
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam