Liệu Cải Tổ Kinh Tế Và Mở Cửa Buôn Bán Với Thế Giới Có Mang Lại Tự Do Và Dân Chủ Cho Việt-Nam Hay Không?
GS Nguyễn Quốc Khải Bài đóng góp cho Đại Hội Nhân Quyền 2003 Westminster, California, 5-7.12.2003
Cách đây khoảng hơn hai năm, trong một buổi thuyết trình của tôi tại vùng Hoa-Thịnh-Đốn về đề tài Hiệp Định Thương Mại Việt-Mỹ, một vị trong giới trí thức phát biểu ý kiến chống đối quyết liệt hiệp định này mặc dù hiệp định đã được đại diện chính phủ của hai nước ký chấp thuận tại Washington, DC khoảng hơn 6 tháng trước vào giữa năm 2000. Vị này lập luận một cách giản dị rằng nếu để dân trong nước bị đói khổ, họ sẽ nổi dậy chống chế độ Cộng Sản độc tài. Câu trả lời của tôi lúc đó là trong khoảng thời gian 1975-1990, dân Việt-Nam cực kỳ đói khổ, nhưng đã không có một cuộc nổi dậy lớn lao ở trong nước vì đói khổ cả. Thứ hai là những người chống Cộng Sản mạnh mẽ nhất hoặc đã chết trong tù hoặc đã dời bỏ quê hương ra đi gần hết. Trong các trại tù “cải tạo”, Cộng Sản Việt-Nam (CSVN) để cho các tù nhân đói triền miên đồng thời bắt họ lao động để họ chết lấn mòn hoặc không còn đủ sức chống đối vì lúc nào cũng bị dạ dầy hành hạ, không còn nghĩ đến cái gì khác. Tôi được nghe kể lại nhiều câu chuyện trốn ra khỏi trại tù, chứ không nghe ai nói về chuyện tù nhân nổi dậy chống lại lính gác tù một cách quy mô cả. Câu hỏi được nêu lên ở đây là nếu được no ấm, liệu người dân có đứng lên đòi nhân quyền và dân quyền hay không ? Bài phân tích này sẽ cố gắng tìm một câu trả lời cho câu hỏi trên. Khi còn là một nước Xã Hội Chủ Nghĩa thuần túy với nền kinh tế chỉ huy, Việt-Nam đã gia nhập tổ chức hợp tác kinh tế của khối Cộng Sản do Liên Bang Sô Viết lãnh đạo, thường được gọi là Cộng Đồng Kinh Tế Đông Âu hay còn gọi là COMECON (Council for Mutual Economic Assistance) vào năm 1978 do Nga Sô lãnh đạo. Tổ chức này tan vỡ vào cuối thập niên 80, cùng lúc với sự xụp đổ của các nước Cộng Sản Đông Âu. Sau khi chuyển từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường với việc áp dụng chính sách “Đổi Mới” vào năm 1986 tới nay, Việt-Nam đã ký kết một số thương ước quốc tế mới.Quan trọng hơn cả là một số hiệp định thương mại với Liên Hiệp Âu Châu (European Union), Khu Vực Mậu Dịch Tự Do của các nước Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations Free Trade Area viết tắt là AFTA), và hiệp định thương mại Việt-Mỹ (U.S.-Vietnam Bilateral Trade Agreement viết tắt là USVN-BTA). Ngoài ra Việt-Nam mới bắt đầu thương thuyết một thỏa hiệp đầu tư với Nhật Bản và đang chuẩn bị gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Organization viết tắt là WTO). Chính sách Đổi Mới và những hiệp định thương mại quốc tế đòi hỏi Việt-Nam thi hành nhiều cải tổ kinh tế sâu rộng chưa từng thấy. Đành rằng cải tổ kinh tế và mở cửa buôn bán với thế giới bên ngoài làm cho dân chúng được no ấm hơn nhưng liệu chính sách này sẽ có mang lại tự do và dân chủ cho đất nước hay không ? Hiện nay có hai lý thuyết chính: (1) Cải tổ kinh tế sẽ đưa đến những cải tổ chính trị và đất nước sẽ có tự do dân chủ; (2) Cải tổ kinh tế đồng thời tiếp tục kềm kẹp chính trị sẽ chỉ củng cố thêm chế độ độc tài. Bài thuyết trình sẽ thào luận về những lý thuyết này và sẽ nhấn mạnh về trường hợp Việt-Nam đồng thời so sánh với Trung Quốc. Lý thuyết 1 - Cải tổ kinh tế sẽ đưa đến những cải tổ chính trị và đất nước sẽ có tự do dân chủ Cả hai hiệp định thương mại với Hoa-Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đều có tác dụng mạnh đối với Việt-Nam không những về mặt kinh tế mà còn cả về mặt chính trị qua những đòi hỏi cải tổ kinh tế sâu rộng. Tại buổi lễ ký kết thương ước Việt-Mỹ tại Tòa Nhà Trắng vào tháng 7, 2000 Tổng Thống Bill Clinton đã tuyên bố rằng: "Hiệp định thương mại sẽ đem lại nhiều thay đổi tốt đẹp về tự do và nhân quyền cho nhân dân Việt-Nam, trong một nền kinh tế phồn thịnh hơn...". Bà cựu Ðại Sứ Ngoại Thương của Hoa-Kỳ Charlene Barshesky từng tuyên bố: "Khi hoàn tất, hiệp định thương mại Việt-Mỹ sẽ vạch ra một đường hướng đưa tới sự cởi mở hơn, giảm bớt sự kiểm soát kinh tế của chính phủ, và cuối cùng làm cho nguời dân Việt-Nam được tự do hơn để kiếm việc làm và tự quyết định lấy tương lai của mình.” [1] Những cuộc cải tổ kinh tế do thương ước Việt-Mỹ, Việt-Âu và AFTA đòi hỏi gián tiếp hay trực tiếp sẽ đem lại những kết quả sau đây: (1) Khu vực tư doanh sẽ mở rộng. Tư nhân sẽ được tự do làm ăn quy mô thay vì chỉ được buôn bán lặt vặt như từ 1986 đến cuối thập niên 90; Khu vực kinh tế tư sẽ ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách quốc gia, trực tiếp hay gián tiếp. Như vậy, điều kiện này sẽ tạo ra một môi trường thích hợp cho nền dân chủ được phát triển [2]. (2) Nhà nước không còn chiếm độc quyền làm kinh tế cho cả nước. Khu vực quốc doanh sẽ thâu hẹp tối đa. Đặc biệt Thương Ước Việt-Mỹ, với những điều khoản buộc giải tỏa nền kinh tế chỉ huy sẽ phân tán quyền lực hiện nay tập trung hết trong tay nhà nước. (3) Ngoại thương sẽ được bành trướng mạnh mẽ; (4) Khu vực đầu tư của nước ngoài sẽ mở rộng; (5) Kinh tế Việt-Nam sẽ phát triển và sẽ liên hệ trực tiếp đến kinh tế toàn cầu nhiều hơn. Hiện nay, khu vực nhà nước và sản xuất tập thể quá lớn, chiếm vào khoảng 48% tổng sản lượng nội địa, bao gồm trong đó là xí nghiệp quốc doanh chiếm khoảng 30%, sản xuất tập thể 9%, hành chánh, quốc phòng và chương trình an sinh của nhà nước 9% [3]. Trong khi đó hai khu vực tư doanh và đầu tư nước ngoài lại quá nhỏ, chiếm khoảng 4% và 11%. Khu vực gia đình chiếm 33%. Một cuộc cải tổ kinh tế thiết yếu là phải đảo ngược được tình trạng này. phát triển khu vực tư doanh và đầu tư nước ngoài, đồng thời thu hẹp khu vực nhà nước lại, từ 39% xuống còn 10% - 15%. Các vấn đề thông tin, phân phối, di chuyển, cư trú, thuê mướn nhân công sẽ được bảo đảm tự do hơn chiếu theo các thương ước. Pháp luật sẽ phải minh bạch hơn, trước hết là luật thương mại và công pháp quốc tế. Với sự phát triển của công nghệ tin học, với báo chí, đài phát thanh, truyền hình, mạng lưới Internet được hoạt động ngay trong nước, chế độ kiểm duyệt báo chí, ngăn cản tin tức chuyễn về từ nước ngoài sẽ trở thành vô cùng khó khăn. Với các đại học tư và ban giảng huấn ngoại quốc cùng với các trường học dân lập và số sinh viên xuất ngoại trở về, tư tưởng tự do tiến bộ sẽ phát triển trong giới trẻ tại Việt-Nam. Các hiệp định thương mại Việt-Mỹ, Việt-Âu, và AFTA không có điều khoản nào nói về nhân quyền. Tuy nhiên hiệp định đòi hỏi các luật lệ thương mại phải minh bạch và thông tin trong lãnh vực kinh tế phải được tự do. Ðiều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí. Một khi người dân đã có quyền tự do kinh tế, có một mức sống cao hơn, không còn phải lo miếng cơm manh áo hàng ngày thì không còn gì ngăn cản họ đòi hỏi được hưởng các quyền tự do ngoài phạm vi thuần túy kinh tế, nhất là khi người dân đã được tiếp xúc với những người thuộc các nước có chế độ tự do dân chủ, ngoại quốc cũng như người Việt khắp nơi trở về. Một đòi hỏi kế tiếp và tự nhiên của người dân trong nước sẽ là một chế độ tự do, dân chủ và tiến bộ theo đúng trào lưu văn minh của nhân loại. Tuy nhiên phải mất bao lâu mới thực hiện được ước vọng mãnh liệt đó, đến nay không ai có câu trả lời chắc chắn cả. Dưới con mắt của những nhà lãnh đạo Hà-Nội thì đây là một phần trong diễn biễn hòa bình mà họ lo ngại. Họ chấp nhận cải tổ kinh tế vì không còn lựa chọn nào khác. Tiếp theo đó, họ chấp nhận đầu tư nước ngoài một cách giới hạn. Dần dần Việt-Nam nới rộng luật lệ đầu tư cho các công ty ngoại quốc xâm nhập thị trường gần như vào mọi khu vực, đồng thời cho đông đảo sinh viên du học các nước Tây Phương, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh như Hoa-Kỳ, Úc Châu, và Canada. Sau cùng Việt-Nam thỏa thuận hội nhập vào kinh tế vùng và thế giới qua những thương ước quốc tế. Đến năm 2020 AFTA của ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế kiểu Liên Hiệp Âu Châu, không thuế quan, mọi hàng rào phi thuế quan cũng sẽ được bãi bỏ, theo một quyết định của hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 tại Bali, Indonesia vào tháng 10, 2003 vừa qua. Những nhà lãnh đạo Hoa-Kỳ tiếp tục ca ngợi mậu dịch tự do như một cách để mở cửa biên giới của những nước độc tài, tạo cơ hội giao tiếp với thế giới văn minh bên ngoài. Cựu lãnh Tụ Đa Số Hạ Viện Dick Armey từng tuyên bố: “Tư do mậu dịch là một lực lật đổ và giải phóng vĩ đại” [4]. Tồng Thống George W. Bush khẳng định: “Nếu Internet xâm nhập vào Trung Quốc, ông thần tự do sẽ chui ra khỏi chai” [5]. Đi xa hơn thế Bộ Trưởng Ngoại Giao Colin Powell khẳng định: “Buôn bán với Trung Quốc không những là một chính sách thương mại tốt mà còn là một chính sách nhân quyền tốt” [6]. Những tư tưởng lạc quan như thế tiếp tục quyết định chính sách ngoại giao của Hoa-Kỳ đối với một số nước chọn lựa như Việt-Nam và Trung Quốc. Dù thực tâm hoặc nhắm mắt tin vào những tư tưởng lạc quan như trên vì quyền lơi, giới kinh doanh Hoa-Kỳ tại những buổi họp của U.S. – Vietnam Trade Council và U.S. – ASEAN Business Council tỏ ra chống đối Dự Luật Nhân Quyền Việt-Nam vì dự luât này không cho phép dùng những nguồn tài trợ của Bộ Canh Nông Hoa-Kỳ, Exim Bank, và Overseas Private Investment Corporation (OPIC) để bao cấp những công ty Hoa-Kỳ buôn bán với Việt-Nam, như một biện pháp trừng phạt Việt-Nam. Giới kinh doanh Hoa-Kỳ cũng nhận thấy chính sách bất nhất của Hoa-Kỳ. Đối với những nước độc tài như Việt-Nam,Trung Quốc, và các nước sản xuất dầu hỏa ở Trung Đông, Hoa-Kỳ theo đuổi chính sách “giao kết xây dựng” [7]. Đối với Cuba và Miến Điện, Hoa Kỳ lại áp dụng cấm vận. Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ chưa chính thức công bố lập trường đối với Dự Luật Nhân Quyền Việt-Nam 2003, đã được Hạ Viện thông qua dưới hình thức một tu chính án của Dự Luật Ngân Sách Ngoại Giao cho Tài Khóa 2004-2005 (H.R. 1950) vào ngày tháng 7, 2003. Tuy nhiên, một cách không chính thức một vài viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại Giao tỏ ý lo ngại vì Dự Luật Nhân Quyền Việt-Nam cho phép Hành Pháp Hoa-Kỳ cấm viện trợ thêm cho Việt-Nam, ngoại trừ các chương trình nhân đạo. Nếu chính quyền Hà-Nội vi phạm nhân quyền, chương trình tài trợ để huấn luyện Việt-Nam thi hành Hiệp Định Thương Mại Việt-Mỹ có thể sẽ bị ngưng. Dự kiến này nếu xẩy ra sẽ mâu thuẫn với một số điều mà Hoa-Kỳ đã cam kết khi ký Thương Ước Việt-Mỹ. Một nhóm thiểu số nhưng có nhiều ảnh hưởng trong Lập Pháp Hoa-Kỳ không ủng hộ Dự Luật Nhân Quyền Việt-Nam như TNS John Kerry (Dân Chủ, Massachusetts) đã giải thích lập trường của ông vào đầu năm 2003 như sau: “Mặc dù đồng ý với mục tiêu của dự luật này, tôi không tin rằng việc thông qua dự luật là cách hiệu quả nhất để đẩy mạnh sự thay đổi ở Việt-Nam. Tôi đã chứng kiến tận mắt những tiến bộ do sự hợp tác giữa Việt-Nam và Hoa-Kỳ mang lại. Tôi tin rằng cách hiệu quả nhất để cải thiện nhân quyền là để Việt-Nam tiếp cận với ảnh hưởng bên ngoài” [8]. TNS Chuck Hagel (Cộng Hòa, Nebraska) trong buổi nói chuyện về bang giao giữa Hoa-Kỳ và Đồng Minh Á Châu do Asia Society tồ chức vào cuối tháng 7, 2003 vừa qua cũng có một nhận định tương tự. Ông cho rằng còn lâu nhân quyền mới được tôn trọng ở Việt-Nam cũng như tại Trung Quốc. Nhân quyền là vấn đề quan trọng và tế nhị phải được cứu xét và đang được cứu xét. Nhưng Dự Luật Nhân Quyền Việt-Nam là một tiến trình đồ sộ và không hoàn hảo. TNS Hagel nói tiếp rằng tốt hơn là làm việc từ bên trong, gây áp lực với Việt-Nam và Hành Pháp. Ông cho rằng đây là cách làm thích hợp và có trách nhiệm [9]. Xét cho cùng qua những lời tuyên bố của họ, chính những nhà lập pháp Hoa-Kỳ dù không ủng hộ Dự Luật Nhân Quyền Việt-Nam cũng không tin rằng những cải tổ kinh tế và những thương ước quốc tế có thể tự động cải thiện tình trạng nhân quyền và đem lại tư do dân chủ cho Việt-Nam. Những nhà lập pháp Hoa-Kỳ này gián tiếp công nhận rằng áp lực quốc tế và vận động ở bên trong rất cần thiết trong tiến trình dân chủ hóa Việt-Nam. Lý thuyết 2 - Cải tổ kinh tế đồng thời tiếp tục kềm kẹp chính trị sẽ chỉ củng cố thêm chế độ độc tài Kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt-Nam cũng như tại Trung Quốc không có gì khác hơn là một hỗn hợp của hai chinh sách giải phóng kinh tế và kềm kẹp chính trị. Theo đó kinh tế dựa trên luật cung cầu được phép phát triển và khu vực quốc doanh giữ một vai trò chủ chốt. Dân và đảng viên được phép làm giầu, nhưng không được phép làm suy yếu đảng Cộng Sản. Khi thi hành những biện pháp cải tổ kinh tế tại hai quốc gia này, những nhà lãnh đạo của Hà-Nội và Bắc Kinh đều cho thực hiện những biện pháp trì hoãn hoặc ngăn ngừa những chuyển biến chính trị bất lợi cho chế độ độc đảng. Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đời sống chính trị của người dân. Về mặt kinh tế, nhà nước bãi bỏ những cơ chế chỉ huy như hợp tác xã và nông trường tập thể, giảm bớt số xí nghiệp quốc doanh bằng cách bán một số xí nghiệp này cho tư nhân mà phần lớn là đảng viên hoặc cựu nhân viên nhà nước, hoặc sát nhập những xí nghiệp thua lỗ vào nhũng xí nghiệp tương đồi thành công hơn, đồng thời cho những công ty này ít nhiều quyền tự trị. Nhà nước tiếp tục kiểm soát những khu vực quan trọng của nền kinh tế. Mặt khác, đầu tư nước ngoài được phép xâm nhập thị trường nội địa một cách giới hạn. Các hiệp hội do nhà nước bảo trợ được thành lập để làm nhịp cầu liên lạc giữa nhà nước và các xí nghiệp. Những tổ chức phi chính phủ (non-governmental organizations viết tắt là NGO) đều phải được đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp của nhà nước. Đảng viên hay cán bộ thường nắm những chức vụ then chốt trong ban quản trị. Trên thực tế Việt-Nam không có NGO, mà chỉ có GS-NGO tức là government-supervised NGO. Nhà nước cấm đoán những giáo hội độc lập, những nghiệp đoàn tự do hoặc những tổ chức thật sự tự trị có thể cạnh tranh với nhà nước. Những hội đoàn này hoặc phải sát nhập vào với các tổ chức của nhà nước hoặc sẽ bị đàn áp. Do đó, một xã hội dân sự thật sự khó thành hình dù giới trung lưu ngày càng lớn mạnh khi kinh tế phát triển như nhiều nhà nghiên cứu hi vọng. Phần đông giới trung lưu mới này thân cận với đảng và nhà nước. Còn giới trung lưu cũ đã rời bỏ quê hương ra đi gần hết. Để bảo đảm giới chuyên viên trí thức trong tương lai sẽ ủng hộ chế độ, nhà nước trước đây đặt những điều kiện khó khăn hoặc ngang nhiên cấm đoán con em của những người thuộc chế độ VNCH không cho hưởng những phương tiện giáo dục một cách bình đẳng với con em của “cách mạng”. Thí dụ vào những năm đầu sau năm 1975, con em thuộc gia đình “ngụy” không được học lên đại học. Dù đạt được điểm 30/30 trong 3 môn thi những em này cũng không được nhận vào đại học. Trong khi đó con em “cách mạng” chỉ cần đạt được điểm 8/30 hoặc 9/30 [10]. Trên thực tế, dù không bị ngăn cấm, nhiều con em “ngụy” cũng không có phương tiện cắp sách đến trường hoặc vì gia đình phải đi vùng kinh tế mới, hoặc vì những người lớn bị giam ở trong các trại tù “cải tạo”, gia đình đói khổ, con em “ngụy” phải ở nhà giúp mẹ và các chị làm đủ mọi việc để kiếm ăn. Sau khi bắt đầu chính sách “Đổi Mới”, luật lệ mới được nới lỏng. Con em “ngụy” phải có điểm thật cao so với điểm của con em “cách mạng” mới được đi nhận vào đại học. Ngày nay, tình trạng kỳ thị trắng trơn đó không còn nữa. Nhưng lý lịch và quen biết vẫn là những yếu tố quan trọng trong việc xin việc làm hay học bổng du học của nhà nước. Quyền tư hữu đất đai không được công nhận. Hệ thống tư pháp với các tòa án đều do đảng Cộng Sản kiểm soát. GS Arthur Waldron, một chuyên viên về Trung Quốc của University of Pennsylvania nhận xét: “Quyền cá nhân hay quyền của nhà kinh doanh đều được bảo vệ không phải bởi các định chế nhưng bởi sự quen biết với những người có quyền lực trong tay” [11]. Ở tại Việt-Nam cũng như Trung Quốc, chế độ tư bản không dựa vào quyền tư hữu, hay pháp luật mà dựa vào sự quen biết với các giới chức chính quyền. Đây là một chế độ tư bản phe đảng (relation-based capitalism) [12]. Phần lớn lợi nhuận rơi vào tay các viên chức nhà nước. Ở Hoa-Kỳ các công ty tư tìm mọi cách ảnh hưởng các ứng cử viên, các chính trị gia, các cơ quan chính phủ. Trái lại, tại Việt-Nam hay Trung Quốc, tình trạng trái ngược. Nhà nước ảnh hưởng và áp đảo khu vực tư. Trong vòng 10 năm kể từ khi chương trình Đổi Mới được chính thức công bố vào cuối năm 1986, Việt-Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kể. Tổng sản lượng nội địa tăng gấp đôi và tỉ lệ nghèo đói giảm xuống còn một nửa, từ 79% xuống còn 35%. Cuộc khủng hoảng kinh tế Á châu 1987-1988 đã làm cho tốc độ tăng trưởng chậm lại từ 9.5% vào năm 1995 xuống còn 4.8% vào năm 1999, sau đó từ từ phục hồi lại ở mức 7% vào năm 2002. Lợi tức trung bình tăng từ 200 Mỹ kim lên đến 450 Mỹ kim mỗi đầu người. Như vậy, chính sách kinh tế thị trường với định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa và sự hội nhập vào thị trường thế giới sau khoảng 15 năm, mặc dù chưa làm cho Việt-Nam ra khỏi danh sách những nước nghèo nhất thế giới của Liên Hiệp Quốc, đã giúp dân Việt-Nam không phải ăn bo bo nữa, nhưng đồng thời đã tạo ra một giai cấp trung lưu mới thân chế độ và sẵn sàng bảo vệ chế độ đã cho mình nhiều đặc quyền đặc lợi. Sau 1975, Hiến Pháp được sửa đổi tất cả ba lần. Lần sửa thứ nhất vào năm 1980 nhắm nêu cao mục tiêu của Đảng và nhà nước là củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa ở miến Bắc, xã hội hóa miền Nam, và tăng cường khả năng quốc phòng để chống lại Trung Quốc. Lần sửa thứ hai vào năm 1992 chính thức hóa nền kinh tế với nhiều hộ sản xuất. Ngoài hợp tác xã, doanh nghiệp nhà nước, còn có gia đình và xí nghiệp đầu tư ngoại quốc. Lần sữa chót vào năm 2001 thông qua chế độ kinh tế thị trường. Tuy nhiên cơ chế và cương lĩnh chính trị của Đảng CSVN vẫn không suy chuyển. Trung Quốc thực hiện đổi mới kinh tế vào năm 1979, trước Việt-Nam 10 năm. Trung Quốc thi hành một vài cải tổ kinh tế táo bạo hơn, như cương quyết loại bỏ các doanh nghiệp nhà nước lỗ lã, bán những công ty còn lại cho tư nhân, chỉ giữ lại những công ty quan trọng cho an ninh quốc gia hoặc tư nhân không đủ khả năng bao thầu. Đặc biệt, quân đội bị tuyệt đối cấm không được làm kinh doanh. Trung Quốc quyết tâm theo đuổi chính sách kinh tế hướng ngoại / xuất cảng và mạnh mẽ diệt trừ tham nhũng. Nhờ vậy Trung Quốc được xếp hạng 66 trên 133 nước, khá hơn Việt-Nam theo phúc trình về tham nhũng của Transparency International cho năm 2003. Sau khi đổi mới kinh tế gần một thập niên, Trung Quốc vào năm 1988 đã ban hành Đạo Luật Cơ Hữu Ấn Định Việc Thành Lập và Điều Hành Các Ủy Ban Thôn Xã. Sau biến cố Thiên An Môn đạo luật này được ban hành lại vào năm 1991 và áp dụng trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Mục tiêu của chính sách là để củng cố lại hậu thuẫn của dân chúng tại nông thôn vì sau nhiểu năm nắm chính quyền, nhiều cơ sở của Đảng CSTQ ở nông thôn bị tan rã [13]. Việc Trung Quốc cho bâu cử ở cấp làng xóm, trong kế hoạch dân chủ hóa nông thôn mà họ gọi tắt là “Dân Chủ Cơ Cở”, cho đến nay chỉ là một hình thức dân chủ giả tạo bởi vì các đảng viên Cộng Sản thường hướng dẫn dân làng bỏ phiếu cho những ứng cử viên thân tín [14]. Tuy nhiên hãy còn quá sớm để kết luận về ý đồ của giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đối với chính sách dân chủ hóa nông thôn. Tân Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) mới lên nắm quyền là ông Hồ Cẩm Đào, một lãnh tụ có khuynh hướng ủng hộ tiến trình dân chủ hóa và ủng hộ chính sách “Ba Đại Diện” của Giang Trạch Dân. Theo chính sách này, các doanh thương được phép gia nhập Đảng CSTQ. Việt-Nam đã có những thay đổi ít nhiều về lãnh vực chính trị trong một năm qua. Đảng CSVN cho phép đảng viên và ngay cả quân đội được làm kinh doanh, nhưng doanh thương chưa được phép gia nhập Đảng. Ngày 7.7.2003 vừa qua Chính Phủ Việt-Nam đã ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã (nghị định số 79/2003/NDD-CP). Theo đó, nhân dân ở xã được trực tiếp bàn và quyết định 5 loại công việc từ vệ sinh môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng đến soạn thảo hương ước. Quy chế Dân Chủ Xã xem ra giống như Quy Chế Dân Chủ Cơ Sở của Trung Quốc về hình thức. Người ta nghi ngờ rằng việc thi hành Quy chế Dân Chủ Xã cũng sẽ giống như ở bên Trung Quốc từ trước đến nay mà thôi. Trong khi Trung Quốc đã chuyển từ chế độ toàn trị (totalitarianism) qua chế độ độc tài (authoritarianism) và đang chuẩn bị chuyển qua chế độ dân chủ hiến trị (constitutionalism), Việt-Nam chỉ mới bước đi một bước, chuyển đổi qua chế độ độc tài và hiện đang dậm chân tại đó. Tương lai của Việt-Nam cũng không có gì đảm bảo sẽ khá hơn Trung Quốc về tốc độ và phạm vi của kế hoạch cải tổ chính trị nếu Việt-Nam ngả theo Trung Quốc và dập theo đúng khuôn mẫu cải tổ kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Điều này đúng hay không tùy thuộc vào chính sách ngoại giao của Viêt-Nam. Trong thời gian hai năm gần đây, có một vài dấu hiệu cho thấy Việt-Nam có nhiều hoạt động ngoại giao thân thiện với Hoa-Kỳ hơn. Một biến cố quan trọng và ý nghĩa là sự viếng thăm Hoa-Kỳ vào tháng 11, 2003 của Tướng Phạm Văn Trà, Tổng Trưởng Quốc Phòng của Việt-Nam. Kinh nghiệm cho thấy kinh tế phát triển không chắc chắn và tự động đem lại tự do dân chủ, nhưng lại có những trường hợp giúp hợp pháp hóa và củng cố những chế độ độc tài trong đoản kỳ. Ngược lại, lịch sử cũng đã chứng minh rằng kinh tế khủng hoảng sẽ không đủ để làm nhiều chế độ độc tài xụp đổ, mặc dù có làm cho những chế độ này yếu đi [15]. Một số trường hợp ngoại lệ còn rõ rệt trong trí nhớ mọi người là Nga Sô và Đông Âu. Yếu tố kinh tế đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào sự chuyển đổi của các nước cựu Cộng Sản này qua thể chế dân chủ vào cuối thập niên 80 nhưng không phải là vì kinh tế phát triển mà vì kinh tế kiệt quệ. Một số những nhà lập pháp Hoa-Kỳ đã lên án rằng Hoa-Kỳ buôn bán với Việt-Nam và Trung Quốc, xử dụng những chương trình bao cấp của Bộ Canh Nông, Exim Bank, và OPIC để củng cố chế độ độc tài tại hai quốc gia này mà không đưa đến một tiến bộ nào về hai lãnh vực dân chủ và nhân quyền. Nhân dịp Hạ Viện Hoa-Kỳ chấp thuận Dự Luật Ngân Sách Ngoại Giao bao gồm một số điều khoản về nhân quyền Viêt-Nam với số phiếu 382-42 vào tháng 8, 2003 vừa qua, DB Christ Smith (Cộng Hòa, New Jersey) tuyên bố: “Dự Luật Ngân Sách Ngoại Giao cho Tài Khóa 2004-2005 là một công bố chính thức về mục tiêu nhân quyền và sự cam kết của Hoa-Kỳ muốn giúp đõ những dân tộc trên toàn thế giới đang là nạn nhân của áp bức và tàn bạo… Nhân quyền phải là lý tưởng chính và mục tiêu của chính sách ngoại giao của chúng ta, đặc biệt là nếu chúng ta trông đợi những quốc gia khác tôn trọng quyền căn bản của chính công dân của họ” [16]. DB Ed. Royce (Cộng Hòa, California), tác giả của Dự Luật Tự Do Thông Tin, nhân buổi điều trần của Quốc Hội Hoa-Kỳ về Nhân Quyền vào đầu tháng 10, 2003 tuyên bố: “Việt-Nam còn lâu mới đạt đựoc tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, tự do ngôn luận, và tự do báo chí…Chế độ độc tài ở Việt-Nam biết rằng tự do thông tin là một đe dọa cho lối cai trị thô bạo của chế độ - Do đó họ đã ngăn chặn các lối vào Internet. Càng ngày càng nhiều những thanh thiếu niên vào Internet để đọc tin tức vê chính trị quốc tế và quốc nội, tôn giáo và kinh tế” [17]. Giải pháp tổng hợp kinh tế và chính trị Kinh nghiệm cho thấy chính sách cấm vận đã được các quốc gia xử dụng tối đa trong các thập niên trước đây đã không luôn luôn tỏ ra có hiệu quả trong việc đánh đổ các chế độ độc tài và áp bức trên thế giới. Thí dụ như trường hợp Cuba, Bắc Hàn, Iraq và Việt-Nam (1975-1994) và Miến Điện. Ngày nay, các cường quốc chủ trương bình thường hóa liên hệ ngoại giao và thương mại với các chế độ độc tài như trường hợp Hoa-Kỳ với Việt-Nam. Chính sách này đã mang lại cho những người dân ở dưới chế độ độc tài áp bức một đời sống kinh tế dễ thở hơn so với thời kỳ cấm vận. Nhưng theo David Hendrickson "cả hai chính sách cấm vận và bình thường hóa thương mại đều không có một liên hệ vững chắc và trực tiếp đối với vấn đề dân chủ hóa" [18]. Jorge I. Dominguez cũng có một lập luận tương tự: "không thể tiên đoán chắc chắn và dễ dàng được sự liên hệ giữa thị trường và dân chủ" [19]. David D. Finley cho thấy một điều chắc chắn là "không có dân chủ nếu không có kinh tế tự do. Kinh tế tự do có thể đưa đến dân chủ" [20] nhưng không gì đảm bảo là chắc chắn cả. Nhà bình luận Nguyễn Cao Quyền nói một cách khác rằng "kinh tế thị trường là một điều kiện cần nhưng không đủ cho sự phát huy nền dân chủ" [21]. Những cuộc khảo cứu công phu và sâu rộng đã cho thấy rằng cải thiện mức sống của các nước sẽ đem lại tự do và dân chủ trong trường kỳ [22]. Trong các thập niên 1980 và 1990, trào lưu dân chủ hóa nổi dậy khắp nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia biến đổi từ chế độ độc tài qua chế độ dân chủ theo một trong ba khuynh hướng sau đây: (1) Thay đổi thể chế chính trị trước, cải tổ kinh tế sau. Ðó là trường hợp của các nước Ðông Âu, Nga Sô, và nhiều nước Châu Mỹ Latin; (2) Cải tổ chính trị và kinh tế hỗn hợp như trường hợp Singapore và Indonesia; và (3) Cải tổ kinh tế trước, thay đổi thể chế chính trị sau. Ðây là trường hợp của Ðại Hàn, Ðài Loan, Thái Lan, Mexico, Chile và cũng rất có thể của Việt-Nam và Trung Quốc [23]. Do đó không có một lộ trình độc nhất nào để cho mọi dân tộc phải theo để dân chủ hóa quốc gia của mình cả. Tiến trình dân chủ ở mỗi quốc gia thay đổi tùy theo hoàn cảnh đặc thù của mỗi nước về mọi phương diện, đặc biệt là chính trị, kinh tế, văn hóa, và giáo dục. Nhưng trong mọi trường hợp cả bốn yếu tố sau đây đều cần thiết: (1) Mức sống được cải thiện đáng kể; (2) Áp lực chính trị từ trong nội bộ; (3) Áp lực quốc tế; và (4) Thời gian. Chế độ độc tài ở Đông Âu do Nga Sô áp đặt, do đó đã đổ vỡ nhanh chóng. Trái lại, chế độ độc tài ở Việt-Nam cũng như ở Trung Quốc tồn tại lâu vì một vài lý do. Thứ nhất là những chế độ này dù dựa vào chủ thuyết ngoại lai nhưng do chính những người bản xứ trực tiếp xây dựng lên. Những lãnh tụ này tự cho rằng công lao dành độc lập cho đất nước là hoàn toàn của họ. Ngoài ra, chịu ảnh hưởng của nho giáo, chấp nhận quan niệm “trung quân ái quốc”, người dân Việt-Nam dễ dàng cúi đầu chịu đựng trước bạo lực để được xem là “trung với đảng, hiếu với dân”. Mặc dù lý tưởng cách mạng của họ đã hoàn toàn tiêu tan, giai cấp “thống trị” hiện nay ở Việt-Nam có nhu cầu cấu kết lẫn nhau vì quyền lợi. Trong trường hợp có tự do kinh tế, dân chủ sẽ phát triển với ba điều kiện: (1) Quyền tự do được bảo đảm bởi hiến pháp và môi trường chính trị; (2) Nền kinh tế thị trường đem lại sự thịnh vượng; (3) Không có liên minh mạnh mẽ của quần chúng chống lại phong trào dân chủ hóa. Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt-Nam thỏa mãn điều kiện (1) trên lý thuyết, nhưng trên thực tế nhà nước không thi hành. Hai thương ước Việt-Mỹ và Việt-Âu sẽ mở rộng thị trường và cho phép người dân có quyền tự do làm ăn buôn bán dễ dàng hơn. Kinh tế sẽ phồn thịnh hơn so với thời kỳ chỉ huy. Mặt khác, số công ty quốc doanh sẽ phải giảm thiểu tối đa hoặc sẽ phá sản. Tại Việt-Nam, không có phong trào của quần chúng chống lại tự do dân chủ. Trái lại quần chúng mong muốn có một xã hội công bằng, no ấm, tự do, và dân chủ. Mặc dù đòi hỏi tự do dân chủ chưa trở thành một phong trào rộng lớn, nhưng đã có những chiến sĩ dân chủ với những thành tích cách mạng không ai có thể chối cãi được, đã lên tiếng kêu gọi cải tổ chính trị, xóa bỏ chế độ độc tài vì đây chính là nguyên nhân của tham nhũng và bất công trong xã hội hiện tại. Do đó, Việt-Nam có cơ hội dân chủ hóa. Cơ hội đó đến sớm hay muộn tùy thuộc công sức bỏ vào nhiều hay ít của những người dân ở trong nước, những đảng viên và những nhân vật lãnh đạo cấp tiến trong đảng Cộng Sản và sự hiểu biết của chính quyền Hà-Nội, sự hữu hiệu của phong trào yểm trợ của người Việt ở hải ngoại và những áp lực mạnh mẽ của quốc tế. Các chế độ độc tài và tình trạng chậm tiến là những môi trường rất thích hợp cho tham nhũng và bất công xã hội sinh sôi nẩy nở như người ta đã từng thấy ở Nam Dương, Phi Luật-Tân, Thái Lan trước đây và ở Việt-Nam, Trung Quốc và Miến Điện hiện nay. Các quốc gia này thiếu hẳn một cơ chế và hệ thống luật pháp phân minh để kiểm soát chính phủ. Trong hoàn cảnh như vậy, chính sách nhà nước làm ra không nhất thiết phục vụ quyền lợi chung của toàn dân, mà thường lại phục vụ gia đình, họ hàng, phe nhóm, đảng phái thân thuộc. Tài nguyên không được sử dụng hữu hiệu. Do đó hiển nhiên kinh tế không thể phát triển toàn diện và mau chóng được trong một chế độ độc tài. Từ ngày tái lập bang giao với Việt-Nam đến nay Hoa-Kỳ áp dụng chính sách buông thả đối với Việt-Nam và cả Trung Quốc. Hoa-Kỳ, đặc biệt dưới thời Tổng Thống Clinton, hoàn toàn trông chờ vào phép lạ của những cải tổ kinh tế và hiệp định thương mại quốc tế để có những thay đổi chính trị. Kinh nghiệm cho thấy chính sách buông thả này không có hiệu lực. It nhất là trong hoàn cảnh như hiện nay. Người ta không thấy một thay đổi căn bản nào trong một tương lai gần, ngoại trừ có những biến cố đột xuất. Lịch sử cho thấy Việt-Nam chỉ thay đổi khi có áp lực từ bên ngoài hoặc từ quần chúng trong nước. Việt-Nam bắt buộc phải chính thức hóa việc cho phép nông dân tự canh tác lúa gạo vào năm 1981 bằng một Chỉ Thị số 100, vì dân quá đói khổ, xé rào, bỏ hợp tác xã, sản xuất lén lút riêng cho gia đình. Quyết Định số 10 ban hành vào năm 1988 bởi Bộ Chính Trị giao khoán một số lớn việc canh tác cho nông dân và mặc nhiên bãi bỏ kế họach sản xuất chỉ huy và công nhận nền kinh tế sản xuất gia đình. Vào tháng 9, năm 1989Việt-Nam phải rút quân ra khỏi Kampuchea sau khi các nước Cộng Sản Đông Âu sụp đổ và ngưng viện trợ cho Việt-Nam. Hai năm sau, Viện trợ của Nga Sô cho Việt-Nam cũng chấm dứt. Còn viện trợ của Tây Phương đã bị ngưng hoàn toàn từ ngày quân CSVN tràn vào Kampuchea vào cuối năm 1978. Chính sách cải tổ cầm chừng của Việt-Nam không phải là không có những hậu quả nghiêm trọng. Thứ nhất là nạn tham nhũng đã và đang tiếp tục gây ra những bất công xã hội và bất mãn nghiêm trọng trong quần chúng mà nhà nước cũng đã thấy rất rõ. Theo phúc trình 2003 của Transparency International, Việt-Nam bị xếp hạng thứ 100 trong số 133 quốc gia về nạn tham nhũng và là một trong những nước có tình trạng tồi tệ nhất ở Á châu cùng với Miến Điện và Nam Dương. Những người gốc Việt ở nước ngoài về Việt-Nam làm việc với các cơ quan ngoại quốc thường bị làm khó dễ và bị đòi phải chia 10%-15% tiền lương cho những công an, cán bộ hoặc viên chức nhà nước mà họ phải liên hệ. Nạn tham nhũng lan tràn cả ra nước ngoài. Đáng chú ý là ở Đông Âu và Liên Bang Nga nơi có nhiều người Việt cư ngụ dưới diện xuất khẩu lao động trả nợ chiến tranh hoặc di dân bất hợp pháp. Vì không muốn bị tống-xuất về nước, họ bị công-an gửi từ Việt-Nam qua điều tra lợi-dụng cơ-hội làm tiền. Mỗi người muốn xin ở lại phải mất từ 600 Euro đến 5,000 Euro tùy theo sự việc. Nhưng phần đông tiền mất tật mang vì những giấy tờ do công-an CSVN cấp không có tư-cách pháp-lý.
Thứ hai là sự chênh lệch về lợi tức giữa nông thôn và thành thị ngày một lớn hơn. Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt-Nam, thu nhập bình quân đầu người của nông thôn thấp hơn 3.7 lần thành thị và dưới cả mức thu nhập trung bình của dân nghèo trên thế giới (1 Mỹ kim mỗi ngày). Trên thực tế mức chênh lêch này là 1 so với 10. Khoảng 40% dân ở nông thôn tương đương với 24 triệu người hiện vẫn sống trong nghèo đói. Thứ ba là nạn thất nghiệp gia tăng mà những cuộc cải tổ cầm chừng hiện nay không thể giải quyết được. Cả những sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài về cũng không kiếm được việc làm nếu không quen biết. Mỗi năm có thêm 1.4 triệu người trẻ cần việc làm. Với độ tăng trưởng 7% / năm, nền kinh tế chỉ tạo thêm được khoảng 300,000 việc làm mỗi năm. Số đông chuyên viên tốt nghiệp đại học ở trong nước và ngoại quốc không được xử dụng đúng khả năng. Các báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ và Lao Động mới đây trích dẫn một báo cáo của nhà nước cho rằng từ năm 2001 đến nay đã tạo thêm được 4.3 triệu việc làm mới [24]. Con số này cần được kiểm chứng lại. Những điều kiện mô tả ở trên là những nhân tố trực tiếp sẽ giúp cho chế độ tự do và dân chủ phát triển trong dài hạn, tự do báo chí và nhân quyền được tôn trọng, tệ nạn tham nhũng sẽ có điều kiện bị giảm thiểu tối đa và nền kinh tế mới có thể phát triển toàn diện với hết tiềm năng sẵn có. Để cho tiến trình dân chủ hóa ở Việt-Nam đi nhanh hơn, những người dân chủ ở trong nước và hải ngoại cần phải chủ động. Lawrence F. Kaplan nói: “Dân chủ là một lựa chọn chính tri, một hành động quyết chí. Phải có người tạo dựng ra dân chủ, chứ không thể trông chờ vào sự việc” [25]. Ở Nga Sô có Mikhail Gorbachev. Ở Tây Ban Nha có Juan Carlos. Ở Tiệp Khắc có Vaclav Havel. Ở Nam Phi có Nelson Mandela và Desmond Tutu. Ở Phi Luật Tân có Corazon Aquino. Việt-Nam có nhiều chiến sĩ dân chủ, nhưng chưa xuất hiện một Mikhail Gorbachev. Như vậy Việt-Nam sẽ cần một thời gian dài hơn để đi tới dân chủ. Có những trường hợp phong trào dân chủ không do một người mà do một đoàn thể như African National Congress tại Nam Phi và Solidarity tại Ba Lan. Áp lực quốc tế đã giúp Nam Phi và Ba Lan dành độc lập và xây dựng chế độ dân chủ. Đài Loan, Phi Luật Tân, Đại Hàn có dân chủ nhờ áp lực và trợ giúp của Hoa-Kỳ. Đức và Nhật Bản từ bỏ chế độ độc tài phát xít không phải vì kinh tế tư bản mà vì sắp đặt và hỗ trợ của đồng minh sau Thế Chiến thứ II. Việt-Nam đã có một số phong trào dân chủ nổi lên nhưng bị nhà nước kềm chế. Việt-Nam hơn ai hết cần hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế mà cộng đồng người Việt ở hải ngoại sẽ có thể đóng một vai trò rất lớn. Kết luận Kinh tế gia đoạt giải Nobel người Ấn Độ Amartya Sen nghiên cứu về nghèo đói và dân chủ đã đưa ra một lời tuyên bố nổi tiếng: “Không bao giờ có một nạn đói nào đáng kể xẩy ra ở một nước độc lập, dân chủ và có tự do báo chí” [26]. Nhân loại đã chứng kiến nhiều nạn đói khủng khiếp, nhưng hầu hết xẩy ra dưới những chế độ độc tài: (1) Ireland (1845-1850) dưới sự đô hộ độc đoán của người Anh. Hậu quả: 1 triệu ngưới Ái Nhĩ Lan chết và 2 triệu người di dân qua Mỹ châu; (2) Nga Sô (1921) dưới chế độ Cộng Sản và hạn hán. Hậu quả: 5.1 triệu người chết; (3) Ukraine (1932-1933) do kế hoạch nông trường tập thể của Cộng Sản Liên Sô. Hậu quả: 7-10 triệu người chết; (4) Ethiopia (1984-1985) dưới chế độ Cộng Sản và hạn hán. Hậu quả: 8 triệu người chết; (5) India: liên tục trong thời gian người Anh chiếm đóng cho tới khi Ấn Độ được độc lập vào năm 1947; (6) Trung Quốc (1958-1961) do kế hoạch “Bước Nhẩy Vọt”. Hậu quả: 30 triệu người chết; (7) Somalia (1992) dưới chế độ độc tài. Hậu quả: 1.5 triệu người chết đói; (8) Bắc Hàn (1996 đến nay) dưới chế độ Cộng Sản. Riêng tại Việt-Nam nạn đói xẩy ra hai lần kể từ Đệ Nhị Thế Chiến đến nay : (1) 1945: Việt-Nam dưới sự đô hộ tàn bạo và độc tài của quân phiệt Nhật và thực dân Pháp. Hậu quả: 1 triệu người chết; (2) 1975-1986: Việt-Nam trong thời kỳ kinh tế xã hội chủ nghĩa. Kết quả: nạn đói đe dọa từ Bắc vào Nam, trầm trọng hơn hết là những vùng núi xa xôi hẻo lánh. Nhà nước phải lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc giúp thực phẩm và một triệu người vượt biên. Vào đầu thập niên 40, cả thế giới chỉ có khoảng trên 10 nước thực sự có tự do dân chủ, tương đương với khoảng dưới 1% của tổng số các quốc gia. Ngày nay con số này đã lên tới 62% và đặc biệt là một số các nước cộng sản trước đây nay đã trở thành những nước tự do dân chủ nhất thế giới: Czech Republic, Estonia, Poland, Hungary, Slovakia, và Slovania. Phong trào dân chủ hóa lan rộng ra khắp thế giới, từ Bắc Mỹ và Tây Âu qua Trung và Nam Mỹ, Đông Âu, Á châu và Phi Châu. Khuynh hướng dân chủ đó sẽ tiếp tục bành trướng. Việt-Nam trước sau sẽ qua tiến trình đó. Nếu chủ tâm cải tổ thực sự kinh tế và chính trị sớm, Việt-Nam sẽ tiến nhanh và sẽ sớm thoát khỏi tình trạng thua kém và lạc hậu như hiện nay. Mong sự kiện Trung Quốc thành công đưa phi hành gia Yang Liwei lên quỹ đạo vào ngày 15.10.2003 sẽ cảnh tỉnh những nhà lãnh đạo Hà-Nội, khiến họ đẩy mạnh sứ mạng canh tân xứ sở. Với những cải tổ kinh tế ở Việt-Nam, nhà nước sẽ mất dần độc quyền về kinh tế. Sư suy giảm về quyền lực chính trị của nhà nước cũng sẽ là điều tự nhiên. Giai cấp trung lưu độc lập sẽ lón mạnh. Các tổ chức bất vụ lợi và phi chính phủ, chính thức hoặc không chính thức, sẽ sinh sôi nẩy nở mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Những biện pháp tinh vi của nhà nước để ngăn chặn khát vọng dân chủ chỉ làm trì hoãn chứ không thể triệt tiêu được tiến trình thay đổi chính trị trong trường kỳ. Nhưng trường kỳ là bao nhiêu năm thì không ai rõ. Có thể là 36 năm như một học giả của Stanford University tiên đoán cho trường hợp Trung Quốc. Theo đó tự do dân chủ sẽ đến với nước này chậm nhất vào năm 2015. Nếu giả thuyết đó cũng đúng cho Việt-Nam, đến năm 2023 Việt Nam sẽ có dân chủ, hoặc có thể sớm hơn nhiều vì những chuyển biến tại quốc gia láng giềng khổng lồ. Tóm lại, để sớm thực hiện một chế độ có tự do dân chủ, dân giầu nước mạnh ở Việt-Nam, cải tổ kinh tế cần phải được đẩy mạnh và cùng một lúc áp lực quốc tế nhất là từ Hoa-Kỳ và các nước Tây Phương cần tiếp tục. Ngoài ra những người dân chủ trong và ngoài nước cần chủ động và hỗ trợ lẫn nhau trong các chiến dịch bài trừ tham nhũng, đòi hỏi công bằng xã hội, tự do tôn giáo, tự do thông tin báo chí, và dân quyền và nhân quyền. Những biện pháp thực tiễn và tích cực cần phải được những người dân chủ thực hiện trong các chiến dịch này. Kim chỉ nam cho mọi hành động là tinh thần phục vụ dân tộc và xây dựng đất nước, chứ không phải là hận thù và chia rẽ. Điều sau chót nhưng không phải kém quan trọng mà người dân Việt-Nam vẫn mong đợi để đất nước sớm có cơ hội vươn lên là sự khôn ngoan và sáng suốt của những người đang cầm vận mạng đất nước ở trong tay.
[1] The provisions of this agreement will go well beyond the bilateral commercial agreements... When completed, the agreement will set a course toward greater openness, receding government control over the economy, and ultimately greater freedoms for individuals in Vietnam to find jobs and determine their own futures. [2] Một chế độ dân chủ là một thể chế chính trị có những đặc tính sau đây: chính quyền cai trị dân bằng luật pháp; quyền hành của nhà nước bị giới hạn; có sự hiện hữu của xã hội dân sự; dân chúng có thể ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước bằng nhiều phương cách hợp pháp; tự do báo chí. [3] IMF, "Vietnam: Selected Issues", Staff Country Report No. 99/55, July 1999 and "Vietnam: Statistical Appendix and Background Notes", Staff Country Report No. 00/116, Washington, DC: August 2000. [4] Freedom to trade is the great subversive and liberating force in human history. [5] If the Internet were to take hold in China, freedom’s genie will be out of the bottle. [6] Trade with China is not only good economic policy; it is good human rights policy. [7] Constructive engagement. [8] Though I agree with the aims of this bill, I do not believe that its passage would be the most effective way to promote change in Vietnam. I have witnessed first hand the progress that has come from building a cooperative relationship between Vietnam and the United States. I believe the most effective way to foster improvement on human rights is to open Vietnam to outside influences. [9] Dựa vào bài thuyết trình của TNS Chuck Hagel vào ngày 24.7.2003 tại Văn Phòng Thượng Viện Hoa-Kỳ do Asia Society tổ chức. [10] Phạm Bá Hoa, “Giáo dục dưới chế độ Cộng Sản Việt-Nam”, Houston, Hè 2003. [11] Whether in terms of individual rights or the rights of entrepreneurs, interests are protected not by institutions but by special relationship with those in power. [12] Lawrence F. Kaplan, “Why trade won’t bring democracy to China”, the New Republic magazine, July 9, 2001. [13] Nguyễn Cao Quyền, “Tìm hiểu hiện tượng Trung Cộng dân chủ hóa nông thôn”, Maryland, tháng 4, 1999. [14] Lawrence F. Kaplan, “Why trade won’t bring democracy to China”, the New Republic magazine, July 9, 2001. [15] Stephan Haggard and Robert R. Kaufman, "The Political Economy of Democratic Transitions" in " Transitions to Democracy", edited by Lisa Anderson, Columbia University Press: New York, 1999. [16] Chris Smith, “The FY 04 Foreign Relations Authorization bill is a strong pronouncement of our nation's human rights goals and our commitment to helping those throughout the world who suffer from oppression and tyranny…Human rights must be a central ideal and goal of our foreign policy, especially if we expect other nations to grant such fundamental rights to their own citizens.”, the Vietnam Human rights act 2003 - Smith's Amendment to H.R. 1950, Chris Smith’s Office, Washington, DC, July 16, 2003
[17]
Ed Royce, “Vietnam has a long way to
go with respect to international
standards of [18] David Hendrickson, "Constructive Engagement and Economic Sanctions: The Debate over Intervention for Democracy", Rowman & Littlefield Publishers, Inc.: Lanham, Maryland, 1998. [19] Jorge I. Dominguez, "Market Economics and Political Change: A Historical and Theoretical Examination", Rowman & Littlefield Publishers, Inc.: Lanham, Maryland, 1998. [20] David D. Finley, "Market Leberation and Democratic Politics: Perspectives from the Russian Experience", Rowman & Littlefield Publishers, Inc.: Lanham, Maryland 1998. [21] Nguyễn Cao Quyền, "Dân Chủ và Kinh Tế Thị Trường: Ưu Tiên Nào Lựa Chọn", tháng 3, 1999. [22] Ethan B. Kapstein and Dimitri Landa, "Democracy and the Market: The Case of Globalization", Freedom House website, 2001. [23] Stephan Haggard and Robert R. Kaufman, "Economic Adjustments and the Prospects for Democracy", in the Politics of Economic Adjustment, edited by the same authors, Princeton: Princeton University Press, 1992. [24] Financial Times, “Vietnam needs more effort in poverty reduction despite some success”, October 6, 2003. [25] Lawrence F. Kaplan, “Why trade won’t bring democracy to China”, the New Republic magazine, July 9, 2001. [26] Amartya Sen and Amartya K. Sen, “Poverty and Famines – an Essay on Entitlement and Deprivation”, Oxford University Press, London, 1983.
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]
|