CÁC PHƯƠNG PHÁP VẬN ĐỘNG ĐẠO LUẬT TẠI HOA KỲ

 

 

(Bài nói chuyện của Bà NGÔ THỊ HIỀN, Chủ Tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam (CRFV) trong Đại Hội Kỳ VI Mạng Lưới Nhân Quyền ngày 6 và 7/12/2003 tại Orange County, California)

 

 

 

 

 

 

 

Xin kính chào quí vị,

 

Trước hết, xin cảm ơn Mạng Lưới Nhân Quyền cho chúng tôi cơ hội được chia sẽ một trong những hoạt động của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam trong những năm qua. Ước mong quí vị  đồng ý tầm quan trọng của hoạt động này để chúng ta cùng hợp tác làm việc nhau.

 

Trước khi đi vào đề tài “Các phương pháp vận động đạo luật tại Hoa Kỳ”, chúng tôi xin trả lời một câu hỏi mà chúng tôi thường gặp: “Tại sao chúng ta phải vận động các đạo luật?”

 

Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ. Đời sống của chúng ta luôn chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp bởi những đạo luật thông qua tại Quốc Hội.

 

Hoa Kỳ lại là một đại cường quốc duy nhất trên thế giới; và trong thế giới đại đồng ngày nay, một đạo luật của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng trực tiếp và sâu xa vào các quốc gia khác. Hay nói ngược lại muốn ảnh hưởng chính sách của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chúng ta không cần tham gia chính phủ của quốc gia đó, nhưng chỉ cần vận động với quốc hội Hoa Kỳ một đạo luật có ảnh hưởng liên hệ giữa Hoa Kỳ và quốc gia đó. Trường hợp đạo luật nhân quyền cho Việt Nam là một thí dụ điển hình.

 

Trong vấn đề vận động, có một nguyên tắc căn bản: phương pháp vận động càng dễ thì càng ít hiệu quả, vì mọi người đều làm được. Chúng tôi sẽ đi từ những phuơng pháp dễ nhất, phổ thông nhất, đến những phương pháp tương đối khó khăn hơn. Phương pháp càng khó, hiệu lực càng cao. Tuy nhiên những phương pháp dễ không có nghĩa là không cần thiết. Chúng đóng vai trò chuẩn bị và hỗ trợ cho những phương pháp tốn nhiều công sức hơn.

 

            1/- Thỉnh nguyện thư (petition letter)

            Thỉnh nguyện thư là những lá thư gởi cho các dân cử của mình

            Thỉnh nguyện thư được gởi bằng cách:

-          email

-          gởi bằng bưu điện

-          gởi bằng fax

Một hình thức thỉnh nguyện khác là gọi điện thoại vào văn phòng các dân cử để nói lên những điểm chính yếu và tóm tắt trong thỉnh nguyện thư. Nội dung của thỉnh nguyện có thể rất đơn giản. Ví dụ: “Please say yes to HR 2833. Thank you.”

Phối hợp các cách thức thỉnh nguyện khác nhau, chúng ta có thể tăng hiệu quả nói chung. Chẳng hạn, đồng lúc gọi điện thoại cho các vị dân cử, thì chúng ta gởi thỉnh nguyện thư để giải thích rõ ràng hơn và nêu những lý do chính xác để yêu cầu vị dân cử bỏ phiếu cho đạo luật.

 

Trong những giai đoạn cần gởi thỉnh nguyện thư, các hội đoàn, ủy ban thường đưa các thư mẫu lên Internet, báo chí, hoặc tại trang nhà, quí vị chỉ cần in ra, thêm tên của vị dân cử, tên và địa chỉ của mình và gởi đi.

 

Đây là một phương pháp rất cần, nếu không có số đông vận động đồng loạt ở khắp các tiểu bang, đạo luật không hy vọng thành công. Mỗi người dân có 2 Thượng Nghị Sĩ và một Dân biểu.

 

Muốn biết tên và địa chỉ của các dân biểu và thượng nghị sĩ, qui vị chỉ cần nhớ 2 websites:

www.senate.gov

www.house.gov

 

            2/- Phương pháp thứ hai: Lập phái đoàn đến gặp phụ tá các dân biểu, thượng nghị sĩ địa phương mình.

 

Cuộc gặp gỡ có thể tại văn phòng của các vị dân cử ở Washington DC, hay tại các địa phương của họ.

 

Khi gặp gỡ, phái đoàn nên sửa soạn một trang “các điểm nói” (talking points) để trình bày một cách gãy gọn về đạo luật mà chúng ta muốn vận động, kèm với các tài liệu hỗ trợ cho từng điểm một. Điều này rất quan trọng vì nếu các vị dân cử không hiểu thì làm sao họ đồng ý giúp mình.

 

UBTDTG/VN luôn có những tài liệu vận động này. Nếu một nhóm quí vị nào muốn đến các văn phòng dân cử vận động, chúng tôi sẽ sẳn sàng cung cấp những tài liệu này đến quí vị.

 

Vận động tại văn phòng địa phương hay tại Washington DC đều hữu hiệu như nhau nếu chúng ta cùng hành xử cùng một mức độ.

 

Đã có lần chúng tôi được hỏi câu: “ vận động ở Washington DC thì có “Le” hơn vận động tại địa phương không? ”. Dể làm vừa lòng người hỏi, chúng tôi đã trả lời:  “Le” bằng nhau!

 

Thật ra vận động quốc hội là do tấm lòng của chúng ta đối với đất nước. Vận động quốc hội không có gì là “le”cả. Văn phòng các dân biểu, thượng nghị sĩ mở cửa hàng ngày. Bất cứ người dân nào, nhất là cử tri, muốn gặp, gọi hẹn là họ phải cho giờ tiếp, không phân biệt màu da, nghề nghiệp và bức thang giai cấp. Nghe nói trước đây, vấn đề vận động chưa được phổ cập trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Một nhân vật sau khi vào hạ viện vận động, khi trở về địa phương nổ vang theo kiểu, chỉ nhờ mình quen biết lớn nên mới vào được quốc hội! Thưa quí vị, cửa quốc hội luôn rộng mở, quí vị cứ tự do ra vào, chẳng cần phải đưa bằng lái xe để chứng minh; chỉ cần phải qua máy kiểm soát an toàn thông thường mà thôi.

 

            3/- Vận động hành lang toàn thời gian:

 

Một hội hay một ủy ban có thể thuê một nhân viên thường trực để vận động chính sách cho cộng đồng người Việt hải ngoại tại quốc hội. Công việc của người này gồm có:

-          nghiên cứu và cập nhật tình hình liên quan đến mục tiêu vận động

-          gởi các thông tin báo chí đến các văn phòng dân cử

-          đến vận động tại các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ

-          gọi điện thoại yêu cầu thúc hối các dân cử làm một việc gì, ví dụ: phản kháng bản án 3 người cháu Lm Nguyễn Văn Lý, đàn áp Phật Giáo VNTN ...

-          phối hợp các nỗ lực toàn vùng hay toàn quốc

Một người làm việc toàn thời gian như vậy rất cần thiết vì công cuộc vận động thường kéo dài và có những ngõ ngách bất ngờ, đòi hỏi sự theo dõi thường xuyên để nắm sát tình hình VN, liên tục cập nhật thông tin cho các văn phòng dân cử, và đối phó với những chiêu thức của đối phương. Thiếu một người như vậy chúng ta sẽ rơi vào tình trạng làm việc năm thì mười hoạ, thiếu liên tục, năng lực bị phân tán. Việc thường xuyên liên lạc sẽø phát triển mối quen biết cũng là cách tốt để tranh thủ cảm tình và sự hậu thuẫn của các vị dân cử.

 

Hiện nay UBTDTG/VN nhờ sự đóng góp của các vị mạnh thường quân, đã thực hiện được dự án này trên 3 tháng nay. Cô vận động viên bé nhỏ của chúng tôi tên Nguyễn Bích Quyên, tốt nghiệp cử nhân về thiết kế đô thị và chính trị học. Từ ngày có cô cộng tác toàn thời gian, công việc đã tiến triển hữu hiệu hơn nhiều. Đôi khi những việc cần theo dõi, tuy nhỏ nhưng vô cùng cần thiết; mà tất cả những người trong Ủy Ban ngoài trách nhiệm đối với dân tộc, còn mang cả nợ áo cơm, bận rộng sinh kế. Cũng nhờ một phần không nhỏ vào công sức làm việc toàn thời gian của cô mà chúng tôi đã tạo áp lực, qua quốc hội, đủ mạnh đối với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, làm cho họ phải lên tiếng chính thức nhiều lần về trường hợp 3 người cháu của LM Nguyễn Văn Lý, và đủ mạnh đối với Việt Nam để họ phải giảm án. Trong bước kế tiếp, cô Bích Quyên đang làm việc trực tiếp với cả hành pháp lẫn lập pháp Hoa Kỳ để đưa những người này thoát ra khỏi Việt Nam.

 

Chúng ta chắc chắn rất cần sự làm việc của cô về lâu về dài. Chúng tôi đã có đủ nửa năm lương cho cô. Nửa năm còn lại để cô hoàn thành nhiệm vụ là ở lòng rộng lượng của quí vị.

 

Để chứng minh sự cần thiết cho vai trò vận động hành lang toàn thời gian, xin thưa Do Thái là cộng đồng có đông vận động viên tại quốc hội nhất. Cuba cũng có nhiều vận động viên hành lang. Cách đây 2 năm, Tổng Thống Bush phải hỏi ý kiến cộng đồng Mỹ gốc Cuba trước khi làm chính sách đối với đất nước Cuba. Còn đối với Việt Nam, khi nối lại bang giao với CSVN, ký kết thương ước Việt Mỹ, có ai hỏi ý kiến cộng đồng Việt Nam không? Tại sao? Cộng đồng của chúng ta đông nhưng không mạnh. Vì cho đến thời điểm đó, cộng đồng chưa có một vận động viên toàn thời gian.

 

            4/- Vận động giai đoạn “hư không”!

 

Chúng ta thường nghe: DB Christopher Smith là tác giả đạo luật nhân quyền cho Việt Nam, DB Frank Wolf là tác giả đạo luật Tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ... Các vị này đã bước vào đạo luật trong thời kỳ hư không. Để qua nhiều giai đoạn đạo luật được thành lập, được thông qua tại quốc hội và được thi hành. Tuy nhiên, ít ai biết rằng giữa giai đoạn hư không đến lúc các dân biểu nhận lãnh trách nhiệm là cha đẻ đạo luật, nhất là các đạo luật liên quan đến VN, cần có những người có lòng và có khả năng để làm đầu cầu:

            - cung cấp các tin tức chính xác

            - đề nghị kế sách và thời điểm

            - thuyết phục các vị dân cử rằng đây là việc đáng làm

            - và đôi khi còn phải phụ viết cho các vị này phần ngôn ngữ của đạo luật.

Văn phòng các vị dân cử thường vô cùng bận rộn.  Do phải hoàn tất nhiệm vụ đối với cử tri địa phương và phải chăm lo các vấn đề quốc gia, thường họ không muốn hay không có thì giờ để gánh thêm việc mới. Nếu chúng ta không tạo điều kiện và không phụ họ, và đôi khi còn phải chủ động, thì dù có lòng họ cũng không thể giúp đỡ chúng ta. Đây là giai đoạn quan trọng nhất nhưng ít người biết, và trong giai đoạn này, chúng ta chỉ cần một ít người nắm rõ đường đi nước bước, có mối quen biết đặc biệt với các dân cử, âm thầm dọn đường cho đạo luật.

 

Một trong những người đã đóng vai trò này cho cộng đồng VN trong nhiều năm qua là TS Nguyễn Đình Thắng. Ông đã là người đi từ giai đoạn hư không của các đạo luật: nhân quyền cho VN, chôáng cưỡng bách hồi hương thuyền nhân, duy trì và thành lập các chương trình tị nạn trực tiếp từ Việt Nam, chọn mời các thành phần phản kháng tham gia chương trình trao đổi với Hoa Kỳ, tự do tôn giáo quốc tế, bảo vệ nạn nhân buôn người, quốc tịch cho các con lai, v.v.

 

Trong tình thế của đất nước VN hiện nay, một Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng thật quá ít ỏi cho giai đoạn này. Chúng ta cần có 5, 10 người như thế.

 

Xin kêu gọi những người trẻ, có khả năng, nên tập làm quen với các văn phòng dân cử; đặc biệt tại những vùng đông cư dân Việt Nam như Cali, Texas... để tạo ảnh hưởng, hoàn thành những đạo luật trong giai đoạn hư không này. Nếu quí vị muốn tìm hiểu về đường đi nước bước trong việc vận động, chúng tôi tin rằng TS Nguyễn Đình Thắng sẽ sẵn sàng hợp tác cùng quí vị.

 

            5/- Vận dộng điều trần quốc hội:

Điều trần tại quốc hội là một trong những phương pháp thật tốt để vận động đạo luật cũng như những vấn đề chúng ta cần thông tin sâu rộng.

 

Chắc quí vị còn nhớ biến cố năm 2001, khi Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo vận động để Lm Nguyễn Văn Lý và TT Thích Thái Hòa điều trần trước quốc hội ngày 13-2

 

Trước ngày này, quốc hội Hoa Kỳ và ngay cả cộng đồng VN biết rất giới hạn tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Sau buổi điều trần này, kiến thức về TDTG tại quốc hội và hành pháp thăng tiến hơn nhiều. Và từ đó chúng ta mới được những vị dân cử yểm trợ  những tranh đấu ngoạn mục cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt:

            - Điều trần (testimony) và tường trình (briefing) có hai ý nghĩa và hữu hiệu hoàn toàn khác nhau.

 

Điều trần như đi xe hơi. Tường trình như là đi bộ. Đi bộ không có gì xấu, nhưng giá trị hữu hiệu thì ít hơn nhiều. Có nhiều tổ chức, chắc chắn biết sự khác biệt này, nhưng vẫn dùng chữ “điều trần” cho những “briefing”...

 

Theo chúng tôi, muốn chiến thắng CS (gồm những thành phần dối trá), chúng ta phải thành thật cho chính mình và cho mọi người.

 

            6/- Lập phái đoàn chuyên viên quốc hội đến VN để tham sát tình hình

 

Xin được giới thiệu cùng quí vị một phương pháp đặc biệt để vận động đạo luật nhân quyền trong tình thế hiện tại.

 

Trước tình hình sôi động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) cùng những đàn áp thô bạo của CSVN đối với tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung, chúng ta cần gởi một tín hiệu cho chính quyền Việt Nam nhận thức rằng nhất cử nhất động của họ đều bị những người yêu chuộng tự do trên thế giới theo dõi chặt chẽ. Vì vậy họ phải tự thay đổi; nếu không họ sẽ bị thay đổi và đào thải.

 

Cũng trong mục đích đó, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), đài TIếng Nói Việt Nam Hải Ngoại (VPR), và Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam (CRFV) cùng phối hợp thành lập một phái đoàn gồm các chuyên viên chính thức về tự do tôn giáo và nhân quyền thuộc các văn phòng dân biểu, thượng nghị sĩ, và Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Của Hoa Kỳ (USCIRF) đến Việt Nam điều tra tình hình cũng như thăm hỏi các vị lãnh đạo tinh thần và các nhà tranh đấu cho nhân quyền đang bị giam giữ và quản chế.

 

Sự hiện diện của phái đoàn không những sẽ gây phấn khởi cho các giáo hội và những ai tranh đấu cho nhân quyền ở trong nước mà còn là sức mạnh giúp Đạo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam được thông qua.

 

Cho đến ngày hôm nay, phái đoàn gồm có:

-          Ông George Phillips: thuộc VP/DB Christopher Smith

-          Cô Hannah Royal: VP/TNS Sam Brownback

-          Cô Dafna Hochman: VP/TNS Frank Lautenberg

-          TS Scott Flipse: chuyên viên đặc trách tình hình tôn giáo tại VN của USCIRF

 

Chúng tôi cũng đang vận động thêm một số nhân viên của hành pháp và lập pháp.

 

Phái đoàn sẽ khởi hành 5 tháng 1, 2004 và về lại Hoa Kỳ 15 tháng 1,2004.

Phái đoàn sẽ tiếp xúc rộng rãi với mọi thành phần lãnh đạo tôn giáo và đấu tranh nhân quyền, chẳng hạn như:

HÀ NỘI:

      - LM Nguyễn Văn Lý

      - Lê Chí Quang

      - Phạm Hồng Sơn

      - Nguyễn Khắc Toàn

      - Nguyễn Vũ Bình

      - Trần Dũng Tiến

      - Phạm Quế Dương ...

HUẾ:

      - TT Thích Thiện Hạnh

      - LM Phan Văn Lợi

      - LM Nguyễn Hữu Giải

 

SAIGON:        

            - HT Thích Quảng Độ

      - TT Thích Tuệ Sĩ

      - TT Thích Trí Lực

      - Ông Trần Hữu Duyên (Hòa Hảo)

      - MS Nguyễn Hồng Quang

      - BS Nguyễn Đan Quế

 

Sau khi phái đoàn về lại Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ thúc đẩy để quốc hội tổ chức một buổi điều trần mà người điều trần là chính các nhân viên quốc hội này. Đây là một vận động rất hữu hiệu không những cho tu chính án nhân quyền, đòi hỏi đặt VN vào danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt, và chắc chắn kết quả của chuyến đi còn  được áp dụng cho những dự án trong tương lai.

 

KẾT LUẬN

 

Có rất nhiều phương pháp vận động các đạo luật từ dễ đến khó. Từ hiệu quả ít đến hiệu quả nhiều. Tuy nhiên phương pháp nào cũng có ích lợi riêng. Nếu chúng ta mạnh ở những phương pháp khó khăn, nhưng lại yếu ở những phương pháp căn bản cần dùng số đông như gởi thỉnh nguyện thư, gọi vào các văn phòng dân cử, cuộc vận động của chúng ta chưa chắc đã thành công.

 

Từ đó, theo chúng tôi, chúng ta cùng cố gắng trong khả năng và hoàn cảnh của mỗi người. Ít nhất trong mỗi chúng ta, cũng như khuyến khích bạn bè và gia đình thực hiện phương pháp gởi thỉnh nguyện thư bằng cách lấy ra từ mạng lưới toàn cầu, chụp nhiều bản sao cho mọi người.

 

Riêng cộng đồng VN, 28 năm qua chúng ta chưa hề có được một vận động viên toàn thời gian. Bích Quyên là cô vận động viên đầu tiên và duy nhất mà cộng đồng có được nhờ vào sự đóng góp của các ân nhân của UBTDTG/VN. Sự đóng góp này còn nhiều giới hạn và không biết chúng ta có thể duy trì công việc cho Bích Quyên đến ngày nào.

 

Cộng đồng VN thường hào phóng cho những công tác có vẻ hình thức nhưng thường quên những công tác hữu hiệu nhưng không có tính cách phô trương.

 

Cho đến khi nào chúng ta học được cái thực tế của người Mỹ hoặc dung hòa giữa hữu hiệu và phô trương thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

 

Kính thưa quí vị,

 

Tiền bạc danh vọng rồi sẽ qua đi; chỉ có những hoạt động hữu hiệu làm thăng hoa đất nước mới tồn tại cùng lịch sử muôn đời. Trong quan niệm “ Đời sống sẽ ý nghĩa và trọn vẹn hơn khi ta có tình yêu dất nước”, ước mong quí vị đồng ý hợp tác và yểm trợ chúng tôi trong công tác cần thiết này.

 

Trân trọng kính chào quí vị

 

 

 

 

 


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]