Nhân quyền tại Việt Nam theo phúc trình của Ân xá Quốc tế


24.5.2006

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Ba tại Washington, Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International đã công bố bản phúc trình thường niên về tình trạng luật pháp, hình phạt và những sự trù dập xảy ra trên thế giới suốt năm qua. Lê Dân lược thuật những đọan liên quan đến Việt Nam. Toàn văn, xin quý thính giả truy cập vào trang internet "web.amnesty.org" của tổ chức này và có thể đọc bằng chữ Ảrập, Trung Quốc, Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

Mở đầu phần nói về Việt Nam tại trang 280 của bản phúc trình, Tổ chức Ân xá Quốc tế viết rằng "các quyền tự do bày tỏ, hội họp và tôn giáo vẫn tiếp tục bị nhà cầm quyền giới hạn. Dù rằng có một số đáng kể những tù nhân được đặc xá, những người bất đồng chính kiến vẫn còn ở trong tù. Tình hình nhân quyền tại Tây Nguyên và sự giao thông đến vùng đó bị giới hạn vẫn còn tiếp tục gây quan ngại. Hơn 180 người thiểu số vẫn còn bị tiếp tục giam cầm suốt năm 2005, và ít nhất là 45 người được xem là không được xét xử công minh".

Bản phúc trình viết thêm rằng trong năm qua "có ít nhất là 65 bản án tử hình đã được tuyên và 21 vụ hành quyết đã xảy ra tại Việt Nam".

Việt Nam trong năm vừa qua đã trả tự do cho hơn 26,500 tù nhân qua ba đợt đặc xá nhân các ngày lễ lớn, trong số đó có 8 tù nhân lương tâm. Tuy nhiên những cựu tù nhân tôn giáo và chính trị sau khi được thả vẫn phải chịu nhiều sự giới hạn khác nhau và thường bị xách nhiễu.

Hồi tháng Ba năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về Trật tự Xã hội, giới hạn nghiêm ngặt mọi sự tụ tập công cộng và quy định rõ là phải cần được phép của nhà cầm quyền. Đến tháng Bảy, lại có thêm những quy định mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn việc truy nhập mạng Internet.

Khi trả lời phóng viên đài Á châu Tự do, ông T. Kumar, giám đốc phân bộ Á châu của Tổ chức Ân xá Quốc tế ở văn phòng tại Washington DC cho biết: Trọng điểm chủ yếu là đàn áp tôn giáo vẫn tiếp tục, và áp bức các sắc tộc thiểu số trên các vùng cao. Ngoài ra, việc sử dụng Internet, tức một phần của tự do thông tin, cũng bị giới hạn chặt chẽ...

Bản phúc trình thường niên của Tổ chức Ân xá Quốc tế viết rõ là có ít nhất 45 thành viên của cộng đồng người Thượng thiểu số bị kết án tù dài lâu trong năm 2005. Họ bị quy trách nhiệm về những vụ biểu tình hồi năm 2001 và tháng Tư năm 2004 phản đối việc bị cướp đất đai và không được tự do tôn giáo, cũng như vì đã trợ giúp đồng bào họ vượt biên sang Cambodia. Con số người này trong thực tế được xem là còn cao hơn nhiều.

Bất chấp việc lui tới vùng Tây Nguyên và quyền tự do thông tin bị giới hạn nghiêm ngặt, những tin tức về bắt bớ, ngược đãi và cưỡng bách chối bỏ niềm tin tôn giáo vẫn tiếp tục xuất hiện. Chính hoàn cảnh nhân quyền thiếu thốn đó đã xô đẩy người Thượng Việt Nam tìm đường sang Cambodia lánh nạn.

Về quyền tự do chính trị, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết những người bất đồng chính kiến với Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục bị giam cầm dưới tội danh gián điệp do chia sẻ tin tức và bày tỏ chính kiến của họ qua Internet. Điển hình như các ông Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn và Phạm Hồng Sơn.

Về quyền tự do tôn giáo, Nhà nước vẫn cố tìm cách kiểm soát chặt chẽ các sinh hoạt tâm linh của người dân, bất chấp việc một số vị lãnh đạo tinh thần được trả tự do và việc chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn cho việc đăng ký sinh hạt tôn giáo thuận lợi hơn.

Các thành viên thuộc những nhóm tôn giáo mà Nhà nước xem là không đi cùng hướng với chủ trương, chính sách, đều bị xách nhiễu, bắt bớ hay giam cầm, tài sản của những giáo hội đó bị tịch thu hay tiêu hủy.

Nói chung thì tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn chưa có gì tiến bộ hơn những năm trước, theo nhận xét của Tổ chức Amnesty International.

Đến đây chúng tôi xin thưa thêm là bản phúc trình vừa công bố của tổ chức này năm nay còn đưa ra nhiều mặt mới, thẳng thắn chỉ trích nhiều nước lớn. Chẳng hạn như việc viện dẫn chống khủng bố, mà Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập, Nga, Colombia, Uzbekistan cùng một số nước khác xâm phạm những quyền tự do cơ bản của con người.

Trong buổi công bố bản phúc trình tại Luân Đôn hôm thứ Ba, bà Irene Khan, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết điển hình qua nhà tù Guantanamo ở Cuba, Hoa Kỳ đã khiến cho những nước như Trung Quốc, Ai Cập... cảm thấy là họ cũng có thể xâm phạm nhân quyền người khác dưới danh nghĩa là bảo vệ an ninh quốc gia.

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]