Việt Nam: Quyền đi lại của các nhà hoạt động bị cản trở

Cần chấm dứt việc tùy tiện ngăn cản các nhà bất đồng chính kiến trên toàn quốc

 

HRW | February 17, 2022 

(Bangkok) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định trong bản phúc trình công bố ngày hôm nay rằng chính quyền Việt Nam cản trở một cách có hệ thống quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền. Nhà cầm quyền cần ngay lập tức chấm dứt mọi hạn chế đối với quyền đi lại và sửa đổi các điều luật có nội dung cản trở quyền tự do cơ bản của công dân trong việc đi lại trong nước và nhập, xuất cảnh Việt Nam.

Bản phúc trình dài 66 trang, với tiêu đề “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam,” ghi nhận các vụ vi phạm thường xuyên của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác bằng cách buộc các nhà hoạt động, các nhà bất đồng chính kiến, những người bảo vệ nhân quyền và những người khác phải chịu quản thúc tại gia vô thời hạn, sách nhiễu và nhiều hình thức câu lưu khác. Chính quyền câu lưu các nhà hoạt động trong thời gian vừa đủ lâu để ngăn họ không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hình sự hay cuộc gặp với các nhà ngoại giao và tổng thống Mỹ, cũng như nhiều sự kiện khác nữa.

“Chính quyền Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị, khiến các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến luôn phải đối mặt với rủi ro thường trực,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nhà cầm quyền áp dụng các chiến thuật lạm dụng nhân quyền như quản chế các nhà hoạt động tại gia vô thời hạn, câu lưu khi họ rời khỏi nhà, và cấm xuất cảnh trên cơ sở các lý do an ninh quốc gia ngụy tạo.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã lập hồ sơ các vụ cản trở một cách có hệ thống đối với hơn 170 nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến, cùng với người thân của họ trong việc đi lại trong nước và quốc tế, bao gồm cả các vụ chặn giữ ở sân bay và cửa khẩu, cũng như từ chối cấp hộ chiếu hay các giấy tờ khác để họ đủ điều kiện xuất cảnh hay nhập cảnh. Nhà cầm quyền Việt Nam đã thực hiện hình thức trừng phạt tập thể, áp đặt cả việc quản thúc tại gia và lệnh cấm xuất nhập cảnh đối với người thân trong gia đình một số nhà hoạt động nhân quyền.

Các trường hợp được xem xét liên quan tới các vụ cản trở quyền đi lại từ năm 2004 đến năm 2021, dựa trên các tin tức báo chí độc lập, thông tin đăng tải trên mạng xã hội, blog độc lập và các trang mạng trong và ngoài nước Việt Nam, và trao đổi riêng với các nạn nhân, gia đình họ và các nhân chứng.

Nhà cầm quyền đã áp dụng nhiều phương pháp để kiềm tỏa người dân tại gia, như cử các nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào của người bất đồng chính kiến bằng khóa ổ, thậm chí đổ keo đa năng vào các ổ khóa, dựng rào chắn và các chướng ngại vật, và huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân.

Tháng Giêng năm 2021, nhà cầm quyền Việt Nam quản chế tại gia một nhà vận động nhân quyền, bà Nguyễn Thúy Hạnh, suốt 10 ngày trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam. Bà viết trên trang Facebook của mình: “Đã điều bao nhiêu quân đội về Hà Nội để bảo vệ Đại hội Đảng, mà nhà cầm quyền vẫn chưa yên tâm, thản nhiên tước quyền đi lại của những công dân không phạm pháp chúng tôi bằng việc dùng công an nhốt chúng tôi ở trong nhà suốt kỳ đại hội.”

Tháng Năm năm 2016, các nhân viên an ninh kéo ông Nguyễn Quang A vào trong một chiếc xe và lái đưa ông đi lòng vòng để ngăn không cho ông đi dự cuộc gặp mặt với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mà ông là một khách mời. Trong một số vụ việc, nhân viên an ninh cưỡng chế các nhà hoạt động lên tàu hỏa hoặc máy bay để buộc trở về nơi cư trú.

Các nhà hoạt động và blogger cũng thường xuyên bị câu lưu tại gia trong các dịp lễ kỷ niệm nhạy cảm, như các ngày quốc lễ của Việt Nam, các ngày kỷ niệm các vụ xung đột giữa Việt Nam với Trung Quốc, và các ngày lễ quốc tế, trong đó có ngày Quốc tế Nhân quyền, mồng 10 tháng Mười hai.

Các sự kiện chính trị, như Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam và các cuộc gọi là bầu cử Quốc Hội cũng thường dẫn đến các vụ đàn áp và kiềm tỏa. Các vị thượng khách nước ngoài cũng mang đến nguy cơ kiềm tỏa, trong đó có các chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton năm 2000, Barack Obama năm 2016 và Donald Trump vào tháng Mười một năm 2017 và tháng Hai năm 2019 trong Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim Jong Un. Nhà cầm quyền cũng ngăn cản các nhà hoạt động gặp gỡ với các chuyên gia nước ngoài của Liên Hiệp Quốc hay các tổ chức khác tới thăm Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Vì cách thức cản trở đi lại nói trên của chính quyền Việt Nam đã quá phổ biến, một số nhà hoạt động tìm cách khỏi nhà trước sự kiện sắp tới và tạm trú ở một nơi kín đáo. Tuy nhiên, an ninh vẫn thường phát hiện và ngăn chặn được họ.

“Chính quyền Việt Nam hiển nhiên coi việc một số người đi dự các sự kiện nhân quyền hay tự do tôn giáo, hoặc gặp gỡ các quan chức nước ngoài tới thăm Việt Nam là hành vi phạm tội,” ông Robertson nói. “Nhà cầm quyền Việt Nam cần ngay lập tức chấm dứt quản thúc tại gia và các hành vi cản trở việc đi lại của các nhà vận động nhân quyền.”

Nhà cầm quyền Việt Nam cũng thường xuyên cản trở các nhà hoạt động xuất cảnh hay nhập cảnh Việt Nam. Công an thường chặn hành khách tại sân bay hay cửa khẩu. Có người bị từ chối không cho nhập cảnh dù mang hộ chiếu Việt Nam.

Nhà cầm quyền Việt Nam tỏ ra quá nhạy cảm với khả năng các nhà hoạt động gặp gỡ các quan chức nước ngoài hay những người bất đồng chính kiến đang lưu vong đến nỗi cấm luôn họ xuất cảnh trong những chuyến đi với mục đích cá nhân, như đi du lịch hay tháp tùng người thân đi nước ngoài chữa bệnh.

Chính quyền không công bố danh sách cấm xuất nhập cảnh hay thông báo cho những người có tên trong danh sách biết việc họ bị cấm, hoặc thông báo cho họ biết thời hạn cấm là bao lâu. Các nhà hoạt động và blogger có thể chỉ biết được các điều đó khi bị công an chặn ở sân bay hay cửa khẩu. Trong một số trường hợp, người dân chỉ biết được mình bị ở trong danh sách cấm khi xin gia hạn hay xin cấp hộ chiếu.

Tại các sân bay và cửa khẩu, nhân viên an ninh đôi khi nói với các nhà hoạt động và blogger rằng họ không thể xuất cảnh vì những lý do an ninh quốc gia chung chung. Trong các trường hợp khác, người bị cấm được thông báo rằng lệnh cấm là theo yêu cầu của công an một thành phố hay tỉnh nào đó, hay một phòng ban cụ thể trong Bộ Công An. Trong một số trường hợp, công an còn tịch thu luôn hộ chiếu.

Cho dù những vi phạm nhân quyền cơ bản nói trên là rất nghiêm trọng, hầu hết các nạn nhân đều không có cơ hội khiếu nại, như đã quy định trong công pháp quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên, một vài người đã cố gắng phản kháng lại chế độ độc đảng đầy quyền lực ở Việt Nam và thách thức tính hợp pháp của các hành vi ngược đãi nhằm vào họ - một việc đầy khó khăn và thường bất khả thi tại hệ thống tòa án của Việt Nam do Đảng Cộng sản kiểm soát.

“Các nhà vận động nhân quyền Việt Nam phải đối mặt với sự đàn áp nặng nề của chính quyền chỉ vì họ dám tổ chức hay tham dự các sự kiện, hoặc tìm cách đi lại để làm việc của mình,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần nhận thức được sự cản trở đối với quyền tự do đi lại đang diễn ra hàng ngày và gây sức ép để chính quyền Việt Nam chấm dứt cách hành xử gây tê liệt người dân như thế.”

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]