Tổng thống hãy thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam

 

 Dân Biểu Ed Royce

 (Ðơn Vị 40, California)

Người dịch: Nguyễn Hà Sơn

20. 6. 2007

 

LTS.- Bài ý kiến dưới đây do Dân Biểu Ed Royce viết nhân dịp Chủ Tịch Nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đi thăm chính thức Hoa Kỳ. Dân Biểu Ed Royce đã có nhã ý dành bài này đặc biệt cho báo Người Việt đăng trong số báo hôm nay, 21 Tháng Sáu, trùng ngày Dân Biểu Ed Royce sẽ gặp phái đoàn Việt Nam tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Báo Người Việt xin cám ơn Dân Biểu Ed Royce và xin giới thiệu với quý độc giả.

 

Lần đầu tiên kể từ khi chính phủ của miền Nam Việt Nam sụp đổ, một chủ tịch nước của Việt Nam sẽ tới viếng Tòa Bạch Ốc. Ðược Tổng Thống Bush đưa ra lời mời trong chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Tháng Mười Một năm ngoái, Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết chắc chắn sẽ quảng cáo về sự tiến triển kinh tế mà nước ông đã thực hiện, và sẽ thúc đẩy sự hợp tác xa hơn giữa hai nước. Tuy rằng Việt Nam đã thực hiện những cải tổ kinh tế, nhưng điều này chỉ là một phần của câu chuyện. Những người bất đồng chính kiến vẫn thường xuyên bị bịt miệng, và tự do tôn giáo bị đàn áp một cách có hệ thống. Tổng Thống Bush có bổn phận nêu lên những vấn đề này trong thời gian Chủ Tịch Triết tới viếng thăm.

Kể từ đầu năm nay, những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đã gia tăng. Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã mô tả tình trạng hiện thời ở Việt Nam như là “một trong những chiến dịch đàn áp tệ hại nhất nhắm vào những người phản kháng ôn hòa trong vòng 20 năm.” Trong ba tháng vừa qua, các viên chức Việt Nam đã tái diễn những hành động sách nhiễu đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo, với những người bất đồng chính kiến, và những người tranh đấu thuộc giới sinh viên. Tuy nhiên, quý vị sẽ không nhận ra những chuyện đó qua những ngôn từ hoa mỹ của Chủ Tịch Triết - gần đây ông ta đã mô tả những dị biệt của chúng ta về nhân quyền là “chuyện nhỏ” so với những quyền lợi chung giữa hai nước. Có lẽ Chủ Tịch Triết cần được nhắc nhở về trường hợp của ông Lê Quốc Quân, người đã bị bắt giữ hôm mùng 8 Tháng Ba, chỉ bốn ngày sau khi trở về Việt Nam từ một cuộc khảo cứu với tổ chức bảo vệ dân chủ National Endowment for Democracy (NED) ở Washington. Vụ bắt giữ ông Quân chắc hẳn không phải là một hành động để bày tỏ những giá trị chung giữa hai nước.

Nạn đàn áp tôn giáo ở Việt Nam là chuyện xảy ra thường xuyên. Công an Việt Nam gần đây đã bắt giữ vài người vận động dân chủ và người phản kháng thuộc Giáo Hội Công Giáo, trong số đó có Linh Mục Thadeus Nguyễn Văn Lý. Cha Lý, một người phản kháng ôn hòa, đã bị bắt giữ vì “có những hành động tuyên truyền có hại cho an ninh quốc gia.” Các tu sĩ Phật Giáo vẫn tiếp tục bị cầm tù và bị thẩm vấn vì họ thuộc vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị nhà nước cấm hoạt động. Khi tôi tới Việt Nam, tôi đã có dịp gặp Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ trong khi ngài đang bị quản thúc tại gia, cùng với các nhà lãnh đạo Phật Giáo khác, và tôi có thể làm chứng cho tình trạng bị áp bức một cách thảm thương của họ. Các mục sư Tin Lành vẫn còn tiếp tục chịu những áp lực chính trị từ chính phủ Cộng Sản Việt Nam.

Chắc là Việt Nam sẽ thả một số tù nhân lương tâm trước khi có chuyến viếng thăm của Chủ Tịch Triết. Một số người sẽ bảo rằng đó là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang tiến nhanh tới một xã hội tự do hơn về chính trị. Nhưng chúng ta chỉ nên coi đó là những hành động trình diễn bề ngoài. Cộng đồng người Việt ở quận Cam - và thật ra là trên toàn quốc Hoa Kỳ - chắc chắn sẽ không bị lừa phỉnh bởi những hành động bày biện cửa tiệm như vậy.

Gần đây Chủ Tịch Triết đã mô tả chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông ta như là một dịp để củng cố “tình hữu nghị và sự hợp tác đa diện” giữa hai nước. Quả thật, Hoa Kỳ và Việt Nam đã thi hành những biện pháp đáng kể để mong tiến tới một mối bang giao bình thường; nhưng hiện trạng ở Việt Nam vẫn chưa thể chấp nhận được. Nếu chúng ta sẵn lòng củng cố tình hữu nghị với Việt Nam, như Chủ Tịch Triết mong muốn, thì Việt Nam cần phải thực thi chính sách đa nguyên chính trị trong tất cả mọi hình thức. Bịt miệng những người bất đồng chính kiến và đàn áp tự do tôn giáo không phải là những đường lối để tiến tới sự hợp tác chặt chẽ hơn.

Trong những cuộc thảo luận của họ, Tổng Thống Bush và ông Triết chắc hẳn sẽ bàn về liên hệ mậu dịch ngày càng gia tăng giữa hai nước. Và quả thật như vậy, mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang nở rộ. Từ năm 2001 tới năm 2005, nó đã tăng hơn gấp năm lần, tiến từ 1.4 tỉ đô la mỗi năm lên hơn 7.6 tỉ đô la. Tuy sự gia tăng về mậu dịch và đầu tư không bảo đảm sẽ gia tăng tự do chính trị, nhưng nó cũng có ích. Tôi tin rằng các cơ sở kinh doanh của người Mỹ ở Việt Nam sẽ khiến cho sự cải tổ tiến nhanh hơn, nhưng chúng ta cần những gì nhiều hơn nữa.

Bằng cách công khai nêu ra với Chủ Tịch Triết về những vi phạm nhân quyền trong thời gian ông này viếng thăm Hoa Kỳ, Tổng Thống Bush sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ cho nhà cầm quyền Việt Nam rằng những mối liên hệ trong tương lai của chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng lớn lao từ cách đối xử của họ với dân chúng. Những người bất đồng chính kiến sẽ nghe những lời tuyên bố của Tổng Thống Bush qua Ðài Phát Thanh Á Châu Tự Do (RFA), là cơ quan mà từ lâu tôi đã ủng hộ, và sự chỉ trích công khai về những vi phạm nhân quyền sẽ đem lại nhuệ khí rất cần thiết cho những người bất đồng chính kiến đang tranh đấu cho tự do. Tổng Thống Bush có thể thực hiện được điều đó.

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]