LÀM CÁCH NÀO ĐỂ CẢI TIẾN NHÂN QUYỀN VÀ DÂN CHỦ TẠI VIỆT NAM 

Nguyễn Thanh Trang

 

Lời Tòa Soạn.  Diễn Đàn Thế Giới về Dân Chủ tại Á Châu (World Forum for Democracy in Asia) đã được tổ chức lần đầu tiên tại Đài Bắc trong hai ngày 16 và 17 tháng 12 năm 2004 vừa qua với sự tham dự của 30 nhà đấu tranh Nhân Quyền và Dân Chủ từ nhiều quốc gia trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Phái đoàn Việt Nam gồm có ba người, từ Pháp sang có Giáo Sư Võ Văn Ai và Cô Ỷ Lan, Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Uy Ban Quyền Làm Người tại Paris, và từ Hoa Kỳ có Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. Sau đây là bản chuyển ngữ tiếng Việt từ bài tham luận bằng Anh Ngữ đã được GS Trang trình bày tại Đại Hội trong ngày 16-12-2004.

 *     *    *

 Những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đã được ghi nhận đầy đủ bởi các tổ chức có uy tín như Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), An Xá Quốc Tế (Amnesty International), Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Without Frontiers) và Cao Uỷ Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commission for Human Rights). Kể từ 1945, năm này qua năm khác, những quyền này đã bị vi phạm một cách liên tục và có hệ thống, không phải chỉ là những hành động đơn lẻ do các cán bộ cấp dưới, mà bởi toàn bộ hệ thống của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vì đó là chính sách của nhà nước.

 

SƠ LƯỢC VỀ TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ VÀ NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM.

 TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ

 Việt Nam hiện nay hãy còn là một quốc gia độc tài, do đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) độc quyền cai trị và kiểm soát. Như lịch sử đã nhiều lần chứng minh, chính quyền do một thiểu số điều khiển và đa số không có quyền tham dự, thường đưa đến lạm quyền và tham nhũng. Việt Nam hiện thời cũng không phải là một ngoại lệ của định luật đó. Chính quyền này đã liên tiếp theo đuổi một chính sách đe dọa, cầm tù, sách nhiễu, và bạo động để loại trừ những phần tử bất đồng chính kiến dù là ôn hòa.

 Hiến pháp của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, được soạn thảo và phê chuẩn bởi không ai ngoài các lãnh tụ của Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), đã bảo đảm ưu thế của Đảng trên mọi phương diện của cuộc sống. Hiến pháp này còn dành cho Đảng CSVN quyền hạn tuyệt đối đối với dân chúng và quốc gia. Ngoài Điều 4 của Hiến Pháp xác định quyền tối thượng của Đảng CSVN, Điều 9 còn dành cho Đảng CSVN toàn quyền kiểm soát tất cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp.

 Hơn nữa, nhà cầm quyền Việt Nam còn có thể ban hành các nghị định phản dân chủ như Nghị Định 31/CP cho phép các lực lượng cảnh sát và an ninh ở cấp địa phương được bắt giữ và giam cầm bất cứ người nào mà không cần xét xử cho tới 2 năm vì "lý do an ninh".

 Chính quyền Việt Nam không chấp nhận sự phản đối hay thách thức công khai nào về tính cách chính thống của Quốc Gia độc đảng. Chính quyền cấm đoán các tổ chức chính trị, lao động và xã hội có tính cách độc lập. Chính quyền bắt giữ, giam cầm và bỏ tù bất cứ người nào phát biểu, dù ôn hòa, những quan điểm bất đồng về tôn giáo và chính trị. Nạn nhân của họ gồm có Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, Giáo Sư Nguyễn Đình Huy, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Bác Sĩ phạm Hồng Sơn, ký giả Nguyễn Vũ Bình, nhà văn Trần Dũng Tiến, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn và Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, cũng như nhiều người khác.

 TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN

 Nói chung, tình hình nhân quyền hiện nay tại Việt Nam rất tồi tệ. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu.

 1. Quyền Tự Do Cá Nhân. Không một công dân nào được bảo vệ an ninh và hưởng quyền riêng tư. Thư từ bị kiểm duyệt, bưu kiện bị khám xét, điện thoại bị nghe lén hoặc thu băng, Internet bị giới hạn và kiểm soát chặt chẽ. Nhà riêng có thể bị khám xét ban đêm và có thể bị bắt mà không cần có lệnh của tòa án.

 2. Quyền Lao Động.  Những quyền của công nhân bị giới hạn chặt chẽ đến độ các nghiệp đoàn công nhân độc lập đều bị cấm đoán, mặc dù những người cộng sản tự nhận rằng họ đại diện cho công nhân. Tổ chức lao động duy nhất hiện nay là Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam, do Đảng CSVN thành lập và điều hành, được xử dụng làm phương tiện để kiểm soát công nhân, chứ không phải để thăng tiến quyền lợi của họ. Luật Lao Động hiện hành cấm đoán đình công tại các xí nghiệp được quy định một cách mơ hồ là thiết yếu cho an ninh quốc gia và quốc phòng, trong khi một Nghị Định liên hệ ban hành ngày 29-8-1996, cấm đoán đình công tại 54 kỹ nghệ.

 3. Quyền Tự Do Phát Biểu.  Nhiều đạo luật và nghị định đã được ban hành để giới hạn một cách độc đoán quyền tự do phát biểu. Không một tư nhân nào được phép xuất bản nhật báo hoặc tạp chí, hoặc điều hành các đài phát thanh hoặc truyền hình. Trong khi quả quyết rằng có hơn 500 nhật báo và tạp chí đang được lưu hành chứng tỏ có tự do báo chí, nhà cầm quyền Hà Nội đã tuỳ tiện bỏ quên sự kiện là không một tờ báo nào thuộc quyền sở hữu hoặc được điều hành bởi tư nhân! Năm 1978 BS Nguyễn Đan Quế bị bắt và phạt tù 10 năm vì đã nói lên mối quan tâm của ông đối với những vi phạm nhân quyền của chính phủ. Năm 1990 ông lại bị bỏ tù 8 năm vì đã công bố một bản Tuyên Ngôn kêu gọi huỷ bỏ độc quyền cai trị của Đảng CSVN và nhìn nhận quyền tự quyết của dân tộc. Một trường hợp tồi tệ khác xảy ra vào tháng Giêng năm 1999 khi Trung tướng Trần Độ bị loại trừ khỏi Đảng vì ông chỉ trích nạn tham nhũng và sự thiếu dân chủ ở Việt Nam.

 4. Quyền Tự Do Tôn Giáo.  Tất cả các hoạt động tôn giáo đều bị giới hạn và kiểm soát một cách có hệ thống. Pháp Lệnh Tôn Giáo, có hiệu lực kể từ ngày 15-11-2004 còn đưa ra nhiều biện pháp để kềm kẹp và khống chế các giáo hội tôn giáo một cách khắc khe hơn nữa.

 -        Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật kể từ năm 1981. Chính quyền tịch thu một số cơ sở của Giáo Hội và ngược đãi các tu sĩ vì họ không chịu gia nhập các tổ chức Phật Giáo "quốc doanh". Trong hơn hai thập niên qua, CSVN đã giam giữ và quản chế các vị lãnh đạo cao cấp của Phật Giáo, như  H.T. Huyền Quang, H.T. Quang Độ, T.T. Tuệ Sỹ, và nhiều tăng ni khác.

 -      Phật Giáo Hòa Hảo và Đạo Cao Đài tại Việt Nam cũng cùng chung số phận như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nạn nhân lẫy lừng thế giới là Cụ Lê Quang Liêm, Hội

 Trưởng Ban Trị Sự Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo đã từng bị CSVN cầm tù và quản chế  trong nhiều năm.

-        Giáo Hội Công Giáo phải tiếp tục đối phó với sự hạn chế trong việc huấn luyện và phong chức các linh mục và giám mục, kết quả là sự thiếu hụt hàng tu sĩ để phục vụ số lượng tín đồ Công Giáo ngày một gia tăng tại Việt Nam. Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã bị kết án tù trong một phiên xử kín năm 2001, sau khi ông công khai chỉ trích sự đàn áp tôn giáo của chính quyền Việt Nam.

 -       Đạo Tin Lành bị ngăn cấm ráo riết. Trong tuần lễ Phục Sinh tháng Tư năm 2004, hàng ngàn người Thượng theo đạo Tin Lành tập họp để phản đối sự ngược đãi của chính quyền Việt Nam đối với họ, gồm có việc tịch thu đất đai và sự hạn chế các hoạt động tôn giáo của họ. Các cuộc biểu tình đã bị CSVN đàn áp khốc liệt, đưa đến thảm cảnh nhiều người bị bắt giữ hoặc bị đả thương, và hàng chục người bị giết chết. Gần đây nhất, ngày 12-11-2004, Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, Tổng Thư Ký Hội Thánh Tin Lành Mennonite cũng đã bị bắt giam và kết án 3 năm tù chỉ vì đã đòi quyền tự do hành đạo và bênh vực các nạn nhân đã bi CSVN vi phạm nhân quyền của họ.

5. Quyền Tự Do Hội Họp.  Tất cả các cuộc hội họp đều phải có giấy phép, và những hội họp chính trị đều bị cấm đoán nghiêm ngặt. Bất cứ sự phản đối nào, dù ôn hòa hay chính đáng, đều có thể bị CSVN thẳng tay trừng trị. Một thí điễn hình là vụ lực lượng an ninh đã đàn áp dã man đám nông dân biểu tình từ xã Kim Nở, vùng ngoại ô Hà Nội. Họ biểu tình phản đối quyết định của chính quyền chiếm đoạt ruộng đất của họ để bán cho những người ngoại quốc làm sân golf. Vụ đàn áp này đã làm một phụ nư thiệt mạng, nhiều người bị thương, và hầu hết các người cầm đầu biểu tình đã bị cầm tù.

 6. Quyền Tự Quyết.  Quyền tự quyết không có ở Việt Nam. Đảng CSVN nắm quyền tối cao và tuyệt đối đối với toàn dân. Chính quyền, qua Điều 4 Hiến Pháp, trao quyền chính trị tuyệt đối cho Đảng CSVN giám sát và điều khiển tất cả các cơ chế quốc gia, kể cả Hành Pháp, Quốc Hội và Tòa Án.  Bất cứ ai muốn ứng cử vào Quốc Hội đều phải được sự chấp thuận của Mặt Trân Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN. Không phần tử đối lập nào được chấp nhận. Những đòi hỏi về tự do và dân chủ đều được đáp ứng bằng sự bắt bớ, trù dập. Những án tù nặng nề đã được giáng xuống đầu Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, Giáo Sư Nguyễn Đình Huy, Giáo Sư Nguyễn Thanh Giang, nhà báo Nguyễn Vũ Bình và nhiều người khác, chỉ vì họ đã phát biểu một cách ôn hòa nguyện vọng đòi cải cách chính trị để làm cho dân giàu nước mạnh.

 

NHỮNG TRỞ  NGẠI CÁC CHIẾN SĨ DÂN CHỦ PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU.

 

-           Đường dây điện thoại có thể bị nghe lén, thu âm, hoặc cắt đứt bất cứ lúc nào bởi cảnh sát và lực lượng an ninh.

-           Internet bị xem là xa xỉ phẩm và phải trả giá rất đắc. Không những thế CSVN còn giới hạn hoặc kiểm soát chặt chẽ mọi người xử dụng Internet. CSVN còn thiết lập các bức tường lửa để ngăn chặn các chương trình được coi là "nguy hiểm", như thảo luận về công bằng xã hội, tự do, dân chủ và nhân quyền.

 -           Báo chí bị kiểm soát. Chính quyền không cho phép tư nhân xuất bản nhật báo, tạp chí, hoặc điều hành các đài phát thanh hoặc truyền hình. Đó là những phương tiện truyền thông đại chúng không thể thiếu nếu muốn vận động dân chủ.  Tất cả báo chí, đài phát thanh và truyền hình hiện nay tại Việt Nam đều do CSVN điều khiển và khống chế. Các chiến sĩ dân chủ không có những phương tiện để thông tin trung thực và vận động quần chúng cho những công tác nhằm đẩy mạnh dân chủ hóa Việt Nam.

 -           Hội Họp bị ngăn cấm. Tất cả những buổi hội họp đều phải có giấy phép, và những hội họp chính trị đều bị cấm đoán chặt chẽ. Các chiến sĩ dân chủ luôn luôn bị CSVN theo dõi hàng ngày, rất khó có thể gặp nhau để bàn bạc kế hoạch và công tác chung.

 -           Không được tự do lập hội. Tất cả các Nghiệp Đoàn chuyên môn và các Chính Đảng đều bị tuyệt đối cấm đoán. Đây là một trở ngại rất lớn, vì bất cứ việc gì có tầm vóc lớn đều cần phải huy động sự hợp tác của nhiều người. Vì thế khắp nơi trên thế giới, tại những nước có dân chủ thưc sư, luôn luôn có ít nhất là từ hai đảng chính trị hoạt động một cách công khai để phục vụ lợi ích của dân chúng và của quốc gia, vì khi một đảng cầm quyền, cần phải có một hay vài đảng đối lập để thúc đẩy đảng cầm quyền chăm lo phục vụ dân chúng một cách thỏa đáng.

 -           Không có tự do ưng cử và bầu cử. Tại Việt Nam hiện nay, bất cứ ai muốn ra tranh cử vào Quốc Hội đều phải được sự chấp thuận của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN. Vì vậy, tất cả các ứng viên đều hoặc là đảng viên Đảng CSVN hoặc cảm tình viên, tay sai của họ. Nghĩa là người dân Việt Nam chỉ có quyền bầu cử cho những người đã được chính Đảng CSVN lựa chọn sẵn.

 -           Đảng CSVN đứng trên luật pháp quốc gia.  CSVN không tôn trọng Hiến Pháp và Luật Pháp quốc gia. Họ áp dụng luật pháp một cách tùy tiện. Điều gì có lợi cho họ thì họ áp dụng. Nguợc lại, các quyền tư do của dân chúng dù đã được ghi rõ trong Hiến Pháp của nhà nước CSVN,  cũng không được chính quyền và Đảng CSVN tôn trọng.

 

SÁCH LƯỢC ĐỂ VƯỢT QUA NHỮNG TRỞ NGẠI TRÊN ĐÂY. 

Cải tiến hoàn cảnh để có tự do phát biểu.

 -           Gia tăng việc sử dụng điện thoại di động để có thể liên lạc kín đáo và tốt hơn giữa những người tranh đấu cho dân chủ.

 -      Gia tăng việc sử dụng Email và Fax để thông tin và liên lạc với nhiều người một cách

       nhanh chóng và kín đáo.

 

-           Gia tăng việc sử dụng Internet để mua bán sản phẩm và dịch vụ, đồng thời cũng để cải tiến liên lạc giữa những người tranh đấu cho dân chủ cũng như để liên lạc với thế giới bên ngoài.

 

-           Khuyến khích mọi người thường xuyên đón nghe các chương trình phát thanh từ ngoại quốc như BBC, VOA, RFI, Radio Free Asia (Đài Á Châu Tự Do), và các chương trình phát thanh của người Việt hải ngoại.

 

-           Dùng Email để phổ biến tin tức và bình luận, thay thế cho các chương trình phát thanh, để thông báo tin tức về các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam cũng như các tin tức thế giới trong ngày.

 

-           Thực hiện các chương trình phát thanh qua Internet, vừa kín đáo vừa ít tốn kém, để vận động quần chúng đẩy mạnh các công tác nâng cao dân trí và ý thức về Nhân Quyền và Tư Do, Dân Chủ.

 

Tiến từng bước từ nhỏ đến lớn để cải tiến các dân quyền và nhân quyền căn bản.

 

-           Xuất bản các Bản Tin chuyên nghiệp và tôn giáo mà không xin phép. Lúc đầu chỉ cần vài trang hoàn toàn nói về các vấn đề chuyên môn. Sau đó, dần dần sẽ tăng thêm trang và viết về các vấn đề đạo lý Việt Nam và công bằng xã hội.  Chỉ khi nào hoàn cảnh cho phép mới bắt đầu đề cập đến những vấn đề dân chủ và các quyền làm người căn bản và phổ quát mà Liên Hiệp Quốc đã long trọng công bố trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền từ năm 1948.

 

-           Thực hiện các chương trình sinh hoạt thể thao, thể dục và xã hội cho thanh thiếu niên, như các Đội Bóng Tròn, Bóng Rỗ, các đoàn Nam Nữ Hướng Đạo Sinh, các Gia Đình Phật Tử, các đoàn Thanh Sinh Công, v.v….  Đó là một trong những phương cách góp phần xây dựng xã hội dân sự lành mạnh và tốt đẹp.

 

-           Thực hiện các chương trình cứu trợ xã hội và giáo dục nhằm nâng cao dân trí và đời sống của dân nghèo tại thành thị và nhất là tại thôn quê, từ đó giúp họ hiểu rõ hơn đời sống dân chủ và quyền làm người căn bản của họ. Ngoài ra, trong các sinh hoạt tập thể, cần phải luôn luôn đề cao tinh thần kỹ luật tự giác, bao dung và tự hào dân tộc trong nỗ lực xây dựng đất nước vì phúc lợi của toàn dân.

 

-           Thành lập các tổ chức chuyên nghiệp, như Hiệp Hội Luật Sư, Hội Kế Toán Viên, Phòng Thương Mại, Lyons Clubs, Rotary Clubs, v.v. Đó cũng là một trong những phương cách góp phần xây dựng xã hội dân sự phát triển phồn thịnh nhờ tinh thần hợp tác và kỹ luật.

 

-           Thành lập các nhóm hoặc mạng lưới hoạt động nhân quyền địa phương và khi nào hoàn cảnh cho phép, cố gắng tiến đến việc thành lập một mạng lưới cho toàn vùng, và nếu có thể, cho toàn quốc.

 

-           Vận động những người hành nghề luật sư tại Việt Nam đứng lên đòi nhà cầm quyền Hà Nội phải tôn trọng những nguyên tắc tố tụng và những quyền căn bản của các bị can. Các phiên tòa phải được xử công khai và có luật sư biện hộ.

 

-           Sau khi xã hội dân sự đã lớn mạnh, công cuộc vận động sẽ hướng vào các chiến dịch đòi hủy bỏ các sắc luật phản dân chủ như Nghị Định Quản Chế Hành Chánh  31/CP và Điều 4 Hiến Pháp, vì đó là cội nguồn của mọi vi phạm Nhân Quyền! 

 

Liên Kếtvới Các Thế Lực Dân Chủ Trên Thế Giới.

 

-           Hợp tác chặt chẽ với các nhóm nhân quyền Việt Nam hải ngoại và các tổ chức nhân quyền quốc tế để vận động nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.

 

-           Hợp tác với các tổ chức nhân quyền tại các quốc gia đang bị độc tài và quân phiệt thống trị ở Á Châu và đẩy mạnh nỗ lực thành lập các Liên Minh Nhân Quyền và Dân Chủ cho toàn vùng Á Châu Thái Bình Dương.

 

-           Vận động với các cơ quan tài chánh quốc tế để nhờ họ đòi hỏi Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền như một điều kiện để được tiếp tục cấp viện.

 

-           Vận động với Liên Hiệp Quốc, Nghị Hội Au Châu, Uc Châu, Nhật Bản, Gia Nã Đại và Hoa kỳ để nhờ họ đòi hỏi Hà Nội phải cải tiến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Cụ thể nhất là vận động các quốc gia nầy ban hành các Đạo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam, trong đó có ghi rõ một số biện pháp chế tài để buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền.

 

 KẾT LUẬN

 

Theo nhiều tiêu chuẩn để ước định khác nhau, tình hình chính trị và nhân quyền ở Việt Nam đã bị suy sụp trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn có một vài triển vọng để có thể lạc quan.

 

Thứ nhất, phong trào nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam đã lớn mạnh đáng kể trong vài năm qua, và những người hoạt động cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới, nhiều tổ chức quốc tế cũng như  cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là từ những nhóm nhân quyền.

 

Thứ nhì, sự xuất hiện trong những năm gần đây, của một loạt các nhà trí thức dân chủ trẻ tuổi, can trường và hiểu biết, trong lứa tuổi từ 30 đến 40, như Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, Luật Sư Lê Chí Quang, Ký Giả Nguyễn Vũ Bình, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn, v.v. đã dám chấp nhận hi sinh đời mình để nói lên những điều mà họ nghĩ rằng dân Việt Nam cần biết là đất nước đã bị cai trị tệ hại như thế nào, và tương lai của dân tộc sẽ đen tối ra sao nếu không có sự cải tiến về chính trị. Nếu còn sống sót, những chiến sĩ trẻ tuổi này sẽ là những hạt giống rất tốt cho những nhóm đối lập trong tương lai. Chính những nhóm người này sẽ làm thay đổi cục diện và rung chuyển đất nước do hậu thuẩn hùng hậu của đông đảo quần chúng trong nước.

 

Thứ ba, các áp lực liên tục về thương mại và ngoại giao từ nhiều nơi trên thế giới đã khiến chính phủ Việt Nam phải nhìn nhận rằng họ không thể gia tăng thương mại với Tây Phương hay gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) trong khi vẫn còn duy trì tình trạng cô lập chính trị. Thế kỷ 21 này không có tương lai cho bất cứ chế độ độc tài nào. Các dân tộc và quốc gia trên khắp thế giới đang tiến mạnh về hướng Nhân Quyền và Dân Chủ.

 

Tất cả chúng ta có mặt hôm nay tại Diễn Đàn nầy đều biết rõ gió đang thổi theo chiều nào, nhưng một câu hỏi quan trọng vẫn còn chờ câu trả lời: "Bức Tường Bá Linh đã sụp đổ năm 1989, còn Bức Tường Tre tại Á Châu chừng nào mới đổ?".

 

Nguyễn Thanh Trang

Taipei (16 - 12 - 2004) 

 

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]