BIỆN HỘ MỤC SƯ NGUYỄN HỒNG QUANG

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

  

            Pháp Lệnh Tôn Giáo 2004 có hiệu lực thi hành ngày 15-11-2004, dự liệu 2 tội hình sự để đàn áp tôn giáo:  tội lợi dụng quyền tự do tôn giáo vàø tội phá hoại chính sách đoàn kết tôn giáo với hình phạt từ 5 năm đến 15 năm tù.  Năm 1995 Hòa Thượng Thích Quảng Độ bị kết án 5 năm tù chỉ vì Ngài đã tổ chức cứu trợ các nạn nhân lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long mà không có giấy phép của nhà cầm quyền.  Một tháng sau vụ Đại Khủng Bố 11-9-2001, Linh Mục Nguyễn Văn Lý  bị tuyên phạt 15 năm tù chỉ vì Ngài đã tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm tự do tôn giáo.   

            Pháp Lệnh Tôn Giáo được ban hành nói là để thực thi tự do tôn giáo.  Do đó để tránh tiếng đàn áp tôn giáo, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ viện dẫn các tội hình sự thường phạm như tội “chống người thi hành công vụ” để bắt giam độc đoán các nhà lãnh đạo tôn giáo.  Vụ án Nguyễn Hồng Quang là một khởi sự.

  

            Trong phiên xử ngày 12-11-2004, Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh đã viện dẫn Điều 257 Hình Luật để kết án Mục Sư Nguyễn Hồng Quang 3 năm tù về tội “dùng võ lực cản trở người thi hành công vụ, với trường hợp gia trọng là xúi dục, kích động, lôi kéo người khác phạm tội”.  5 đồng sự là các Truyền Đạo Phạm Ngọc Thạch bị phạt 2 năm tù, Lê Thị Hồng Liên, và Nguyễn Văn Phương mỗõi người 1 năm tù, và 2 anh em Nguyễn Hiếu Nghĩa và Nguyễn Thành Nhân, mỗi người 9 tháng tù.  Nội vụ được xử kín và mỗi bị can chỉ được phép có một thân nhân tham dự phiên tòa.  2 nhân chứng do các bị can xuất trình là các Mục Sư Bùi Thanh Sê và Phan Đình Nhẫn không được tòa cho phép cung khai.

Ngày 10-03-2004 Công Tố Viện quyết định truy tố 4 bị can Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Hiếu Nghĩa và Nguyễn Thành Nhân.

3 tháng sau, ngày 8-6-2004 Công Tố Viện truy tố thêm Mục Sư Nguyễn Hồng Quang và Truyền Đạo Lê Thị Hồng Liên.

Hiện trường tọa lạc tại Phường Bình Khánh, Quận 2 Saigon là nơi Mục Sư Nguyễn Hồng Quang cùng gia đình cư ngụ, và cũng là Trụ Sở Tổng Giáo Hạt Việt Nam, Giáo Hội Tin Lành Mennonite.

Năm 1999 một khu vực thuộc Quận Bình Thạnh được lệnh giải tỏa nhưng không có biện pháp tái định cư hay bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trái với Điều 23 Hiến Pháp.  Do đó đa số dân chúng không chịu dời đi và đã trở thành những người cư trú bất hợp pháp, hộ khẩu bị cắt, trẻ em không có khai sanh và không được đi học.  Để xoa dịu vết thương xã hội, Mục Sư Quang tổ chức “những lớp học tình thương” để dạy các trẻ em nghèo.  Hồi tháng 8/2001, công an Phường 26 Quận Bình Thạnh đến giải tán các lớp học và đả thương các giáo viên, trong số này có cô Lê Thi Hồng Liên (nay là bị can) bị đánh trọng thương, công an phải dùng xe cấp cứu chở đi bệnh viện.  Mục Sư Quang đã đến can thiệp và yêu cầu trả tự do cho các giáo viên. 

Trong biên bản làm việc ngày 10-12-2003 giữa các Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, Bùi Thanh Sê và ông Nguyễn Minh Hùng, đại diện công an Thành Phố Hồ Chí Minh về vụ công an chìm bắt bớ đánh đập các mục sư và truyền đạo vào dịp SEA Games tại Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1,  chính ông Nguyễn Minh Hùng đã cam kết với  Mục Sư Quang rằng “nếu phát hiện những cá nhân (công an chìm) theo dõi, bắt bớ hay hành hung các vị mục sư hay truyền đạo, thì cứ báo cho công an thành phố biết để có biện pháp  trừng trị”.

Ngày 02-03-2004, Mục Sư Nguyễn Công Chính, Giáo Hạt Trưởng Tin Lành Mennonite Tây Nguyên cùng 3 nhân sự sắc tộc bị mất nhà đất có mặt tại trụ sở Hội Thánh tại Quận 2.

Khoảng 10 giờ nguồn tin từ Kontum cho biết công an địa phương đang lập kế diệt Mục Sư Quang và Mục Sư Chính. Mục Sư Chính và 3 giáo dân sắc tộc phải lập tức trở về Kontum.  Vừa ra khỏi trụ sở Hội Thánh họ bị công an chìm đeo bám. Truyền Đạo Phạm Ngọc Thạch phát hiện 2 công an chìm đi xe Honda Dream chính là 2 người từng đeo bám Mục Sư Chính từ bến xe Miền Đông đến Bình Phước.  Tại đoạn đường vắng gần Buôn Mê Thuộc, chúng lục soát hành lý của Mục Sư Chính hô hoán Mục Sư là thành phần xấu phải bắt mang đi.  Tuy nhiên các hành khách trên xe đã bênh vực Mục Sư Chính, và 2 công an chìm phải rút lui sau khi xuất trình thẻ công an đặc nhiệm Thành Phố Hồ Chí Minh.

Theo lời căn dặn của ông Nguyễn Minh Hùng, đại diện công an thành phố, Mục Sư Quang ghi bảng số xe của 2 công an chìm rồi đến gặp Khu Phố Trưởng là ông Thọ để trình báo có vụ đe dọa tính mạng Mục Sư Chính.  Truyền Đạo Thạch chụp hình xe gắn máy, 2 công an chìm xông vào hành hung đòi tịch thâu máy ảnh.  Lúc này cô Lê Thị Hồng Liên đang đi chợ thấy vậy la lên.  2 công an chìm bỏ chạy khoảng 20 mét và tự té ngã.  Một tên ngồi dậy đánh vào ngực cô Hồng Liên. Truyền Đạo Thạch bảo vệ cô Liên cũng bị hành hung.  Mục Sư Quang thông báo cho công an địa phương đến chứng kiến và mời công an thành phố đến giải quyết.  Sau đó công an Quận 2 với lực lượng hùng hậu, cả trăm người trang bị súng, dùi cui, còng, xe đặc chủng, đã kéo đến cho công an Phường Bình Khánh lập biên bản, ghi  Mục Sư Quang và các Truyền Đạo là những kẻ gây rối trật tự.  Họ đòi bắt tất cả đem về đồn công an (để đánh trả thù)ø.  Lúc này Mục Sư Bùi Thanh Sê, trong ban Điều Hành Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam, đã cùng Mục Sư Quang đứng ra dàn xếp chỉ yêu cầu người công an đánh người phải xin lỗi để xếp nội vụ.  Nhưng rồi một số dân xã hội đen (có vấn đề với luật pháp do công an huy động chỉ đâu đánh đó) cùng Trung Tá Xô xô vào đả thương tới tấp Mục Sư Quang và các Truyền Đạo gây chấn thương cả tháng mới bớt.  Lúc này công an chìm lôi bẻ tay Chấp Sự Nghĩa, ép lên xe công an chở về phường.  Sau đó mọi người giải tán, lực lượng công an rút lui và 2 mục sư và 5 truyền đạo cũng trở về Hội Thánh.  Khoảng 5 phút sau một tín đồ cho biết Chấp Sự Nghĩa bị hành hung trên xe và bị công an phường đánh dữ dội.  Em ruột Chấp Sự Nghĩa là Truyền Đạo Nhân, xót ruột nên cùng các Truyền Đạo Thạch và Phương đến phường can thiệp. Công an đóng cổng lại, bắt nhốt cả ba và đánh đập họ thẳng tayï.  Riêng Truyền Đạo Thạch bị khoảng 20 công an và đại bàng thay phiên nhau đánh liên tục và tra khảo dã man đến trọng thương.  Trước kia Truyền Đạo Thạch đã một lần bị mưu sát tại Phan Thiết, và đã bị rượt bắt tại Thành Phố Hồ Chí Minh khi chở phóng viên báo Washington Time trở về.  Các Truyền Đạo Phương và Nhân cũng bị công an đánh đập gây thương tích trầm trọng. 

            Trong vụ này các bị can không có một tấc sắt trong tay nên không thể dùng võ lực để ngăn cản nhân viên công lực hành sự.  Vì có cả trăm công an chìm nổi, cùng với dân quân, cảnh sát cơ động 113, đủ súng ống, xe hơi, xe gắn máy, nên họ đã dễ dàng mang chiếc xe Honda Dream và bắt Chấp Sự Nghĩa về phường.  Lúc này họ đã lập xong biên bản.

            Hơn nữa Mục Sư Quang cũng không có hành vi xúi giục, lôi kéo, kích động người khác để ngăn cản nhân viên công lực hành sự.  Ông chỉ mở điện thoại di động để truyền âm thanh hỗn loạn về cho các Mục Sư VEF nghe.

            Đó là lời trần thuật của Mục Sư Nguyễn Hồng Quang trong Bản Tường Trình ngày 18-5-2004 (khi ông còn được tự do) gởi các Giáo Hội, Hiệp Hội, Tổng Hội và các tổ chức Tin Lành Việt Nam và Quốc Tế.

            Sự viêc hiển nhiên như vậy mà Công Tố Viện còn dựng đứng việc Mục Sư Quang huy động và kích động các Truyền Đạo dùng võ lực ngăn cản nhân viên công lực hành sự.

            Hiện nay Mục Sư Nguyễn Hồng Quang đảm nhiệm các chức vụ Phó Hội Trưởng kiêm Tổng Thư Ký Hội Thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam, Châu Trưởng Châu Hướng Đạo Cơ Đốc Việt Nam, Chủ Nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam.  Ông có thành tích đấu tranh đòi tự do tôn giáo và công bằng xã hội.

Năm 1984, ông bị tập trung cải tạo 3 năm tại Saigon.  Sau đó bị bắt giam 2 lần, mỗi lần 6 tháng tại Lâm Đồng trong những năm 1987 và 1990. Ông đã nhiều lần bị bắt giữ về các tội tuyên truyền chống phá nhà nước và truyền giáo trái phép.  Năm 1999, ông chính thức gia nhập Liên Hữu Mennonite Bắc Mỹ và giữ chức Chủ Tịch Ban Điều Hành Hội Thánh Mennonite Việt Nam.

            Với tư cách luật gia và Hướng Đạo Cơ Đốc, Mục Sư Quang đứng lên bênh vực dân nghèo bị chính quyền giải tỏa và trục xuất tại các trú khu lao động mà không có chính sách tái định cư hay bồi thường thiệt hại, trái với Điều 23 Hiến Pháp.  Tại đây ông mở văn phòng Cố Vấn Pháp Luật cho các nạn nhân này.  Riêng tại Phường Bình Khánh,  Quận 2 nơi tọa lạc Hội Thánh Tin Lành Mennonite mà cũng là tư thất  Mục Sư Quang, có 345 hộ dân có lệnh trục xuất.  Tuy nhiên ông đã kịp thời can thiệp để giữ lại nhà đất cho dân chúng.

            Năm 2000 công an đến giật sập nhà nguyện Tin Lành Quận 2.  Do sự khiếu nại của Mục Sư Quang nhà cầm quyền Saigon đã chấp thuận bằng văn thư cho xây dựng lại, nhưng vẫn không cấp giấy phép.  Do đó hồi tháng 6/2003 Mục Sư Trương Văn Ngành đã xây dựng nhà nguyện tạm trong khi chờ giấy phép.  Khi công an đòi giật sập, Mục Sư Quang cùng các tín hữu Mennonite và các hướng đạo Cơ Đốc chít khăn tang cầu nguyện, quyết tâm bảo vệ nhà thờ, thà chết chứ không để nhà thờ bị giật sập lần thứ hai.

            Tháng 9/2003, theo lời yêu cầu của gia đình Linh Mục Nguyễn Văn Lý,  Mục Sư Quang nhận bào chữa cho 3 người cháu của Cha là Nguyễn Vũ Việt, Nguyễn Trực Cường và Nguyễn Thị Hoa bị truy tố về tội gián điệp,  sau cải thành tội lợi dụng quyền tự do dân chủ.

Cũng trong thời gian này Mục Sư Bùi Văn Ba thuộc Hội Thánh Tin Lành Toàn Vẹn Việt Nam bị truy tố về những tội giả tạo.  Cùng các mục sư trong Hiệp Hội Thông Công Tin Lành, Mục Sư Quang lên tiếng phản đối và bênh vực.  Kết quả tòa án phải đình nội vụ vô hạn định hồi tháng 1/2004.

Tháng 12/2003 trong kỳ SEA Games nhà cầm quyền bắt giam 19 Mục Sư và Truyền Đạo Tin Lành. Cùng với Truyền Đạo Thạch, Mục Sư Quang đã bị công an chìm hành hung.  Ngày 10-12-2003, nội vụ được giải quyết thỏa đáng giữa các mục sư Tin Lành và ông Nguyễn Minh Hùng, đại diện Công An Thành Phố. 

Ngày 2/3/2004 trong vụ đả thương và bắt cóc tại Phường Bình Khánh, có 4 Truyền Đạo Tin Lành bị bắt giữ và truy tố. 3 tháng sau, ngày 8/6/2004, Mục Sư Quang và Cô Hồng Liên cũng bị bắt giữ và truy tố.  Nhà cầm quyền Hà Nội coi đây là “đỉnh điểm những hành vi phạm pháp của Nguyễn Hồng Quang”.  Ngày 8/6/2004 họ cho một nhân viên địa chính lập kế dụ ông ra khỏi nhà nói là để giải quyết những vụ giải tỏa nhà đất.  Rồi 30 công an kéo đến bắt ông và tịch thâu tất cả dụng cụ, tài liệu hồ sơ về những vụ vi phạm tự do tôn giáo và công bằng xã hội.

Sau đó các báo chí và đài truyền hình đã vu cáo và phỉ bángï ông là “ mục sư dỏm, kẻ lưu manh côn đồ chuyên nghiệp, bảo kê công trình xây dựng trái phép, tuyên truyền chống phá nhà nước, kích động dân chúng chống lại chính sách di dời giải tỏa của chính quyền, điên khùng dâm loạn, hiếp dâm trẻ vị thành niên, lợi dụng tôn giáo để làm điều trái đạo, gây mất an ninh trật tự công cộng”.

Trong thời gian 3 tháng,  từ tháng 3 tới tháng 6/2004, công an đã vận dụng các nhân chứng ma, thuộc thành phần côn đồ dàn dựng vụ Mục Sư Quang và các đồng sự  dùng bạo lực cản trở nhân viên công lực hành sự.

 

QUAN ĐIỂM PHÁP LÝ

            Trước khi trình bầy những quan điểm pháp lý liên quan đến các yếu tố cấu thành tội trạng, chúng ta phải tìm hiểu tiến trình và hệ thống điều tra sơ vấn tại công an. Trong giai đoạn này tại Việt Nam ngày nay luật sư không được quyền dự kiến.

Công an diều tra có hai ngành:

            1)  Ngành công khai với các công an viên mặc sắc phục có sự yểm trợ của một số dân xã hội đen là những côn đồ có tiền án hay tiền sự. Bọn này tình nguyện yểm trợ công an trong vai  quần chúng và nhân chứng hiện diện tại phạm trường, để một mặt ngụy tạo dư luận và phản ứng của người dân địa phương, mặt khác làm chứng gian khi công tố viện mở cuộc điều tra. Hồ sơ Nguyễn Hồng Quang và các đồng sự dầy 667 trang ghi chép những kết luận của công tố viện, những lời khai của các nhân viên công lực hành sự, đặc biệt và đa phần là những lời khai của đám côn đồ đóng vai  “nhân chứng khách quan và vô tư” mục kích sự biến. Lẽ tất nhiên những lời khai này phù hợp với sự trần thuậït và kết luận của bản cáo trạng. Theo thông lệ, tòa án nhân dân không cho phép các nhân chứng của bị can được cung khai trước tòa kể cả Mục Sư Bùi Thanh Sê là người có mặt từ đầu đến cuối trong vụ này. Tòa chỉ cần căn cứ vào các bằng chứng vật chất và những lời khai của công an, nhất là của “các nhân chứng khách quan và vô tư” thuộc thành phần côn đồ có mặt tại hiện trường. Trong cuộc thẩm vấn trước tòa các bị can chỉ được quyền trả lời vắn tắt (có hay không có) những câu hỏi của chánh án.  Trong hiện vụ, với 4 giờ thẩm vấn và tranh luận trước tòa, (four-hour trial), 40 phút cho mỗi trường hợp, không ai có quyền và có thời giờ trần thuật đầu đuôi nội vụ (như theo Bản Tường Trình ngày 18-5-2004 của Mục Sư Nguyễn Hồng Quang).

2)        Song song với hệ thống công khai còn có hệ thống điều tra ngầm

hay bí mật,  gồm có các công an chìm (thượng cấp của công an mặc sắc phục) với toàn quyền hành động, toàn quyền sinh sát. Toán này dùng mọi biện pháp bạo hành để bắt cóc hoặc bắt giữ các đối tượng (bị can hay nghi can) dẫn giải về phường hay quận cho bọn côn quang (đại bàng) khai thác.  Bọn này được huấn luyện và trang bị những dụng cụ và kỹ thuật tra tấn dã man, gây nội thương mà không để lộ thương tích. Đó là hệ thống hữu hiệu nhất để buộc các bị can thay đổi lời khai theo chiều hướng của công tố viện.

            Hệ thống điều tra song hành này,  công khai với công an và côn đồ, bí mật với công an chìm và côn quang, còn tinh vi và khoa học hơn hệ thống khuyển ưng thời phong kiến.  Nó kế thừa tinh hoa của các hệ thống Gestapo thời Hitler và KGB thời Stalin.  Nó thỏa mãn yêu cầu về chứng cứ buộc tội. Những màn tra tấn diễn ra trong phòng kín. Những vụ bạo hành xô xát tại phạm trường được coi là phản ứng theo cảm tính của người dân ngoài phố bất bình với những phần tử gây rối làm mất trật tự và ổn định.

Về mặt pháp lý muốn cấu thành tội “chống người thi hành công vụ” hay “ngăn cản nhân viên công lực hành sự” phải hội đủ 2 yếu tố, yếu tố tinh thần là ý định phạm pháp và yếu tố vật chất là việc dùng vũ lực ngăn cản nhân viên công lực thi hành công vụ. Trong hiện vụ hai yếu tố đó không hội đủ nên tội trạng không cấu thành:

            Đây là một tội cố ý đòi hỏi bị can phải có ý định phạm pháp (intention criminelle).

             Muốn tìm hiểu ý định của bị can phải căn cứ vào những sự kiện biểu kiến hay phải đặït mình vào tâm trạng của bị can. Trong hiện vụ Mục Sư Quang không muốn công an phường Bình Khánh Quận 2 điều tra. Vì ông đã có kinh nghiệm với công an Phường Nguyễn Thái Bình Quận 1.  Trước đó 3 tháng, trong những ngày 4,7,9 và 10-12-2003, nhân kỳ Vận Động Hội Đông Nam Á, Hội Thánh Tin Lành phổ biến một số truyền đơn phản kháng những vụ vi phạm tự do tôn giáo và tước đoạt nhà đất tại Saigon và Tây Nguyên. Các chức sắc Tin Lành tố cáo công an Phường Nguyễn Thái Bình bắt giữ trái phép 19 tín hữu. Trong vụ này công an phường đứng về phía công an chìm là những kẻ đã bắt cóc và đánh đập các mục sư, truyền đạo và tín hữu Tin Lành. Vì đây là những vụ bắt giữ trái phép nên nhóm công an chìm đã tẩu thoát và 19 người đã được phóng thích.  Lo ngại dư luận quốc tế với đông đảo các phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình trên thế giới, công an thành phố đã đứng ra hòa giải và xin lỗi.  

Sau đó các mục sư Nguyễn Hồng Quang và Bùi Thanh Sê đã họp với ông Nguyễn Minh Hùng, đại diện công an Thành Phố Hồ Chí Minh để lập biên bản làm việc ngày 10-12-2003. Trong dịp này ông Nguyễn Minh Hùng yêu cầu Mục Sư Nguyễn Hồng Quang hãy triệu dụng công an thành phố khi có những vụ hành hung bắt bớ các mục sư truyền đạo Tin Lành.

            Tin tưởng vào lời cam kết của người đại diện công an thành phố, và theo tinh thần hòa giải của biên bản làm việc ngày 10-12-2003, mục sư Quang đã 2 lần yêu cầu triệu dụng công an thành phố đến hiện trường lập biên bản thay cho công an phường Bình Khánh. Như vậy ông không cố ý ngăn cản nhân viên công lực hành sự như công tố viện đã trách cứ.

            Hơn nữa Mục Sư Quang không dùng và cũng không chủ trương dùng vũ lực.  Với 2 mục sư và 6 truyền đạo không một tấc sắt trong tay, họ không thể ngăn cản hơn 100 nhân viên công lực võ trang thi hành công vụ.

            Trên thực tế công an Phường Bình Khánh đã lập xong biên bản và đã mang xe Honda Dream và bắt Chấp Sự Nghĩa về phường. Chỉ cần có một khẩu súng lục cũng có thể mang chiếc xe về phường.

            Tại đây bọn côn quang sẽ ra tay, và bọn côn đồ sẽ cung khai.  Sau đó công tố viện sẽ buộc tội và tòa án sẽ tuyên phạt, luật sư chỉ để trang trí. 

            Người biện hộ viết bài này để đánh động lương tri con người, để ủy lạo các bị can bị kết án oan uổng, đặc biệt để vinh danh Mục Sư Nguyễn Hồng Quang là một Tù Nhân Lương Tâm và một Luật Gia Nhân Quyền.

                                                           

T. M. Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền

                                                                Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

                                                                               (15-11-2004)

 

 

 

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]