Pháp Lệnh Tôn Giáo: Thế Cùng Của Cộng Sản Việt Nam

 Đỗ Thái Nhiên

  

Một chế độ chính trị chỉ có thể tồn tại trong ổn định chừng nào chế độ đó được quần chúng chân thành ủng hộ, gọi tắt là “tâm phục”. Do trình độ học vấn rất hạn chế, do hành động chính trị độc ác, do tham ô quá độ, CSVN tự biết họ là người khách vô cùng xa lạ đối với hai chữ  “tâm phục”. Do đó CS nhìn đâu cũng thấy âm mưu lật đổ chính quyền, cũng do đó CS rất thù ghét đám đông. Một Đông y sĩ, một ông thầy tướng số, một võ sư dạy võ tại tư gia... nếu những vị này được quần chúng mến mộ thì lập tức công an sẽ tìm tới để gây khó khăn. Có thể các vị kia sẽ bị tống giam với một tội danh mơ hồ nào đó. Có thể cơ sở làm ăn của các vị đó bị đóng cửa...

   Những năm gần đây, đông đảo cán bộ cao cấp của CSVN đã mang tài sản và tùy tùng quyến thuộc cất dấu tại Hoa Kỳ.Trong khi đó, tay chân của Trung Cộng nằm trong đảng CSVN lại mang một phần lãnh thổ VN dâng cho Trung Quốc. Hai sự kiện vừa kể là bằng chứng mạnh mẽ rằng: CSVN ngày nay đã vỡ làm hai phe, một theo Tàu, một theo Mỹ. Nằm giữa hai phe này là ngòi nổ TrungQuốc-ĐàiLoan. Sau lưng ĐàiLoan hiển nhiên là Mỹ. Chính ngòi nổ kia đã làm cho quan hệ ngoại giao giữa Việt – Hoa, Việt – Mỹ có nhiều phức tạp, tuy ngấm ngầm nhưng rất gay gắt. Bên cạnh đó là những nghi kỵ trong nội bộ đảng CSVN ngày một sôi xục, đặc biệt là vụ án tình báo “tổng cục 2”.

   Nhìn chung lại, ám ảnh bị quần chúng lật đổ cộng với nội bộ chia rẽ, cộng với cuộc đu dây ngoại giao giữa Mỹ và Hoa, có thể bất ngờ đứt dây, đã đẩy chế độ CSVN đi đến tình trạng tâm lý hoảng loạn. Cao điểm của tâm lý hoảng loạn  chính là pháp lệnh tôn giáo ngày 18/06/2004.

 Pháp lệnh tôn giáo gồm 6 chương 41 điều. Tuy nhiên chỉ có các điều sau đây là đáng chú ý.

 Thứ nhất: điều 11. Điều này quy định như sau:

 1/. Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo.

2/. Trường hợp thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo ngoài qui định tại khoản 1. Điều này phải có sự chấp thuận của Ủy Ban Nhân Dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy Ban Nhân Dân cấp huyện) nơi thực hiện.

Điều 11 có hai hậu quả pháp lý:

            1/. Chỉ có tu sĩ các tôn giáo mới được phép truyền đạo. Quần chúng không được phép truyềøn đạo. Tôn giáo là tài sản tinh thần chung của quần chúng tín đồ và giáo hội. Quần chúng tín đồ là lực chủ động trong công cuộc truyền đạo. Tu sĩ  chỉ là những người hướng dẫn truyền đạo. Cấm quần chúng truyền đạo tức là cấm đạo. Luật phổ quát: điều gì luật không cấm tức là luật cho phép. Luật của CSVN độc tài: điều gì luật không cho phép có nghĩa là luật cấm. Điều 11, khoản 1: chỉ cho phép tu sĩ truyền đạo. Như vậy pháp lệnh tôn giáo có ngụ ý cấm quần chúng truyền đạo. Lý do:  nếu cho phép quần chúng truyền đạo thì việc hành đạo sẽ diễn ra bên ngoài hàng rào kẽm gai bao quanh nhà chùa, nhà thờ. Điều này vi phạm pháp lệnh tôn giáo 18/06/04.

            2/. hành động truyền đạo chỉ được phép diễn ra trong phạm vi nhà chùa, nhà thờ, thánh thất. Mọi hình thức truyền đạo qua sách báo, phát thanh, truyền hình, internet, đều bị cấm chỉ. Mặt khác, truyền đạo gián tiếp thông qua việc thăm viếng người già, cầu nguyện cho người bệnh thập tử nhất sinh tại tư gia, cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt … tất cả  đều bị cấm chỉ.

Điều 11 giam bó tu sĩ và hoạt động tôn giáo trong cơ sở tôn giáo. Xin nhớ cho rằng nhà chùa, nhà thờ, thánh thất không phải là nơi truyền đạo. Những cơ sở tôn giáo kia chỉ là nơi dùng vào việc thực hiện nghi thức thờ phượng theo lòng tin của mỗi tôn giáo. Muốn truyền đạo, tu sĩ phải đến với người dân chứ không phải người dân tìm đến tu sĩ. Nói cách khác, muốn truyền đạo, tu sĩ phải đi muôn phương để tìm và thuyết phục những người chưa có tôn giáo hãy chấp nhận một tôn giáo. Đức Thích Ca không ngồi yên trong chùa để truyền đạo. Đức Jesus Christ không ngồi yên trong nhà thờ để truyền đạo. Điều 11 Pháp Lệnh Tôn Giáo cấm truyền đạo bên ngoài nhà thờ, nhà chùa. Hơn thế nữa ngay cả trường hợp tu sĩ gửi thư hoặc nhắn lời mời quần chúng đến cơ sở tôn giáo để nghe truyền đạo cũng bị cấmchỉ, bởi vì thư và lời mời kia là những hoạt động tôn giáo xẩy ra bên ngoài nhà chùa và nhà thờ. Một cách ngắn, gọn: điều 11 tuyệt đối cấm truyền đạo, điều 11 giam cầm tu sĩ trong vòng rào kẽm gai của cơ sở tôn giáo để tôn giáo chết dần, chết mòn bên trong vòng rào đó.

 Thứ hai : điều 12. Điều này viết nguyên văn như sau:

 1.       Người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm diễn ra tại cơ sở đó với Ủy Ban nhân dân xã, phường,thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy Ban nhân dân cấp xã); trường hợp tổ chức hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

2.       Thẩm quyền chấp thuận việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng do chính phủ quy định.

Điều 12 đòi hỏi các tổ chức tôn giáo mỗi đầu năm phải khai trình với nhà cầm quyền hoạt động tôn giáo trong năm đó. Làm thế nào các tu sĩ có thể dự đoán chính xác những hôn lễ, lễ cầu an hay tang lễ trong năm? Làm thế nào các tu sĩ biết trước được những chuyển biến của xã hội trong một năm để xin phép tiến hành nghi thức cầu nguyện thích nghi? Thâm ý của điều 12 là biến các hoạt động của tôn giáo hoàn toàn trở nên khô cứng, không còn khả năng bắt theo nhịp sống của quần chúng, chia xẻ vui buồn với quần chúng. Cuối cùng, từng bước một vai trò của tôn giáo bị xóa mờ trong dòng sinh hoạt chung của xã hội. Tôn giáo chết dần bên trong cơ sở tôn giáo.

 Thứ ba: Điều 13, khoản 1 và điều 22, khoản 1.

 Điêù 13

1.       Người đang chấp hành án phạt tù hoặc đang bị quản chế theo qui định của pháp luật thì không được chủ trì lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, giảng đạo, quản lý tổ chức của tôn giáo và chủ trì lễ hội tín ngưỡng.

 Điều 22:

1.       Việc phong chức, phong thẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong tôn giáo được thựïc hiện theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này; trường hợp có yếu tố nước ngoài thì còn phải có sự thỏa thuận trước với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo trung ương.

Điều 13 và 22 cho thấy: muốn phong chức một tu sĩ phải được sự cho phép trước của nhà nước CS. Riêng đối với việc ngưng chức một tu sĩ, nhà nước chỉ cần ban hành lệnh quản chế đối với tu sĩ bị xem là “khó bảo”, lập tức tu sĩ đương sự trở thành người bại liệt toàn diện trên mọi sinh hoạt tôn giáo. Không còn hoài nghi gì nữa, điều 13 và 22 xác định: nhà nước CS nắm chắc trong tay quyền SINH và SÁT đối với tu sĩ.

Nói tóm lại, pháp lệnh tôn giáo 18/6/04 của CSVN đã sử dụng các điều 11, 12, 13 và 22 để dùng hàng rào kẽm gai vây chặt chùa và nhà thờ. Tu sĩ và tôn giáo bị giam cầm bên trong hàng rào kẽm gai đó. Tu sĩ và tôn giáo bị cô lập với sinh hoạt xã hội. Cấm truyền đạo bên ngoài rào kẽm gai. Bên trong rào kẽm gai từ chương trình sinh hoạt của mỗi tôn giáo đến việc phong chức, cất chức ...tất cả đều phải được nhà nước CS xét và cho phép. Dưới chế độ CS xin phép có nghĩa là chờ nghe lệnh cấm. Mặc dầu cấm đạo rất gay gắt, điều 1 của pháp lệnh vẫn mãnh mẽ xác định:

           Điều 1: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.

Dường như thừa biết điều 1 hoàn toàn không thu phục được lòng tin của người dân, pháp lệnh tôn giáo viết thêm điều 38:

 Điều 38: Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì thục hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó

Trả lời điều 38 của Pháp lệnh tôn giáo là điều 18 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền minh xác:  

 Điều 18: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ hoặc riêng mình hoặc với người khácTẠI NƠI CÔNG CỘNG HAY TẠI NHÀ RIÊNG 

Mang điều 38 Pháp lệnh tôn giáo đặt bên cạnh điều 18 Quốc tế Nhân Quyền, chúng ta nhận biết ngay rằng bản chất của VC là thường xuyên ăn gian nói dối với sự tin tưởng u tối rằng: không ai biết rằng họ đang ăn gian nói dối.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Pháp Lệnh Tôn Giáo 18/06/04 có chủ ý tiêu diệt tôn giáo bằng cách đẩy tôn giáo vào hoàn cảnh phải chết dần chết mòn, chết từ từ. Đàn áp hay gây khó khăn cho tôn giáo chỉ có tác dụng ngăn cản đà phát triển của tôn giáo. Tiêu diệt tôn giáo là giết chết tôn giáo. Pháp lệnh tôn giáo 18/06/04 kéo theo các hệ lụy rất đáng chú ý sau đây:

                        1/. CSVN đang ở giai đoạn nỗ lực chứng tỏ cho quốc tế thấy rằng họ là một  nhà cầm quyền tôn trọng nhân quyền, xứng đáng được hòa nhập thực sự vào hoạt động kinh tế thị trường của xã hội quốc tế, xứng đáng được tham dự vào tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Đồng thời, CSVN đang bị các giới cấp viện quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, gây sức ép ngày một nặng nề, đòi hỏi CSVN phải thực sự tôn trọng dân chủ nhân quyền như nền tảng căn bản của công cuộc phát triển kinh tế. Trong khung cảnh bang giao quốc tế như vừa kể, CSVN ban hành pháp lệnh 18/06/04.

                        2/. Theo thủ đoạn “chia để trị”, CSVN thường gây chia rẽ giữa các tôn giáo bằng cách đánh tôn giáo này, o bế tôn giáo kia và ngược lại o bế tôn giáo này, đánh tôn giáo kia. Đặc biệt pháp lệnh 18/06/04 đã hạ lệnh tử hình đồng loạt tất cả tôn giáo. Sự thể này hối thúc các tôn giáo phải đoàn kết chặt chẽ với nhau nhằm đương đầu với nhà cầm quyền độc tài.

                        3/. Tuyệt đa số người Việt Nam là những người hữu thần. Tấn công vào tôn giáo chính là tấn công vào quần chúng Việt Nam. Toàn dân Việt Nam sẽ cùng đứng lên đòi hỏi tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo chính là quyền độc lập của các tôn giáo đồng thời cũng là quyền độc lập của quần chúng đối với chính quyền. Tự do tôn giáo và tự do dân chủ như anh em song sinh.

                        4/. Tôn giáo là thành phần cực kỳ trọng yếu của văn hóa. Pháp lệnh tôn giáo là ngòi nổ dẫn đến cao trào đấu tranh cho tự do tôn giáo, đấu tranh cho tự do văn hóa. Tự do văn hóa, tự do tư tưởng là cổng chính dẫn vào lâu đài tự do dân chủ.

      Với bản chất độc tài, nham hiểm, CSVN có thừa khôn ngoan để nhìn ra bốn hệ lụy trên. Thế nhưng tại sao CSVN vẫn nhất quyết ban hành pháp lệnh tôn giáo? Câu trả lời nằm ở kinh nghiệm: “Cùng tắc biến”. Dĩ nhiên “biến” phải “tắc thông”. Thế cùng của CS đã buộcCSVN cho ra đời pháp lệnh tôn giáo như một thách thức hổn láo đối với mọi nổ lực vận động Quốc Hội Mỹ thông qua “Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam 2004” (Tác giả là DB CHRIS SMITH- R, NJ) Thế cùng của CS chính là thế thông của tự do dân chủ. Toàn thể người Việt trong cũng như ngoài nước xin hãy đoàn kết chặt chẽ chung quanh các tôn giáo để thành lập Mặt Trận Liên Tôn Việt Nam, từ Liên Tôn Việt Nam, chúng ta tiến tới Liên Tôn Quốc Tế. Trong và ngoài nước quyết tâm phối hợp đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. Trong và ngoài nước quyết tâm khai thác thế cùng của CSVN, tạo điều kiện để thế “thông” vươn vai đứng dậy. Tại cao điểm của thế thông  HOA TỰ DO DÂN CHỦsẽ nở rộ muôn nơi trên quê hương Việt Nam.

  

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]