Đối Lập Tại Việt Nam 

Zachary Abuza

Trần Bình Nam lược dịch

 

Lời nói đầu: Ông Triệu Tử Dương, cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Trung quốc vừa qua đời ngày 17/1/2005 tại Bắc Kinh. Ông là một người chủ trương dân chủ, và do đó đã bị cách chức năm 1989 trước khi quân đội Trung quốc đàn áp sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn. Từ đó ông bị quản thúc tại gia cho đến ngày ông qua đời. Đảng Cộng sản Trung quốc hết sức lúng túng trong việc loan báo cái chết và cử hành tang lễ của ông. Tang lễ chỉ được cử hành sau khi đảng Cộng sản Trung quốc đã làm tất cả những gì cần thiết để bảo đảm rằng không có xáo trộn gì có thể xẩy ra. Đảng Cộng sản Trung quốc cẩn thận vì năm 1989 khi ông Hồ Diệu Bang, một cựu tổng bí thư (trước ông Triệu) chủ trương dân chủ qua đời cuộc tưởng niệm tại Thiên An môn đã biến thành một cuộc biểu dương đòi đảng dân chủ hóa đưa đến cuộc đàn áp đẫm máu ngày 3 & 4 tháng 6 năm 1989.

            Vụ việc đảng Cộng sản Trung quốc đối với sự qua đời của ông Triệu Tử Dương cho thấy đảng Cộng sản Trung quốc chưa sẵn sàng chấp nhận đối lập.

            Vậy tình hình đối lập tại Việt Nam như thế nào? Và đảng Cộng sản Việt Nam đã có những đối sách gì. Ông Zachary Abuza, giáo sư phụ giảng môn chính trị học và bang giao quốc tế tại đại học Simmons đã bỏ ra nhiều thì giờ nghiên cứu vấn đề này và mới đây phổ biến ý kiến của ông qua bài viết: “Loyal Opposition: The Rise of Vietnamese Dissidents” (tạm dịch: Sự ra đời của đối lập ôn hòa tại Việt Nam” đăng trên tờ Harvard Asia Quarterly (Harvard Asia Center)

            Bài viết khá dài (11 trang chữ cỡ 12) nên tôi xin lược thuật sau đây những điểm chính. Đính kèm là nguyên văn bài viết của giáo sư Zachary Abura bằng Anh ngữ để đối chiếu. Bài này có thể đọc nơi http://www.fas.harvard.edu/~asiactr/haq/200002/0002a006.htm

  

Nguồn gốc đối lập tại Việt Nam: 

Sau 11 năm (1975-1986) chiến thắng và xây dựng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đứng trước một sự bế tắc kinh tế và sự bất mãn của quần chúng nên đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chương trình đổi mới kinh tế qua đại hội thứ 6 của đảng tháng 12 năm 1986. Dân chúng được tự do buôn bán và trao đổi, tăng cường xuất cảng và mở cửa nhận đầu tư nước ngoài. Đến năm 1998 tổng số đầu tư lên đến 16 tỉ mỹ kim. Song hành với đổi mới kinh tế là chính sách cởi mở chính trị do một số đảng viên có thế lực trong đảng chủ trương do ảnh hưởng của các phong trào cởi mở chính trị tại Đông Âu và Liên bang Xô viết dưới thời Gorbachev. Tuy nhiên khi Đông âu sụp đổ Hà Nội hoảng hốt và đinh ninh rằng khuynh hướng đa nguyên chính trị là nguyên nhân của sự sụp đổ nên dập tắc ngay sự cởi mở chính trị và đưa ra chính sách “ba không”: Không đặt vấn đề lãnh đạo của đảng Cộng sản. Không đặt vấn đề độc đảng đúng hay sai. Không bàn chuyện đa nguyên chính trị. Đồng thời giới quân nhân lên tiếng cam kết bảo vệ sự lãnh đạo duy nhất của đảng Cộng sản Việt Nam bằng bạo lực cách mạng.

            Hội nghị trung ương đảng họp tháng 3 năm 1990 quyết định khai trừ Trần Xuân Bách ra khỏi Bộ chính trị. Ông Bách chủ trương đổi mới chính trị. Trong tháng 1/1990 ông Bách nói với Bộ chính trị rằng những xáo trộn trong thế giới cộng sản tại Âu châu sẽ đến Á châu. Và rằng, cải tổ kinh tế không thể thành công nếu không đồng thời cởi mở chính trị.

            Từ đó đến nay đảng Cộng sản Việt Nam rất nặng tay đối với những ai đặt vấn đề đa nguyên chính trị. Vậy tại sao gần đây đối lập có vẻ nở rộ tại Việt Nam? Theo giáo sư Zachary Abuza có 4 lý do:

            Thứ nhất là sự nhận định sai lầm của đảng Cộng sản Việt Nam về hiểm họa đối với nền an ninh của đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng Trung quốc không nguy hiểm bằng “diễn biến hòa bình” do các thế lực phương Tây.

            Thứ hai sự tăng trưởng kinh tế chậm lại (từ 7 đến 8% sụt xuống còn 2% hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới) do chính sách kiểm soát của đảng trong việc không chịu giải tư nhanh chóng các công ty quốc doanh và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế Á châu năm 1997. Sau đại hội thứ 8 năm 1998 đảng Cộng sản Việt Nam đã không có một quyết định nào để chấn hưng tình trạng trì trệ kinh tế vì bất đồng ý kiến nội bộ.

            Thứ ba sự tham nhũng và lộng quyền của các đảng viên cầm quyền làm cho nhân dân ở nông thôn bất mãn, đặc biệt ở Thái Bình, vùng đất từng ủng hộ đảng, làm cho thành phần ưu tú trong đảng sửng sốt. Tham nhũng ăn chia từ 5 đến 15% tiền nước ngoài đầu tư. Và tham nhũng đã là một trong những nguyên nhân làm cho Đông âu sụp đổ.

            Thứ tư là tác động từ bên ngoài. Ngoài sự sụp đổ tại Đông âu, và sự phát triển kinh tế chóng mặt của các nước chung quanh, Việt Nam còn bị áp lực của một số nước bạn Tây phương như Pháp. Năm 1997 khi đến Hà Nội dự hội nghị toàn cầu của các nước từng nói tiếng Pháp, tổng thống Jacques Chirac đã yêu cầu Hà Nội trả tự do cho 40 nhà đối lập và cho phép một đoàn truyền hình của Pháp đến quay phim một trại giam (lúc bấy giờ giáo sư Đoàn Viết Hoạt đang bị giam tại đó *). Phía Hoa Kỳ cũng áp lực qua vấn đề nhân quyền. Các tác động này đã làm cho những người đối lập trở nên bạo dạn hơn.

 

Ai là những người đối lập: 

Điểm đặc biệt của đối lập Việt Nam là xuất phát từ bên trong chính quyền hơn là bởi các nhân vật ngoài chính quyền. Đa số từng giữ chức vụ cao cấp trong đảng và đóng góp nhiều cho đảng. Những người này đáng kính ở chỗ đối lập với đảng họ có thể mất hết. Mất sự nghiệp cá nhân và mất chỗ đứng cho con cái trong xã hội. Ngoài ra còn một số người ở miền Nam Việt Nam có thành tích đối lập với chế độ cũ cùng với các linh mục, các thầy trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phản đối chính sách tôn giáo của nhà cầm quyền. Nhưng đối lập của Việt Nam còn yếu, không như các phong trào đối lập tại Đông âu trước đây. Tại Việt Nam không có phong trào nghiệp đoàn công khai hay không công khai. Phong trào sinh viên đấu tranh như tại Nam Hàn và Indonesia cũng không có. Lý do số sinh viên đại học chỉ chiếm 2% dân số thành phố. Khi được một người nước ngoài hỏi tại sao ở Việt Nam sinh viên không đấu tranh như ở Trung quốc và Indonesia, một sinh viên Việt Nam trả lời rằng: “Đơn giản thôi. Này nhé, nếu anh sinh viên là con cái của cán bộ thì họ cho chế độ này cũng OK. Nếu anh ấy thuộc gia đình khá giả thì gia đình đó cũng được hưởng ân huệ của chế độ bằng một hình thức nào đó thì cũng OK luôn. Còn nếu anh ấy thuộc một gia đình nông dân nghèo nay nhờ không khí cởi mở, cha mẹ cố gắng chạy tiền cho ăn học thì anh ấy cũng không đủ can đảm làm hỏng niềm hy vọng vươn lên cho mình và cho gia đình bố mẹ.”

Giáo sư Zachary Abuza viết rằng ông nghiên cứu 25 nhà đối lập Việt Nam đã xuất hiện từ năm 1986 đến nay qua những gì họ viết hay nói (theo Amnesty International có 54 người, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có 200 người, và theo người Việt hải ngoại có đến 1.000 người).

Trong số 25 nhà đối lập này có 16 cựu đảng viên, 9 người đã bị khai trừ ra khỏi đảng, 2 người tự ý từ bỏ đảng tịch. Trong 25 người đối lập chỉ có 7 người bị tù dài ngày. Những người này đa số gốc miền nam không có quan hệ gì với đảng Cộng sản Việt Nam. Tuổi trung bình của các người đối lập từ 65 đến 69 tuổi, trong đó có 2 phụ nữ. Có 7 nhà văn, nhà báo, hai bác sĩ, một nhà khoa học, một sử gia, một nhà toán học và một kinh tế gia. Trong số họ có nhiều cựu viên chức chính quyền cộng sản như tổng bí thư bộ Nội vụ, và một viên chức cao cấp thuộc Ban an ninh của trung ương đảng. Ba người từng là ủy viên trung ương đảng, và 2 người từng là thành phần cao cấp trong các bộ. Trong số họ hơn một nửa từng tham dự cuộc đấu tranh chống Việt Nam Cộng Hòa với tư cách cán bộ lãnh đạo hay tuyên truyền, hoặc binh sĩ, trong đó có một người là nhân vật số hai của lực lượng võ trang của Hà Nội tại miền Nam Việt Nam. Có 4 người từng tham gia cuộc chiến tranh chống Pháp giành độc lập. Nhiều người từng ở trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong đó có một người sáng lập là bác sĩ Dương Quỳnh Hoa. Một số nhà đối lập nói trên đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ và Pháp.

Điểm mặt các nhà đối lập Việt Nam, giáo sư Zachary Abuza nhắc đến một số tên tuổi nổi bậc như đại tá Bùi Tín, tướng Trần Độ, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, nhà văn Dương Thu Hương, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà sinh vật học Hà Sĩ Phu, giáo sư Phan Đình Diệu, ông Nguyễn Hộ, bác sĩ Nguyễn Đan Quế và giáo sư Đoàn Viết Hoạt nếu chỉ kể vài nhân vật tiêu biểu.

Những người đối lập Việt Nam như đã nói, đa số thuộc thành phần lãnh đạo. Cho nên khi dấn thân đấu tranh họ mất hết. Họ là những người từng tự nguyện hiến thân cho cách mạng, và nền độc lập của đất nước.

Bởi vậy đảng Cộng sản Việt Nam liệt 25 nhà đối lập này vào thành phần nguy hiểm đối với chế độ. Họ còn được một số người trong đảng nể nang và che chở. Tuy nhiên họ đều đã cao niên và không biết sau họ có còn thành phần đối lập không? (tôi nghĩ sẽ còn nhiều, như thế hệ Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn … *). Nhưng dù đã già và không còn quyền lực họ vẫn là những kích thích tố có giá trị đối với quần chúng. Những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không quên rằng sự ủng hộ của nhân dân Hung gia lợi và nhân dân Tiệp khắc đối với Imre Nagy và Alexander Dubcek  đã thúc đẩy những cải tổ chính trị đưa đến sự chấm dứt độc quyền của cộng sản.

Có một điều cần quan tâm là những người đối lập Việt Nam đa số có gốc đảng nên họ chỉ muốn làm đối lập ôn hòa hơn là đối lập để lật đổ sự cầm quyền của đảng. Họ vẫn tỏ ra trung thành với đảng mặc dù họ rất bất mãn đối với những chính sách của đảng từ ngày thống nhất đất nước đến nay. Và nếu thỉnh thoảng có người trong nhóm đối lập chỉ trích đảng họ không quên ca ngợi công của đảng trong công cuộc giành độc lập cho đất nước. Ngay cả nhà đối lập không phải là đảng viên như ông Hà Sĩ Phu cũng nhận rằng đảng là con thuyền chở dân tộc Việt Nam sang bờ (độc lập *), nhưng đến bờ rồi đảng giữ chân không cho Việt Nam tiến lên cho kịp lân bang.

Họ tự cho mình là đối lập ôn hòa với mục đích làm cho đất nước phú cường và mang sức sống mới cho đảng Cộng sản. Do đó những đòi hỏi của những người đối lập thường chừng mực. Đối với họ đối lập như vậy chẳng những là một cái quyền mà còn là một bổn phận.

Nhưng trong cái truyền thống chịu ảnh hưởng của Khổng học và Mác xít người trí thức Việt Nam dính liền với chính quyền, và muốn vươn lên phải trung thành với chế độ, người trí thức không dám lên tiếng, cho nên không có sức mạnh xã hội thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa. Và đây là cái trở ngại chính giải thích tại sao tại Việt Nam không có một sức mạnh đối lập của giới trí thức buộc nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách. Tiêu Dao Bảo Cự, một nhà đối lập than phiền rằng: “Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay, người trí thức phải cầm cờ đi trước. Nhưng có thật vậy không? Hay chúng ta thấy điều ngược lại? (cầm cờ nhưng đi sau! *). Phải chăng người trí thức sợ dân chủ, vì dân chủ tối hậu làm mất quyền lợi muôn đời của họ?” Có thể Bảo Cự đã nêu ra một điểm then chốt giải thích tại sao những người đối lập Việt Nam không tạo được một sức mạnh (vì thiếu sự ủng hộ của người trí thức *), và thành phần đối lập tuy không đông đảo nhưng rất phức tạp: có cựu đảng viên, có những người từng ủng hộ chế độ miền Nam, có các linh mục, có tu sĩ Phật giáo và một số trí thức mà mục tiêu đối lập chỉ để được tự do ăn nói và thường không tin lẫn nhau. Vì đối lập phân hóa như vậy nên nhà cầm quyền Hà Nội rất dễ chia để trị.

 

Những người đối lập đòi hỏi gì? 

            Họ đòi 4 chuyện. Thứ nhất đòi dân chủ hơn, nhưng họ rất ít nói họ đòi một nền dân chủ đa nguyên Tây phương và hình như không có ai đòi lật đổ hay giải tán đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đòi chung chung quốc hội phải có nhiều quyền hơn, và nên công khai hóa cách lấy các quyết định quan trọng.

            Thứ hai họ đòi áp dụng chế độ pháp quyền, đảng Cộng sản Việt Nam không nên cai trị bằng nghị quyết của đảng, không nên đứng trên pháp luật qua điều 4 Hiến pháp.

            Thứ ba họ chống sự hình thành giai cấp mới, chống tư bản đỏ, chống tham nhũng và đòi sự tự do trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật,

            Thứ tư là đòi tự do báo chí.

 

Quyền hành cho Quốc hội: 

            Quốc hội là cơ quan làm luật của một quốc gia. Nhưng quốc hội dưới quyền của đảng Cộng sản Việt Nam không có quyền hành gì. Từ năm 1949 cho đến năm 1960 quốc hội không họp vì chiến tranh. Bộ Tư Pháp cũng đóng cửa từ năm 1961 đến 1981. Từ năm 1945 cho đến năm 1986 Việt Nam ban hành 8.910 văn kiện luật pháp, trong đó có 62 bộ luật do quốc hội, phần còn lại là sắc lệnh, nghị định của chính quyền, nhưng tất cả các bộ luật cũng như sắc lệnh, nghị định đều được ban hành dưới chỉ thị của Bộ chính trị, cơ quan lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng sản Việt Nam.

            Khi bầu quốc hội đảng đã cài đặt đảng viên vào đầy đủ để nắm mọi chức vụ then chốt. Thí dụ khi bầu quốc hội thứ 9, có 32 ứng cử viên độc lập thì hết 30 ứng cử viên bị gạt ra khỏi danh sách (bởi Mặt trận Tổ quốc *) vì lý do kỹ thuật. Hai người còn trong danh sách cũng thất cử (vì áp lực của đảng lên cử tri, hoặc thay thùng phiếu *). Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang muốn ra ứng cử. Khi bình bầu bởi người dân nơi ông cư trú ông được 96% dân ủng hộ, nhưng khi bình bầu bởi các đảng viên trong chi bộ đảng nơi ông làm việc ông chỉ được 30% (vì có lệnh đảng không chọn ông *). Nhân viên làm việc cùng sở với ông không được tham dự cuộc bầu chọn ứng cử viên.

            Những người đối lập không đòi quốc hội độc lập với đảng. Trái lại họ muốn một quốc hội gồm những chuyên viên trong đủ  mọi lĩnh vực và được tự do và công khai thảo luận mọi vấn đề của quốc gia, đề ra giải pháp để cho đảng chọn lựa. Và nói chung họ sợ hiểu lầm rằng họ muốn lật đổ đảng. Tướng Trần Độ khi còn sống đã viết cho Bộ chính trị đề nghị rằng “Tôi tán thành sự lãnh đạo của đảng. Tôi thấy điều đó là cần thiết. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là áp đặt. Đảng lãnh đạo không có nghĩa “đảng là luật pháp”. Tướng Trần Độ cũng không kêu gọi sự thiết lập một chế độ dân chủ đa nguyên. Ông chỉ nói: “Tôi nghĩ sự cải tổ của chúng ta phải đi đến sự từ bỏ quyền kiểm soát tuyệt đối mọi chuyện bởi đảng. Đảng chỉ nên nắm quyền lãnh đạo chính trị, còn mọi chuyện khác hãy để cho quốc hội, chính phủ và Mặt trận Tổ quốc lo liệu (không hiểu bằng cách nào thực hiện đề nghị của tướng Trần Độ, ngoại trừ khi quốc hội, chính phủ và Mặt trận tổ quốc là những cơ cấu chính trị không do đảng cầm đầu *). Có một số đề nghị đa nguyên nhưng nguời đề nghị nói ngay rằng đảng không có gì để sợ đa nguyên vì đa nguyên tạo ra tranh đua sẽ làm cho đảng thêm sức sống. Chỉ có một mình ông Hoàng Minh Chính, một đảng viên nhiều tuồi đảng là đặt vấn đề một cách rốt ráo. Ông Chính nói: “Cái gốc của mọi bất hạnh quốc gia là Điều 4 trong bản Hiến pháp. Nó cho phép đảng độc tôn lãnh đạo. Như thế đảng ở trên quốc gia, trên dân tộc, trên hết.”

            Nhưng đối với đảng Cộng sản Việt Nam cho phép thảo luận công khai là chứng tỏ đảng bất lực và làm cho cá nhân nào cũng có quyền chỉ trích đường lối của đảng (mặc dù đảng có quyền nghe hay không nghe *).

 

Đòi hỏi pháp quyền:           

            Thay vì đòi hỏi đa nguyên chính trị, những người đối lập đòi đảng thực thi một chế độ pháp quyền và để cho tòa án có quyền độc lập. Trong ngành tư pháp hiện nay tại Việt Nam có từ 30 đến 40% quan tòa do đảng bổ nhiệm, và những người này không có một chút kinh nghiệm gì về luật. Tất cả đều xử án theo lệnh của đảng. Dù sao, theo giáo sư Zachary Abuza, trong lĩnh vực này nếu đảng muốn cải tổ cũng cần nhiều thì giờ. Từ năm 1979 Việt Nam mới có trường luật. Và hội luật sư tại Hà nội năm 1993 chỉ có 50 người. Trong khi đó chỉ riêng nhu cầu cởi mở kinh tế Việt Nam cũng cần đến từ 500 đến 1.000 luật sư (Việt Nam rất lúng túng trong các vụ kiện về cá tra với Hoa Kỳ vì không có luật sư am hiểu luật lệ giao thương quốc tế *).

            Cũng do nhu cầu đổi mới kinh tế đảng Cộng sản Việt Nam phải ban hành một số luật lệ, nhưng những luật lệ này có quá nhiều lỗ hổng vì những điều khoản cho phép đảng can thiệp khi nào đảng muốn. Thí dụ các bộ luật mới đều cho phép người dân được hưởng thêm quyền tự do, nhưng khi nào cũng có điều khoản “miễn là không làm mất sự an toàn của chế độ và an ninh của quốc gia” (còn thế nào là mất an toàn của chế độ thì do đảng quyết định *)

 

Hệ tư tưởng và giai cấp mới: 

            Những người đối lập Việt Nam nói chung chống toàn trị nhưng không chống xã hội chủ nghĩa. Nhưng cũng có thành phần nghĩ rằng phải có sự chọn lựa dứt khoát như ông Phan Đình Diệu, chứ nửa chừng xuân một nửa xã hội chủ nghĩa, một nửa tư bản chủ nghĩa chỉ thêm kẹt. Ông Diệu viết: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng lý thuyết cộng sản và chủ nghĩa xã hội dựa vào giai cấp đấu tranh, kinh tế chỉ huy và độc quyền lãnh đạo của đảng đã mang lại quá nhiều tai ương cho đất nước”. Những người đối lập nghĩ rằng đảng  Cộng sản Việt Nam lợi dụng hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa để duy trì quyền lực chứ không phải để phát triển kinh tế, và tự biến thành một “giai cấp mới” như ông Milovan Djilas, một người cộng sản Nam Tư viết trong cuốn “The New Class”. Theo Djilas, và cũng là điều những người đối lập Việt Nam nghĩ, giai cấp mới hành động theo quyền lợi của mình chứ không phải vì quyền lợi của quốc gia hay của đảng. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa nói với một ký giả phương tây rằng bà đã hỏi những nhà lãnh đạo tại Hà Nội rằng: “Mục đích làm cách mạng của các anh là gì? Vì hạnh phúc của nhân dân hay vì quyền lực?” Và bà trả lời thay cho họ: “Vì quyền lực.”

            Những người đối lập Việt Nam cho rằng những người lãnh đạo đảng  trở thành những “tư bản đỏ”, lợi dụng chức vụ để chia chác lợi nhuận và ăn cắp của công. Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn nhận có nạn tham nhũng nhưng cho rằng tệ trạng này là phó sản của sự đổi mới kinh tế (thật ra là do sự toàn trị của đảng *). Theo giáo sư Đoàn Viết Hoạt, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang bị bắt chỉ vì ông nói huỵch toẹt rằng: “tham nhũng không phải là phó sản của kinh tế thị trường, nó là con đẻ của quyền lực và quyền lợi” Nhà văn Dương Thu Hương đã tấn công không nương tay các nhà “tư bản đỏ” bằng tác phẩm “Thiên Đường Mù” viết năm 1988, minh họa câu chuyện một công nhân sang làm việc tại Nga đã tố cáo một người thân trong gia đình vì ông này suốt đời chỉ biết dùng quyền lực (vì là người của đảng *) để buôn lậu và tham nhũng. Cuốn Thiên Đường Mù bị cấm tại Việt Nam.

 

Đòi tự do báo chí: 

            Tại Việt Nam không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, mặc dù Điều 69 của Hiến pháp ghi: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Thống kê tình trạng tự do báo chí tại Đông á và Đông nam á năm 1999 xếp Việt Nam vào hạng chót. Tuy nhiên nhờ cởi mở chế độ kinh tế, nhà xuất bản lậu và báo lậu xuất hiện nên dân được thông tin một phần nào ngoài con đường chính thức (các chương trình Việt ngữ của BBC, VOA, Á châu Tự do … cũng đóng góp nhiều vào sự thông tin nầy *).Theo bộ Nội vụ Việt Nam năm 1988 tại Việt Nam có 40% nhà in lậu và 200 trên 400 tờ báo không có phép. Hai tờ báo lậu nổi tiếng là tờ “Diễn Đàn Tự Do” (của giáo sư Đoàn Viết Hoạt *) và tờ “Truyền Thống Kháng Chiến” của Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ. Cả hai tờ đều bị đóng cửa và chủ nhiệm bị tù. Nhưng dần dần nhờ internet những người đối lập vẫn còn có cơ hội lên tiếng.

            Năm 1986 sau đại hội đảng lần thứ 6, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mở cửa cho báo chí. Ông Linh nói: “các anh đừng bẻ cong ngòi bút để làm hài lòng người khác”. Nhưng mục đích của ông Linh là dùng báo chí để giúp ông ta thúc ép bộ máy thư lại của đảng nhúc nhích. Đến khi Đông âu sụp đổ và vụ Thiên An Môn xẩy ra (1989) đảng Cộng sản Việt Nam lại bịt miệng báo chí và nhà văn.

            Từ đó đến nay đảng Cộng sản Việt Nam duy trì chính sách bịt miệng báo chí. Những bài báo đụng chạm đến đảng viên cao cấp tham nhũng như chủ nhiệm tờ Doanh Nghiệp đã bị bắt với tội danh tiết lộ bí mật quốc gia vì một bài báo liên quan đến vụ Cục Quan thuế mua một cách mờ ám 4 chiếc tàu tuần tiểu (và mới đây truy tố phóng viên Lan Anh của báo Tuổi Trẻ vì đã viết bài về vụ phân phối thuốc tây, nếu chỉ kể một vài vụ tượng trưng *). Trong khi đó đảng cho phép báo chí làm rùm beng những vụ gian lận thuế và biển thủ dính líu đến các nhà doanh nghiệp tư nhân không liên quan đến đảng để chứng tỏ rằng đảng cũng chống tham nhũng. Vụ bịt miệng báo chí lộ liễu nhất là vụ nông dân tỉnh Thái Bình nổi lên chống tham nhũng trong hai năm 1997-98. Đảng Cộng sản Việt Nam đã dìm tin này trong 6 tháng (chỉ cho loan tin và công nhận đảng viên cấp thấp sai trái sau khi báo chí nước ngoài phanh phui *). Bất chấp dư luận, năm 1999 đảng chỉ thị Quốc hội tu chính và thông qua luật báo chí để kiểm soát báo chí chặt chẽ hơn.

            Những người đối lập Việt Nam nói rằng khi đảng vi phạm Điều 69, nắm trong tay độc quyền thông tin đảng làm cho đất nước bị thiệt thòi, và rằng quyền thông tin độc lập (với đảng *) chẳng những không làm mất ổn định mà còn giúp chính quyền làm việc một cách có trách nhiệm hơn. Tiến sĩ Phan Đình Diệu nói rằng ngoài lợi ích phát triển tư duy, sự tự do thông tin là điều không thể thiếu trong một nền kinh tế thị trường. Ông nói, “kinh tế thị trường căn bản dựa vào quyết định của người sản xuất và người tiêu thụ nên cả hai phía đều cần thông tin. Nước Việt Nam không thể chạy theo đà phát triển kinh tế trên thế giới hay hội nhập vào trào lưu kinh tế toàn cầu nếu chính quyền không thay đổi chính sách thông tin hiện nay.”

 

Kết luận: 

            Đối lập tại Việt Nam còn non trẻ. Và sức mạnh của đối lập Việt Nam hiện nay có là nhờ vị trí xã hội và chính trị của những người đối lập. Họ, hoặc là đảng viên cao cấp nhiều tuổi đảng, hoặc là những cựu chiến binh có thành tích cách mạng, hoặc là những nhà trí thức chín chắn nên những gì họ nói ra đều có sức mạnh của lẽ phải và đạo lý. Họ có tư tưởng khác nhau nhưng hình như có một mẫu số chung là mong muốn một thể chế qua đó Quốc hội có quyền quyết định những vấn đề của quốc gia dưới sự quan sát của dân qua báo chí tự do. Ít người trong số họ công khai kêu gọi đa nguyên đa đảng. Họ muốn làm tốt chế độ hiện nay, chứ không kêu gọi lật đổ. Nhưng họ bất mãn với cung cách nắm quyền hành một cách tuyệt đối của đảng Cộng sản Việt Nam như nắm quốc hội, bịt miệng người trí thức, bịt miệng báo chí, và không chịu cải tổ kinh tế một cách triệt để. Nói cách khác họ chỉ trích mục tiêu và phương pháp của đảng Cộng sản Việt Nam (là thiết lập giai cấp tư bản đỏ bằng cách dùng chiêu bài xã hội chủ nghĩa để nắm quyền hành *).

            Theo những người đối lập, nếu đảng Cộng sản Việt Nam không chịu cải tổ đảng sẽ mất dần tính chính thống và sự ủng hộ của quần chúng. Họ nói họ đối lập để đóng góp vào công cuộc xây dựng quốc gia.

            Nhưng đối với một chế độ bất an phải dựa vào hào quang quá khứ và bạo lực để duy trì quyền lực như chế độ cộng sản hiện nay tại Việt Nam thì những người lãnh đạo chế độ đó vẫn xem những người đối lập này dù ôn hòa cũng là một mối đe dọa chẳng những cho chế độ mà còn cho sự độc lập và toàn vẹn của quốc gia nên cần phải trừng trị. (Nếu quả vậy thì thật đáng buồn cho đất nước Việt Nam có một tập đoàn lãnh đạo như vậy *)

 

(…*) ghi chú của TBN 

Trần Bình Nam (lược dịch)

Jan. 31, 2005

BinhNam@sbcglobal.net

http://www.vnet.org/tbn

 


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]