USCIRF: Thỏa hiệp về tự do tôn giáo với CSVN còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề
Nguoi Viet
Online WASHINGTON 8-5 (TH) - Thỏa thuận giữa Hoa thịnh Ðốn và Hà Nội về vấn đề đàn áp tôn giáo của chế độ độc tài đảng trị CSVN còn để ngỏ nhiều vấn đề cần phải đối diện, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) tố cáo như thế. USCIRF, một cơ quan độc lập nhưng do cả Chính phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ chỉ định, hôm Thứ Sáu vừa qua đã kêu gọi chính phủ Mỹ nên thành lập một ủy ban theo dõi việc thi hành một cách hiệu quả các thỏa thuận giữa chính phủ Bush và nhà cầm quyền Hà Nội. Phía Mỹ gọi là thỏa thuận (agreement) nhưng Hà Nội khi cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao giải thích thì chỉ coi đó là sự “trao đổi các bức thư” mà thôi, tức không phải là một thỏa hiệp mang tính chính thức để phải thi hành nghiêm chỉnh. Giới bình luận thời sự cho rằng việc Bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo thỏa thuận về các vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam nhằm giải tỏa sự chống đối của của dư luận ở Hoa Kỳ, mở đường cho Phan văn Khải sang đây cuối Tháng Sáu. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và của người Việt Nam từng tố cáo rằng cái “Pháp Lệnh Tôn Giáo Tín Ngưỡng” của CSVN có hiệu lực từ ngày 15-11-04 và mới đây ngày 1-3-2005 Phan văn Khải ra một bản “Nghị định Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tôn giáo tín ngưỡng” nêu rõ cho người ta thấy chế độ Hà Nội vẫn kiềm chế chặt chẽ sinh hoạt tôn giáo trong nước qua qui chế “xin cho” để loại bỏ tất cả các tổ chức tôn giáo nào không chịu khuất phục. Tuy viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ từ cuộc họp báo ở Hoa Thịnh Ðốn đến lời thông báo của thứ trưởng Ngoại giao Robert Zoellick ở Hà nội đều muốn lưu ý mọi người rằng các thỏa thuận đã đạt được với CSVN sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem có được thi hành nghiêm chỉnh hay không. Nhưng Preeta Bansal, chủ tịch USCIRF, phê bình rằng thỏa thuận đó “còn để ra rất nhiều vấn đề chưa giải đáp, mà cũng chính vì vậy CSVN bị xếp vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt.” Trong số những vấn đề chưa được giải quyết, theo lời bà Bansal, là sự khủng bố và quản chế quí vị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN). Ðồng thời, còn hơn 100 người nữa đang còn bị tù hay quản chế vì vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo. Bansal nói rằng hiện còn hơn 1,000 nhà thờ, tự viện hay nhà nguyện hoặc trung tâm sinh hoạt tôn giáo đặt tại các tư gia vẫn bị đóng cửa khiến người ta quan ngại rằng chế độ CSVN sẽ “tiếp tục buộc người dân chối bỏ đức tin” ở một số địa phương. Bà nói rằng những tổ chức tôn giáo bị nhà cầm quyền chú trọng đàn áp gồm có Hội Thánh Tin Lành Mennonite (Mục sư Quang đang bị án tù 3 năm với sự vu cáo là “chống người thi hành công vụ” dù công ai khai ông không hề “chống” hay de dọa chống” gì cả trong phiên xử phúc thẩm ở Sài Gòn hôm 12-4-05), Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hỏa chính thống (do cụ Lê quang Liêm cầm đầu Ban trị sự Trung ương, không phải Ban Trị sự quốc doanh do một số đảng viên CSVN đội lốt và không được tín đồ nghe theo), GHPGVNTN. Hôm Thứ Sáu tuần trước, John Hanford, Ðặc sứ Tự Do Tôn Giáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ, nói rằng nhà cầm quyền CSVN đã bãi bỏ chính sách cưỡng bách dân chúng bỏ đạo. Ông nói như thế khi dựa vào Nghị định 22/2005/NÐ-CP ngày 1-3-05 của Phan văn Khải ở điều 2 nói rằng “nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, kích động bạo lực hoặc tuyền truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách nhà nước, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng...” Nhưng toàn bản nghị định gồm 38 điều khoản “hướng dẫn thi hành một số điều pháp lệnh tôn giáo” lại đặt các điều kiện chặt chẽ, theo đó, bất cứ tổ chức tôn giáo nào muốn chính thức hoạt động và sinh hoạt đều phải qua cơ chế “xin-cho” mà nhà cầm quyền có hoàn toàn quyền từ chối nếu không thấy nắm đầu được. Ngoài ra cái nghị định hướng dẫn này còn nói thẳng ra cho thấy ở điều 16, mục 5, rằng “Trường hợp phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử chức sắc, nhà tu hành có yếu tố nước ngoài phải có sự đồng ý của Ban Tôn Giáo Chính Phủ”. “Chúng tôi hoan nghênh việc CSVN thảo luận nghiêm chỉnh với Hoa Kỳ về những vấn đề (đàn áp tôn giáo) đã đặt ra nhờ bị xếp vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, chúng tôi chưa được nhìn thấy bản thỏa hiệp nào được phổ biến nên chúng tôi còn rất cẩn thận.” Bansal nói. Dịp này, bà cho hay mấy tháng gần đây, bà nhận được nhiều bản phúc trình về các cuộc bắt giữ và khủng bố tôn giáo rất nghiêm trọng đối với các sắc dân thiểu số ở Việt Nam. Trong đó có các lời tố cáo cả việc Nhà Nước tiếp tục đặt giới hạn số chủng sinh được thu nhận vào các chủng viện Công Giáo. Chính vì vậy, bà nói rằng “Chúng tôi đòi hỏi phải có một hệ thống kiểm soát để biết chắc rằng thỏa thuận được thi hành cũng như các điều quan tâm khác được đáp ứng.” (Nguyen trong Tuyen)
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết] |