Pháp Lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo

Nhìn từ khía cạnh lịch sử

 Đỗ Mạnh Tri  

(Bài thuyết trình trong buổi hội luận do Phong Trào Giáo Dân VN Hải Ngoại Cơ Sở Thánh Tống Viết Bường tổ chức tại TP. Ginsheim/Gustavsburg –Mainz, Đức Quốc)

*  *  *

 Người ta đã nói nhiều, viết nhiều về Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo của Ban Thường vụ Quốc hội VN, số 21/2004/PL.UBTVQH11, ký Nguyễn Văn Ân, được ban hành ngày 18/06/2004, hiệu lực ngày 15/11/2004. Chúng tôi cũng có ký tên chung với nhiều tác giả bài Một Pháp lệnh về tôn giáo, tại sao ?[i] Nhưng Pháp lệnh là con đẻ của Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác Tôn giáo, ra hồi tháng 01/2003. Nghị quyết loan báo một Pháp lệnh, dẫn tới một đạo luật về tôn giáo. Đây là một bộ ba, nhằm pháp chế hoá chính sách đàn áp tôn giáo của đảng CSVN. Nhưng bộ ba này tiếp nối một chuỗi những sắc lệnh, chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Đảng/Nhà nước cộng sản về công tác tôn giáo. Để đánh giá đúng mức ý nghĩa của nó, chúng tôi đề nghị đặt Pháp lệnh này vào viễn tượng của những văn bản kia, hòng có một cái nhìn khái quát như một vài nét chấm phá, về tiến trình chuyển đổi của đất nước từ khi đảng cộng sản nắm toàn quyền ở miền Bắc năm 1954, và trên toàn lãnh thổ Việt Nam năm 1975. Nhìn từ góc độ này, Pháp lệnh đánh dấu một bước lùi quan trọng của chính quyền độc tài, đồng thời cho ta thấy cách chính quyền thích ứng với hoàn cảnh ra sao.

 Những văn bản.

Trước hết, phải nói ngay để khỏi cần nhắc đi nhắc lại : ở đâu có chính quyền cộng sản và bao lâu còn chính quyền cộng sản, thì nhân quyền bị chà đạp, tự do bị dày xéo và vì thế tôn giáo bị áp bức. Đây là thực tại. Không cần minh chứng dài dòng. Tuy nhiên, với thời gian, chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền cộng sản Việt Nam có thay đổi. Những văn bản chính thức về tôn giáo chứng minh điều đó.

Chúng tôi không có hết những văn bản, công văn của đảng cộng sản Việt Nam về chính sách tôn giáo. Nhưng, những văn bản chính, mọi người quan tâm đến vấn đề đều đã đọc hoặc nghe nói tới. Và chừng ấy cũng đủ. Sau đây là một danh sách xếp thành 3 nhóm. (Nhóm 1, 2 ; nhóm 3, 4, 5 ; nhóm 6 tới 9)  

  1. Sắc lệnh 234/SL của Nhà nước Việt Nam về Quyền Tự do Tín ngưỡng ra ngày 11/11/1955. Ký HCM.
  2. Nghị quyết 297/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, tức của Chính phủ, ra ngày 11/11/1977 nhằm áp đặt cho miền Nam chính sách đàn áp tôn giáo tại miền Bắc.
  3. Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị ra năm 1990, đánh dấu sự thay đổi lập trường của đảng CSVN về tôn giáo.
  4. Nghị định 69/HĐBT ra ngày 21/03/1991 thay thế cho Nghị định 297/HĐBT.
  5. Chỉ thị 379/TTg của Thủ tướng Chính phủ về các hoạt động tôn giáo, ra ngày 23/07/1993.
  6. Chỉ thị của Bộ Chính Trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Ra ngày 02/7/1998. 
  7. Nghị định 26/1999/CP của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo. Ra ngày 19/04/1999. Trước đó có Dự thảo cho Nghị Định.
  8. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương về công tác tôn giáo. Ra tháng 01/2003.
  9. Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo số hiệu 21/2004/PL.UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ra ngày 26/11/2003. Quy đinh về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo.

Pháp lệnh này được soạn sau 22 bản Dự thảo!

(Ngoài ra, có mấy văn kiện liên quan đến Tin Lành, đặc biệt Tin Lành miền Thượng Du và Tây Nguyên : Vấn đề Địch lợi dụng Tôn giáo của Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lào Cai, cuối năm 98 ; và Thư của chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang gửi đồng bào dân tộc Mông cùng với Bản cam kết (bỏ đạo), năm 1997. Kế hoạch 184 A, Kế Hoạch 184 B, năm 1999).

Danh sách trên cho thấy từ năm 1955 đến 1990, trong vòng 35 năm chỉ có 2 văn kiện. Từ năm 1990, nhất là từ năm 1998 đến nay, số văn bản nhiều hẳn lên. Nghị quyết 24 BCT năm 1990 chính thức bãi bỏ ý đồ tiêu diệt tôn giáo. Nhưng cho tới năm 1998 chỉ có 3 văn kiện. Từ năm 1998 tới nay, trong vòng 6 năm, chúng ta có 4 văn bản chính. Những văn bản này lại được ra sau những văn kiện mật, công khai, bán công khai (Ý kiến của Hội đồng Tư vấn về tôn giáo, Dự thảo của Ban Kế hoạch 184 A, 184 B, Dự thảo Nghị đinh 26. Đặc biệt mấy chục bản Dự thảo Pháp Lệnh. Tại sao có sự chênh lệch về số lượng văn bản qua thời gian như thế ? Để trả lời, xin trích mấy câu đầu của Nghị quyết BCHTƯ :

“Qua các giai  đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng.

            Trong cách mạng dân tộc dân chủ, chính sách “ Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi, giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho đất nước.

            Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, vấn đề tôn giáo có những nội dung mới. Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24 về công tác tôn giáo, xác định “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”.

Xin bỏ ngoài : sự nghiệp đoàn kết toàn dân (chỉ là gây chia rẽ, oán thù và buộc chặt dân vào gọng kìm của Đảng), giành độc lập (để xoá hết tự do), thống nhất đất nước (để chiếm đoạt và khống chế toàn đất nước). Còn lại ý nghĩa rất quan trọng của công tác tôn giáo. Hoạt động tôn giáo liên quan tới mọi lãnh vực của nếp sống cá nhân và xã hội, mà vì thế không thể không chạm trán với chính thể độc tài toàn trị, một cách không thực tiễn bằng kinh tế nhưng rộng rãi và sâu xa hơn kinh tế nhiều. Vậy tôn giáo vận, hay công tác tôn giáo đúng là vấn đề chiến lược hàng đầu của đảng. 

“Trong cách mạng dân tộc dân chủ”, tức khi đảng còn dùng lá bài dân tộc dân chủ để đánh lừa thiên hạ thì “ Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Kỳ thực ý đồ chủ yếu là tiêu diệt lương (Phật giáo) cũng như giáo (Công giáo), ‘thuốc phiện của dân’. Ý đồ ấy bị hao mòn dần trước những biến chuyển của thế giới, trước sức ép bên ngoài và bên trong, đặc biệt từ bên trong (điều mà những người bên ngoài ít chú ý).

“Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa”, tức từ khi đảng lẳng lặng quay lưng lại thuyết mác xít lêninít, thì đảng thay đổi chiến lược. “Vấn đề tôn giáo có những nội dung mới” là thế! Năm 1990, đảng chính thức từ bỏ ý đồ tiêu diệt tôn giáo. Vì “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài”. Chắc chắn lâu dài hơn đảng. Vì “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”. Ít nhất cũng là của một bộ phận rất lớn! (Trong một văn kiện khác, đảng nói : của hàng chục triệu người). Hơn nữa : “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Chẳng những công nhận tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của nhân dân, mà còn coi tôn giáo như có lợi cho công cuộc xây dựng xã hội, đảng cộng sản Việt Nam có tiến bộ. Nói cách khác, có nhượng bộ. Tất nhiên,  không vì thế mà đảng để tôn giáo tự do. Có điều, càng ngày đảng càng lúng túng và bị động (như sẽ bàn sau). Ta hãy xét qua từng giai đoạn.

 Thừa thắng xông lên.

Sắc lệnh số 234-SL về tôn giáo, ra ngày 14/06/1955, ký Hồ Chí Minh, có những điều đọc rất được. Thí dụ :

Điều 5. Các tôn giáo được mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình.

Điều 13. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo.

Riêng về công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo Hội Việt nam với Toà Thánh La-mã là vấn đề nội bộ của công giáo.

Điều 15. Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng hoà luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện.

Sắc lệnh ra năm 1955. Nhưng 1955 là sau 1954 với cuộc di cư vĩ đại, là thời điểm của Cải cách ruộng đất, của Nhân văn Giai phẩm. Trong một sắc lệnh đầy cấm đoán, cũng nói thế cho nó đẹp, nhưng tôn giáo ngoài Bắc bị cấm cách, đàn áp thế nào, ngày nay ai cũng biết.

Phật giáo : xem thư của HT Thích Quảng Độ gửi ông Đỗ Mười, Tổng bí thư đảng CSVN năm 1994 và Bản Nhận Định của cùng tác giả viết năm 1992[ii]. Trích một đoạn của bản Nhận định : “ Trước năm 1954, chùa Quán Sứ là trụ sở Trung ương của Giáo hội Phật giáo miền Bắc, trong đó có viện Phật học đào tạo tăng ni, trường trung học Khuông Việt dạy chương trình thế học, nhà in Đuốc Tuệ in nguyệt san Phương Tiện và kinh sách, có thư viện v.v… nhưng sau khi cộng sản tiếp thu Hà Nội thì viện Phật học giải tán để tăng ni ở đâu về đó lo việc tăng gia sản xuất, trường trung học Khuông Việt đóng cửa, thư viện khoá kín, nguyệt san Phương Tiện đình bản và nhà in Đuốc Tuệ bị chiếm dụng. Nghĩa là tất cả mọi hoạt động của Giáo hội hoàn toàn bị đình đốn, hệt như trong miền Nam năm 1975 ” .

Tin Lành bị o ép vào Mặt trận Tổ quốc, làm chậu kiểng để đảng lợi dụng thu hút tài trợ của Tin Lành ngoại quốc. Công việc điều hành bị Ban tôn giáo chi phối và áp đặt một cách lộ liễu, thô bạo. Như trường hợp Phó Tổng hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam, Lê Văn Dươn[iii].

 Công giáo : Đc Trịnh Như Khuê, Tgm Hà nội bị tịch thu giấy tờ từ hồi tháng 7 năm 1957 trong khi ngài đi thăm các xứ đạo. Từ đó, kể như ngài bị giam lỏng trong toà giám mục. Dòng Chúa Cứu Thế bị chiếm đoạt, cũng như Toà Khâm sứ cạnh toà giám muc Hà Nội… Ấy là chưa nói tới những sách báo tuyên truyền chống phá tôn giáo. Đăc biệt Công giáo (coi những tiểu thuyết của Chu Văn, của Nguyễn Khải được in đi in lại).

Đủ chứng tỏ một lần nữa, người cộng sản nói một đàng làm một nẻo. Với một sắc lệnh cởi mở nhất về vấn đề tôn giáo, các tôn giáo cũng đã bị bách hại nhiều nhất tại miền Bắc.

Năm 1975 : thừa thắng xông lên. Rất vội vàng như ta biết. Đảng cộng sản hấp tấp lột mặt nạ. Đúng là tiến nhanh, tiến mạnh : nghiền nát hết những gì không hoàn toàn chính thống theo quan niệm của đảng. Không chỉ có Mỵ/Nguỵ, mà cả những người, nhóm từng đi theo đảng hay chủ trương đối thoại với đảng. Nỗi sợ hãi dần dần ngấm vào xương tuỷ người dân miền Nam. Thống nhất đất nước đơn thuần là áp dụng chính sách toàn trị của miền Bắc cho miền Nam. Nói cách khác : tái diễn những cái thường được lầm gọi là ‘sai lầm’[iv] ngoài Bắc tại miền Nam. Lãnh vực tôn giáo không nằm ngoài kế hoạch ác độc đó. Và đó chính là mục tiêu của Nghị định 297/HĐBT ra ngày 11.11.1977 : áp dụng chính sách đàn áp tôn giáo tại miền Bắc cho miền Nam. Vì thế mà có chương trình thống nhất Phật Giáo[v], Uỷ ban Đoàn kết Công giáo yêu nước (là yêu chủ nghĩa xã hội) v.v… Những năm này là thời kỳ vênh váo, tự mãn và thiển cận nhất của đảng cộng sản Việt Nam. Cũng là lúc họ bắt đầu xuống dốc, khi phong trào tị nạn cộng sản chấn động thế giới, chiến tranh bùng nổ ở biên giới với Trung cộng và Việt Nam bị sa lầy bên Campuchia.. 

Trong khi đó bên Trung Quốc Đặng Tiêu Bình lẳng lặng chuyển theo kinh tế thị trường mặc dầu miệng vẫn hô to xã hội chủ nghĩa. Nguyễn Văn Linh cởi trói. Để giữ đảng. Rồi vội trói lại trước những biến cố bên Ba lan. Nhưng quá muộn. Về kinh tế thì rõ như ban ngày : không còn ăn bám vào khối Comecon được nữa khi mà Nga Xô đã sụp. Phải nới lỏng thôi. Mở cửa hay chết đói. Về tự do, nhân quyền, dù đàn áp vẫn có Phong trào Những người kháng chiến cũ với Nguyễn Hộ ; nhóm Đà lạt với Bùi Minh Quốc, Bảo Cự và nhất là Hà Sĩ Phu ; những nạn nhân của Vụ án xét lại ngoài Bắc ngỏng đầu ; PGTN với HT Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, càng ngày càng mạnh. Trong khi rất nhiều tăng ni của PG gọi là quốc doanh cũng sống trong tình trạng bất đắc dĩ. Dân miền thượng theo Kitô giáo càng ngày càng nhiều, ngay tại miền Bắc. Phía Công giáo dù bị đặc biệt chiếu cố, vẫn kiên vững : 1988 vụ tuyên thánh tử đạo VN. 1989 : thư của 20 linh mục và giáo dân tố cáo chính sách toàn trị, đàn áp tôn giáo. 1990 : sau 4 bài giảng của lm Chân Tín, chính quyền phải bắt ông và ông NNLan lưu đày và quản thúc. Đồng thời mở chiến dịch rầm rộ như chưa từng có trên báo đài nhằm lên án hai ông.

Trong vụ này, Mặt trận Tổ quốc đã triệu tập giới Công giáo Sài gòn và Đồng nai bắt ‘học tập cải tạo’ nhằm răn đe những người thắc mắc và cô đơn hoá những người cứng đầu như Chân Tín. Ông bộ trưởng Bộ nội vụ Mai Chí Thọ, trước một cử toạ gồm nhiều giáo sĩ, tu sĩ và Đc Nguyễn Minh  Nhật, chủ tịch HĐGM/VN, nói một câu để đời : “Nếu các vị không đi với chúng tôi, thì có nghĩa là các vị không thể đoàn kết với chúng tôi, mà cũng có nghĩa là các vị chống chúng tôi, không thể có nghĩa nào khác!”. Thời cuộc đã thay đổi mà ông Mai Chí Thọ không biết ? Hay ông biết, nhưng cố tình nạt nộ ? Khi sợ hãi đã hằn sâu vao tâm can con người, thì những kiểu nạt nộ như thế vốn có hiệu quả.

 Thay đổi chiến lược.

Thật ra, người cộng sản thừa biết chế độ toàn trị của họ đã hết thời. Cụm từ theo định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa chính xác là vứt chủ nghĩa xã hội khoa học vào sọt rác của lịch sử, nhưng giữ lại guồng máy độc tài toàn trị được chừng nào hay chừng nấy và được chỗ nào hay chỗ nấy (trên Tây Nguyên chẳng hạn, cứ thẳng thừng áp dụng mô hình stalinít, nhưng tại Tp HCM thì bó buộc phải có thái độ khác).

Trong lãnh vực tôn giáo, sự thay đổi chiến lược được chính thức hoá từ năm 90 với Nghị quyết 24 của BCT. Trước đó, chính sách của đảng thực sự là tiêu diệt tôn giáo. Bây giờ, BCT nhìn nhận : “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”. Thực tế, sau bao nhiêu cấm cách, Đảng thấy mình thất bại thê thảm. Ý hệ cộng sản bị dân chán ghét, trong khi tôn giáo vững mạnh và bành trướng hơn khi nào hết. Đặc biệt Tin Lành. Và trong Tin Lành, đặc biệt tại vùng Thượng miền Bắc và Tây Nguyên miền Nam, nơi những đồng bào sắc tộc. Công nhận “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”, là công nhận rằng ý đồ tiêu diệt tôn giáo chẳng những hão huyền mà còn nguy hại cho đảng.  Vì thế có Nghị định 69/HĐBT năm 91, thay thế cho cái Nghị quyết thừa thắng xông lên 297/HĐBT của năm 1977. Vấn đề là nếu đã coi tôn giáo như một nhu cầu tinh thần của nhân dân thì phải để nhân dân thoả mãn nhu cầu đó : phải có tự do tôn giáo. Nhưng có tự do tôn giáo thì còn gì độc tài ? Thành ra đảng cứ phải vừa khẳng định vừa phủ định tự do tôn giáo. Cụ thể, tự do tôn giáo nhưng. Và đàng sau cái ‘nhưng’ kia là một loạt cấm đoán rất tuỳ tiện. Theo một chứng nhân tại chỗ, NN Lan, khi nghị định 69 vừa ra, “ ai cũng chê, nghe đâu cả mấy ông ‘yêu nước’ cũng chê. Có lẽ vì những phản ứng đó, Ban tôn giáo Tp HCM mới ra Đề cương giải thích Nghị định 69/HĐBT về các hoạt động tôn giáo, nhằm thoa dịu dư luận”.

Nội dung Đề cương khởi đầu như sau :

“1.Những căn cứ của chính sách

- Tôn trọng tự do tín ngưỡng.

- Phát huy đoàn kết.

- Nhìn nhận tự do tín ngưỡng là một trong những quyền tự do dân chủ của nhân dân.

- Chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phản động lợi dụng tôn giáo nhất là sau vụ Đông Âu.”

Ba câu đầu ngon lành. Câu 4 thò đuôi và khiến nghi ngờ câu 2 : lợi dụng tôn giáo có nghĩa không đoàn kết với Đảng/Nhà nước. Bằng chứng : sau đó là “phaỉ có phép”, “phaỉ có phép”… Nguyễn Ngọc Lan tóm tắt kết luận : Mọi sự phải xin phép. Cho hay không tuỳ người ta. Chỉ có cầu kinh là tự do. (Tin Nhà số 4, tr 16)

Cho hay không tuỳ người ta! Thử tưởng tượng, một lực sĩ Việt Nam được giải vàng ở Thế vận hội, phải xin phép Nhà nước Việt Nam để được lĩnh giải! Xin phép để làm những điều mình có quyền làm, có bổn phận làm, nhất là lại xin phép một quyền lực không có thẩm quyền, thì thật vô lối.

Nhưng đứng từ phía chính quyền độc tài, đã tới lúc không thể không chấp nhận một mức tự do tôn giáo nào đó. Điều chính quyền không cho phép, thì cũng sẽ cứ xảy ra. Chi bằng cho phép để còn nắm được thế thượng phong. Tất cả sự nhì nhằng phức tạp ở đó. Chính quyền, thay vì khai trừ những tự do không thể khai trừ, chấp nhận một số tự do nhưng giữ và để giữ trong vòng kiểm soát của mình. Về phía các giáo hội, nín thở qua sông, chờ cơ hội. Trong khi chờ đợi : tránh né, chui ; chui thật, chui giả, chui công khai ; có khi lấn tới, không xin phép, từ chối, phản đối. Thí dụ ? Ai cũng biết Đc Nguyễn Kim Điền ngay từ năm 1977 đã phản đối chính sách đàn áp tôn giáo. Nhưng còn nhiều vị khác. Đc Nguyễn Huy Mai, Gm Buôn Ma Thuột (Tin Nhà số 1, tr ; 11), là một trong những Gm có lập trường rắn rỏi và cương nghị đối với chính quyền cộng sản, ngài đã cấm không cho Uỷ ban ĐKCGYN thành lập và hoạt động trong giáo phận của ngài ; năm 1990 ngài bị chính quyền cấm không cho đi dự cuộc họp của Ban Thương vụ HĐGM/VN mà ngài là Phó Chủ tịch I ; trong thư phản đối gửi chính quyền, ngài viết : “Việc cấm cản ấy không chỉ xâm phạm đến nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng của cá nhân tôi, mà còn đụng chạm cách thô bạo đến cơ chế và sinh hoạt nội bộ của HĐGM/VN, đồng thời xúc phạm đến danh dự của toàn thể Giáo hội Công giáo tại nước này”. Đc Nguyễn Minh Nhật, Gm giáo phận Xuân Lộc, Chủ tịch HĐGM/VN, nhân chuyến đi viếng ad limina, đã có những lời tuyên bố thẳng thắn về UBĐKCGYN, về chính sách đàn áp tôn giáo của Hà Nội. Khi về bị làm khó dễ, đặc biệt trong việc tổ chức mừng lễ kỷ niệm 25 năm thành lập giáo phận. Trước đó, “mọi mọi chuyện xem ra đã được dàn xếp. Thế nhưng Đc vừa về thì lại được công văn của Nhà nước gửi tới cho phép tổ chức lễ kỷ niệm ở Bãi Dâu như đã yêu cầu, nhưng hạn chế số người tham dự không được quá 2000 người. Bình thường thì cũng có thể chấp nhận một sự cho phép như thế, chỉ gửi 2000 giấy mời rồi 20 000 người tự ý tới thì ai mà cản được. Nhưng Đc Nhật đã “xin cám ơn” ngay thứ giấy phép như vậy và cho biết sẽ không tổ chức lễ lạc gì nữa hết. Nghe đâu phía Nhà nước đã yêu cầu hoãn lại quyết định như thế ba ngày để họ xem xét, bàn tính lại. Nhưng Dc Nhật không đợi mà phổ biến ngay trong toàn địa phận Xuân Lộc quyết định bãi bỏ việc tổ chức mừng lễ kỷ niệm” (Nguyễn Ngọc Lan, Tin Nhà số 2, tr. 22).

Như vậy, nếu chỉ đọc văn bản và quan sát hiện tượng cách hời hợt thì thấy tôn giáo bị thắt chặt hơn. Nhưng thực tế thì như người nhà thường nói cách mỉa mai ‘zậy mà không phải zậy’. Thời gian của Nghị quyết 24 của Bộ Chính Trị và Nghị định 69 của Hội đồng Bộ trưởng cũng là thời gian, sau vụ phong thánh, Phái đoàn Toà thánh Vatican sang Việt Nam, Đc Nhật, chủ tịch HĐGM/VN hạ bệ Uỷ ban ĐKCGYN, thời gian của những Kiến nghị cứng rắn của HĐGM/VN, thời gian chính quyền nói chuyện trực tiếp với Giáo phẩm... Chẳng cần phải là nhà quan sát sâu sắc cũng có thể tiên quyết rằng nghị định 69, ra năm 91, nhằm thực hiện chỉ thị năm 91, không xoá nổi căng thẳng giữa đảng và tôn giáo. Sửa đổi một chính sách tôn giáo thực hiện từ năm 54 ngoài Bắc (tức Sắc lệnh 24 của HCM và Nghị định 297/HĐBT) thì thấm vào đâu khi thời cuộc đã biến đổi một trời một vực.

 Vì thế, hơn hai năm sau, lại phải đổi. Đó là Chỉ thị 379/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin : “Sau khi nêu rõ những thiếu sót, lệch lạc trong thực hiện những quy định trong Nghị định 69 và những hạn chế trong chính sách tự do tín ngưỡng, Thủ tướng chính phủ chỉ thị, các cấp chính quyền và Ban tôn giáo các cấp cần xử lý đúng đắn các vấn đề sau đây : ”(chúng tôi ấn mạnh). Tiếp theo là một loạt những cho phép, cho phép, tạo điều kiện. Như vậy thì làm sao tránh được “những hạn chế trong chính sách tự do tín ngưỡng” ? Thiếu sót, lệch lạc thuộc về bản chất của chế độ[vi]. Nhưng dù có thực hiện đúng đắn những quy định trong Nghị định 69 cũng vẫn không đủ.  Thực tế, có nhiều cái không cấm được nữa. Đó là những cái trước kia không cho phép, bây giờ phải cho phép. Như in ấn kinh sách, cử người đi du học ở nước ngoài, sửa chữa cơ sở thờ tự… Có thể nói, mỗi khi có văn bản mới về tôn giáo là khi chính quyền lâm vào thế bí và tìm cách đối phó.

Từ 6 năm qua, tức từ năm 1998, chỉ thị, nghị định, nghị quyết, Pháp lệnh ra dồn dập. Nhưng ra một cách khó khăn và biểu lộ rõ thế bí của đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ thị của BCT năm 98 có tên là chỉ thị về “công tác tôn giáo trong tình hình mới”. Tình hình mới là tình hình nào ? Trích Chỉ thị :“Hoạt đông tôn giáo của một số tín đồ, chức sắc ở một số nơi chưa theo đúng pháp luật, như :tổ chức sinh hoạt tôn giáo, in ấn, xuất nhập, lưu hành kinh sách, sử dụng đất đai, xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự và huy động quá lớn sức dân, không đúng quy định của pháp luật (…) Vẫn còn tình trạng truyền đạo trái phép và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo tiến hành các hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia ”. Diễn nôm : Nghị định 69/HĐBT năm 91 một phần nào như nước đổ đầu vịt. Cấm, bắt xin phép nhưng một số tín đồ, tệ hơn, một số chức sắc cứ làm, không xin phép ; cứ tiếp tục in ấn, xuất nhập, lưu hành kinh sách chẳng hạn. Nhất là tiếp tục truyền đạo trái phép, tiếp tục lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo gây phương hại đến lợi ích quốc gia, tức lợi ích của đảng cộng sản.  Rõ ràng, đảng nhận ra rằng đảng không ngăn cản nổi sự lan truyền của tôn giáo. Ở một số nơi đảng ngang nhiên cấm đạo (xem Vấn đề địch lợi dụng tôn giáo  Thư chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang gửi đồng bào dân tộc Mông[vii]) nhưng đạo cứ lan rộng. Đảng thú nhận : “Nhà nước chưa kịp thời bổ sung các văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể về các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phù hợp với tình hình  mới. Trong quản lý vừa có biểu hiện cứng nhắc, lại vừa có biểu hiện buông lỏng”. Tình hình mới, mới từ lâu rồi, nhưng cái kiểu lùi từng bước, lùi khi bị bó buộc, thì chẳng bao giờ ‘kịp thời bổ sung các văn bản’. Hơn nữa, bổ sung cách nào cũng bất cập bao lâu đảng cộng sản chưa thật sự chấp nhận tự do dân chủ. Chính vì vậy nên mỗi khi ‘cho phép’ một tự do (như tự do in ấn sách đạo, tự do cử tu sĩ đi du hoc…), đảng phải rào lại bằng những ‘quy định cụ thể’. Để giữ vững độc quyền trước sức ép của thực tại, càng ngày càng phải bổ túc những quy định cụ thể, tức những quy định đi vào đời sống cụ thể của tôn giáo. Mà đời sống cụ thể lại hết sức giàu có, hết sức đa dạng. Làm sao quy định được ? Một quy định, chi tiết mấy đi nữa cũng mang tính cách chung (général), trừu tượng, không thể ôm hết được cái riêng tư, cụ thể. Không ai làm luật cho một trường hợp cụ thể. Mà chính quyền này lại đòi cai quản hết mọi mặt của nếp sống tôn giáo cụ thể.  Thành ra luẩn quẩn, mâu thuẫn, ngớ ngẩn. Pháp lệnh vừa ra là một điển hình. Mấy chục bản dự thảo để dẫn tới một văn bản đầu cua tai nheo. Trên nguyên tắc, Pháp lệnh là của Quốc hội, cơ quan lập pháp. Từ trước tới nay, Bộ Chính Trị, Ban Chấp hành Trung ương, Hội đồng Bộ trưởng hay Chính phủ tức Đảng và Nhà nước cai quản, chén ép tôn giáo với những Nghị định, Nghị quyết về tôn giáo. Nay, trước sức ép của dư luận trong nước và đòi hỏi của thời cuộc, ta cũng tam quyền phân lập. Nhà nước, cơ quan hành pháp tôn trọng cơ quan lập pháp, Quốc hội. Quốc hội lại dân chủ đến nỗi dự thảo đi, dự thảo lại để tham khảo ý kiến của chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Thế rồi Quốc hội bàn. Kể ra cũng là một bước tiến hình thức về dân chủ. Có điều nếu Quốc hội có bàn cũng là để gật theo Nghị Quyết của BCHTƯ.

Đọc, rồi so sánh Nghị quyết, một vài bản Dự thảo Pháp lệnh và Pháp lệnh ai chẳng thấy có nhiều sai biệt, mâu thuẫn ? Mâu thuẫn ngộ nghĩnh nhất hẳn là điều 38 của Pháp lệnh :  Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó ”. Chiếu theo điều 38 này, chẳng những Pháp lệnh, mà mọi nghị định, nghị quyết, chỉ thị về công tác tôn giáo, hoạt động tôn giáo của đảng CSVN từ trước tới nay, đều phải hủy bỏ hết. Ngay cái Quốc hội nặn ra một Pháp lệnh như thế cũng nên giải tán. Lý do quá hiển nhiên : những điều ước quốc tế mà CHXHCNVN đã ký kết hoặc gia nhập không cho phép đàn áp bất cứ cá nhân hay tập thể nào vì lý do tôn giáo. Đòi đi vào mọi trường hợp cụ thể, rồi tưởng cũng có thể giải toả dễ dàng một trường hợp cụ thể hoàn toàn vượt tầm tay của mình, là những công ước quốc tế, đảng CSVN đã tự gài bẫy trên bình diện pháp lý.

Kết.

Sau khi hết bị quản chế, Hà Sĩ Phu nói : tôi như con cá, trước đây họ thả trong chậu, bây giờ họ bỏ vào ao, nhưng họ muốn vớt ra lúc nao chả được ; HY Phạm Minh Mẫn dùng một hình ảnh tương tự : tự do chúng tôi muốn to như cái bàn, nhưng tự do chúng tôi có, nó bé bằng cái đĩa. Ban bố những tự do, rồi cố rào thật kín. Nhưng tùy từng trường hợp cụ thể. Cái ao dành cho HY Mẫn, một vị lãnh đạo tôn giáo bề thế, không giống cái ao thả Hà Sĩ Phu. Cái ao cho Tin Lành miền đồng bằng không giống cái ao cho Tin Lành miền Thượng, cái ao cho Phât giáo khác cái ao cho Công giáo… Có nhiều thứ ao, có nhiều thứ hàng rào. Làm sao mà rào kín được khi phải sắm hàng rào cho từng trường hợp và vừa rào vừa mở rộng hàng rào ? Rốt cuộc, càng rào, càng nhiêu sơ hở.

Lách qua những sơ hở ấy mà sống, mà hành đạo, hòng từng bước đẩy lùi những hàng rào, mở rộng những cái ao, hay xé rào, vượt biên, cắt đứt dây thòng lọng ? Nhưng ‘quá khích’ như lm Nguyễn Văn Lý, có mấy người ? Vậy chế độ độc tài vẫn tồn tại và vẫn sẽ tiếp tục nhượng bộ từng bước ? Việt Nam vẫn sẽ vừa đi vừa cột chân trong khi Âu Mỹ và ngay những nước láng diềng dùng đôi hia vạn dặm ?

Làm gì đây để thay đổi tình hình ? Thán phục và nhiệt liệt yểm trợ những người xé rào, tìm hiểu, cảm thông, hỗ trợ và thúc đẩy những người đang mở rộng mọi ao hồ, đẩy lùi những hàng rào để một ngày rất gần ao hồ thông với biển cả, để mọi hàng rào chỉ còn là biên giới pháp luật bảo vệ tự do của mỗi người và cho mọi người : thiết tưởng đó là ước vọng và bổn phận của mỗi chúng ta.

                                                                                        

                                                                                                Paris 25.10.04

 



[i] Đã đăng trên những báo Mục Vụ, Diễn đàn Giáo dân, Viễn tượng Việt Nam

[ii] Thư viết cho ông Đỗ Mười  Bản Nhận Định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Xem Phật giáo Thống Nhất, Thống nhất Phật giáo. TIN. Paris 1994

[iii] “Trước khi trở thành Đảng viên Đảng CSVN, Ông Dươn đã theo học một năm, có thể với tính cách một người của kháng chiến cài vào làm công tác cơ sở,  tại  Trường Kinh Thánh Đà Nẵng, tham gia kháng chiến, rồi tập kết ra Bắc. Năm 1960, Ban Tôn giáo Chính Phủ đưa Ông này vào chức vụ Phó Hội Trưởng Tổng Hội để điều khiển Tổng Hội. Ban Tôn giáo bắt buộc Giáo Hội phải nhận Lê Văn Dươn (…)

Ông Duơn lôi kéo những thành phần có tham vọng chức quyền trong hàng ngũ giáo hội, bố trí họ vào các chức vị lãnh đạo trong Tổng hội để lèo lái giáo hội đi theo đường lối chính trị xã hội dưới sự chỉ đạo của Ban Tôn giáo. Trước tình cảnh đó, nhiều tín đồ chân chính trong Hội Thánh đã thẳng thắn lên tiếng công khai phản đối. Kết quả là  những tín đồ này bị loại trừ lập tức bằng nhiều biện pháp. Ban Thanh niên,  trong đó có những người chống đối, bị giải tán; họ bị chụp mũ là phản cách mạng, bị chính quyền bức bách nhiều cách thật điêu đứng, bị Ban lãnh đạo giáo hội trù dập... Nhưng rồi chính Lê Văn Dươn đã tự hủy danh dự và chức vụ của mình bằng một hành động vô đạo đức mà mọi người trong giáo hội và cả người ngoài đều biết là cưỡng dâm nhiều lần một phụ nữ người Trung quốc. Việc này đổ bể gây gương xấu cho giáo hội và xã hội, nên ông bị trục xuất khỏi giáo hội. Chính quyền hết sức bao che bênh vực, nhưng trước sức ép dư luận của quần chúng tín đồ cũng như thái độ kiên quyết của phía chính quyển Trung quốc, Lê Văn Dươn phải ra hầu tòa và bị phạt ba năm tu (1963) Vụ Lê Văn Dươn mang lại nhiều hậu quả tiêu cực gây tai tiếng cho nhiều giới liên hệ: uy tín của Ban Tôn giáo chính phủ sút giảm, tâm trí của các tín đồ không được bình an, vì trong hàng ngũ giáo hội có sự chia rẽ và hoài nghi. Nhiều người ưu tú trong cộng đoàn Tin lành đã vì chuyện xấu xa này ra khỏi giáo hội”. (Đạo Tin Lành ở miền Bắc Việt Nam, 1954 – 1994. Tài liệu nghiên cứu của Lê Khả Tín, viết năm 2001, chưa in, dài 28 trang A4).  

[iv] Phải một cái, dái đền già : người ta lầm một lần, không ai lầm hai lần! Lầm hai lần trong cùng một sự việc thì không còn là lầm nữa, đó là cố ý. Tục ngữ la tinh : errare humanum est, perseverare, diabolicum est / người ta ai cũng có lúc lầm, nhưng ngoan cố trong cái lầm thì thật là quái quỷ.

[v] Xem chứng từ của Đỗ Trung Hiếu, người của Uỷ ban Tôn giáo Chính phủ trong Phật giáo Thống nhất, Thống nhất Phật giáo. Tin, Paris 1994.

[vi] Trong một chế độ toàn trị, bất cứ kẻ nào có quyền, đều có toàn quyền trong lãnh vực của mình ; vì thế tuỳ tiện, thiếu sót, lệch lạc là lẽ tự nhiên. Cái đó gọi là ‘hạ cấp làm liều’. Để tránh thiếu sót, lệch lạc, phải khai trừ tuỳ tiện. Nhưng muốn khai trừ tuỳ tiện, phải huỷ bỏ độc tài.

[vii] Trích thư ông chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ngày 27.06.77 : “đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta nói chung, đồng bào Mông nói riêng từ trước tới nay không ai theo đạo, thì ngày nay không ai được phép vận động bà con ta theo đạo và bà con ta có quyền từ chối không theo bất cứ đạo nào vì đó không phải là truyền thống của người Mông ta. Thực tế trong mấy năm gần đây có một số người do không hiểu đúng quyền tự do tín ngưỡng và có kẻ xấu lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng đã vận động và theo đạo : lúc thì Kitô, lúc thì Tin Lành. (…) Vì vậy tôi trả lời cho bà con ta biết là: bà con ta không được mắc lừa kẻ xấu mà đi theo đạo; hãy dùng quyền của bà con ta được Nhà nuớc xác định là có quyền không theo bất cứ đạo nào mà đoàn kết chung sống cùng nhau lao động sản xuất và học văn hóa để xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc”.

Trích bản Cam kết của ‘bà con ta’ phải làm sau khi ‘học tập’ :

 Tôi xin cam kết thực hiện như sau :

1. Bản thân tôi và gia đình không tham gia học tập theo đạo Tin Lành, trở lại với phong tục tập quán của người Mông.

2. Có trách nhiệm tuyên truyền vận động bà con trong thôn bản và trong xã không nghe và đi theo đạo Tin Lành, không di cư tự do.

3. Có trách nhiệm cung cấp thông tin báo cáo cho cấp ủy, chính quyền địa phương, những người tiếp tục tuyên truyền theo đạo và những đối tượng từ địa bàn khác đến tuyên truyền học đạo.

4. Nếu tôi làm trái với bản cam kết này, tôi xin chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật (chúng tôi ấn mạnh).

 

 

Trở lại trang chính


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật Nhân Quyềnn] [Tài liệu] [Tin nhân quyền] [Diễn đàn] [Tham gia] [Tải xuống] [Liên kết]